Nhịp đập năng lượng ngày 17/6/2023

Phụ tải điện dự kiến tăng cao vào cuối tuần; Giá khí đốt châu Âu tăng vọt trở lại; Nga khẳng định tìm được khách hàng mới thay thế phương Tây… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 17/6/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Phụ tải điện dự kiến tăng cao vào cuối tuần

Theo cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 16/6 tiếp tục tăng cao, đạt 861,3 triệu kWh; trong đó miền Bắc ước khoảng 413,7 triệu kWh, miền Trung khoảng 69,2 triệu kWh, miền Nam khoảng 377,8 triệu kWh.

Cụ thể, ngày 16/6, công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) quốc gia đạt đỉnh vào lúc 14h30 mức 41.569,1MW; trong đó công suất đỉnh tại miền Bắc là 19.367,3MW (lúc 22h00), tăng gần 1.500MW so với ngày 15/6 (17.892,6MW); miền Trung là 4.253,2MW (lúc 14h00), miền Nam là 18.677,4MW (lúc 15h00).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày 17 và 18/6, Bắc Bộ nắng nóng và từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Các chuyên gia khuyến cáo, tình hình nắng nóng 2 ngày cuối tuần, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Do đó, người dân, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh tiết kiệm điện nhằm tránh áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

Giá khí đốt châu Âu tăng vọt trở lại

Sau nhiều tháng giảm, giá khí đốt tự nhiên tháng này tại châu Âu tăng hơn 50%, gợi nhớ lại nỗi lo về khủng hoảng năng lượng năm ngoái. Số liệu từ hãng nghiên cứu giá cả hàng hóa ICIS cho thấy giá khí đốt tương lai tại châu Âu đã tăng 52% từ đầu tháng này, chạm 35 euro/MWh (38 USD) hôm 16/6. Các nhà phân tích cho biết rằng giá đảo chiều chủ yếu do việc bảo trì các nhà máy khí đốt chính ở Na Uy kéo dài hơn dự kiến.

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu hiện vẫn thấp hơn nhiều so với hè năm ngoái, khi khu vực này mắc kẹt trong cuộc chiến năng lượng với Nga sau xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên "việc giá tăng gần đây cho thấy thị trường châu Âu nhạy cảm thế nào với sự gián đoạn", Bill Weatherburn - nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận xét.

Năm ngoái, Na Uy thay Nga trở thành nguồn nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Liên minh châu Âu, chiếm hơn 24% thị phần. Trong khi đó, khí đốt đường ống Nga chỉ chiếm 15%. châu Âu cũng đang đứng trước nguy cơ mất thêm nguồn khí đốt lớn nữa khi Hà Lan dự kiến đóng vĩnh viễn mỏ khí Groningen vào tháng 10 khiến giá khí đốt ngày 15/6 tăng vọt.

"Thị trường khí đốt châu Âu - và mở rộng ra là thị trường khí đốt toàn cầu - chắc chắn vẫn chưa thoát nguy cơ cung không đủ cầu", Tom Marzec-Manser - Giám đốc Phân tích Khí đốt tại ICIS cho biết trên CNN.

Nga khẳng định tìm được khách hàng mới thay thế phương Tây

Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 16/6, Tổng thống Vladimir Putin dự báo kinh tế Nga có thể tăng trưởng lên đến gần 2% trong năm nay. Ông đồng thời khẳng định ngành năng lượng Nga đã tìm được khách hàng mới để thay thế các thị trường phương Tây.

“Chúng tôi không rơi vào con đường tự cô lập mà hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi đã mở rộng quan hệ với các đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm ở các quốc gia và khu vực đóng vai trò là động lực của nền kinh tế thế giới ngày nay. Tôi muốn nhắc lại: Đây là những thị trường của tương lai, mọi người đều hiểu rõ điều đó”, Tổng thống Putin nói tại phiên họp toàn thể của diễn đàn.

Ông nói xu hướng kinh tế vĩ mô của đất nước đang tích cực và ngành năng lượng của Nga đã tìm được khách hàng mới. Ông cũng cho biết các thị trường năng lượng phương Tây đang được thay thế bởi các thị trường khác và Nga không gặp bất cứ tai họa nào trong vấn đề xuất khẩu năng lượng.

Indonesia sẽ khai trương sàn giao dịch carbon vào tháng 9

Indonesia đang chuẩn bị khai trương sàn giao dịch tín chỉ carbon vào tháng 9 tới, trong đó các công ty sản xuất điện sẽ tiến hành giao dịch đầu tiên. Sàn giao dịch trên sẽ do Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia (BEI) vận hành, dưới sự giám sát của Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) cùng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp.

Theo ông Ignatius Wahyu Marjaka, Vụ trưởng Vụ Huy động các nguồn lực ngành và khu vực thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, trong thời gian đầu, các nhà sản xuất điện than và có mức phát thải thấp hơn hạn mức do chính phủ quy định có thể bán giấy phép phát thải cho các công ty kém hiệu quả hơn.

Trước đó, hồi tháng 2, Indonesia đã khởi động giai đoạn đầu của chương trình giao dịch carbon bắt buộc đối với 99 nhà máy điện than thuộc sở hữu của 42 công ty đang cung ứng cho tổng công ty điện lực nhà nước PLN. Hơn một nửa sản lượng điện ở nước này hiện có nguồn gốc từ than đá.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1762023-687435.html