Nhịp đập năng lượng ngày 19/9/2023

Nga bắt tay với Trung Quốc xây tổ hợp trung chuyển dầu; Trung Quốc tăng tốc khai thác dầu thô; Pháp, Đức bất đồng về vai trò năng lượng hạt nhân tại EU… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 19/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Nga bắt tay với Trung Quốc xây tổ hợp trung chuyển dầu

Quỹ Roscongress ngày 19/9 cho biết Công ty United Oil- and Gas-Chemical (ONGK) của Nga và Công ty Phát triển Công nghiệp Xuan Yuan của Trung Quốc đã đồng ý cùng đầu tư 5 tỷ nhân dân tệ (686 triệu USD) để xây dựng một tổ hợp dầu trung chuyển ở vùng viễn đông của Nga.

Khu phức hợp xuyên biên giới, được thành lập tại Khu tự trị Do Thái của Nga, nối thị trấn Nizhneleninskoye của Nga với thành phố Đồng Giang của Trung Quốc, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc khi Moscow mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu hàng hóa về phía đông và ra khỏi châu Âu.

Dự án sẽ có 5 cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm một nhà ga có công suất lưu trữ, pha trộn tới 5,8 triệu tấn dầu thô và hỗn hợp dầu khí ngưng tụ mỗi năm; 1 kho chứa để tiếp nhận, lưu trữ và phân phối tới 1 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ và dầu nhiên liệu mỗi năm, 1 khu phức hợp nạp khí để trung chuyển khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), với công suất xử lý tới 650.000 tấn sản phẩm mỗi năm.

Trung Quốc tăng tốc khai thác dầu thô

Cục Thống kê Quốc gia cho biết trong một tuyên bố công bố cuối tuần qua rằng, sản lượng dầu thô của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 17,47 triệu tấn, trung bình 564.000 tấn mỗi ngày. Tốc độ tăng trưởng tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 1% trong tháng 7.

Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 30,9% lên 52,8 triệu tấn, cũng lớn hơn mức tăng 17% trong tháng 7. Tính cả trong 8 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng dầu thô khai thác của Trung Quốc tăng 2,1% lên 139,85 triệu tấn, trong khi nhập khẩu tăng 14,7% lên 378 triệu tấn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu tại Trung Quốc đang tăng nhanh hơn dự báo, có thể siết chặt thêm thị trường và kéo giá lên cao. Trung tuần tháng 5, IEA tiếp tục nâng dự báo nhu cầu, lên kỷ lục 102 triệu thùng/ngày tăng 2,2 triệu thùng so với năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc đóng góp phần lớn mức tăng, với 60%. Tiêu thụ dầu thô tại nước này cũng lập đỉnh với 16 triệu thùng một ngày trong tháng 3.

Năng lượng tái tạo góp hơn một nửa sản lượng điện của Đức

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết tại một hội nghị ở Berlin hôm thứ Hai (18/9) rằng các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ cung cấp hơn 50% lượng điện của Đức trong năm nay, Oil Price đưa tin.

Tuy nhiên, vị bộ trưởng, người cũng chịu trách nhiệm về hành động khí hậu, cảnh báo rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu cần đẩy nhanh việc triển khai năng lượng xanh để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu đến năm 2030 và hơn thế nữa. Ông Habeck cho biết, đến năm 2030, Đức đặt mục tiêu sản xuất 80% sản lượng điện của mình từ năng lượng tái tạo. “Chúng tôi sẽ không đạt được điều đó với tốc độ hiện tại”, vị bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong nửa đầu năm 2023, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 52% tổng lượng điện tiêu thụ của Đức, theo dữ liệu của Hiệp hội ngành công nghiệp tiện ích tại Đức (BDEW) và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Mặt trời và Hydrogen Baden-Wurttemberg (ZSW). Con số này tăng 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Pháp, Đức bất đồng về vai trò năng lượng hạt nhân tại EU

Bất đồng giữa Pháp và Đức về vai trò của năng lượng hạt nhân trong chương trình nghị sự xanh của Liên minh châu Âu (EU) đang làm gia tăng căng thẳng trong khối.

Căng thẳng bùng lên khi Berlin quyết định ngăn chặn một thỏa thuận vào phút chót nhằm thực thi lệnh cấm bán các loại ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch với động cơ đốt vào năm 2035. Berlin yêu cầu Brussels bảo đảm luật sắp ra mắt cho phép bán các loại xe mới được trang bị động cơ đốt chạy bằng nhiên liệu tổng hợp như một động thái bảo hộ đối với ngành công nghiệp ô tô của nước này. Quyết định của Berlin đã khiến Paris nổi giận, trong bối cảnh giá năng lượng tiếp tục biến động khiến các cuộc biểu tình áo vàng của những người lái xe rộ lên ở nước Pháp.

Tranh cãi về giá năng lượng chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh toàn cảnh lớn hơn về mối quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Đức. Trong năm qua, một mối rạn nứt đáng kể khác đã xuất hiện khi Pháp và Đức bất đồng về các nội dung cơ bản của "Thỏa thuận xanh” - một thỏa thuận hướng đến mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn đảm bảo về mặt phát triển kinh tế của EU.

Ả Rập Xê-út khẳng định giảm sản lượng dầu không phải để đẩy giá dầu tăng

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út lên tiếng bảo vệ quyết định của nước này gia hạn việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu, khẳng định rằng động thái này không nhằm đẩy dầu thô tăng giá. Tuyên bố được Riyadh đưa ra giữa lúc giá dầu thế giới đang tiến dần về ngưỡng 100 USD/thùng.

“Đây không phải là việc đẩy giá dầu lên, mà là đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với những dữ liệu mà chúng tôi có”, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út, phát biểu ngày 18/9 trong tuyên bố công khai đầu tiên của ông kể từ khi việc giảm sản lượng được gia hạn.

Nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng vì việc Ả Rập Xê-út và Nga cắt giảm sản lượng sẽ hạn chế nguồn cung giữa lúc nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng tốc. Cùng ngày 18/9, CEO Mike Wirth của công ty năng lượng Mỹ Chevron đã trở thành nhân vật cấp cao mới nhất đưa ra dự báo rằng giá dầu sẽ sớm vượt mốc 100 USD/thùng.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1992023-694622.html