Nhịp đập năng lượng ngày 14/11/2023

Dự đoán giá dầu sẽ tăng lên 120 USD; Công suất xuất khẩu LNG từ Bắc Mỹ có thể tăng hơn gấp đôi trong 4 năm tới; Gazprom đặt mục tiêu cung cấp khí đốt dài hạn cho Kazakhstan, Uzbekistan… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 14/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Dự đoán giá dầu sẽ tăng lên 120 USD

Giá dầu trung bình có thể đạt 120 USD/thùng vào năm 2024 do nguồn cung từ Trung Đông bị gián đoạn do xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, báo Vedomosti viết, trích dẫn dự báo của Fitch.

Xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra hôm 7/10 khiến giá dầu tăng mạnh. Trong dự báo được công bố ngay sau khi bắt đầu các hoạt động quân sự, Goldman Sachs cho biết giá dầu Brent sẽ đạt 100 USD/thùng vào tháng 6/2024.

Ronald Smith, nhà phân tích cấp cao tại BCS World of Investments cũng nói rằng, giá dầu Brent có thể chạm mốc 120 USD, nhưng điều này khó xảy ra. Ông kỳ vọng giá dầu trung bình sẽ duy trì ở mức 85 USD/thùng vào năm 2024. Theo ông, OPEC+ sẽ vẫn là một thành viên chính trên thị trường dầu mỏ, điều này sẽ làm giảm khả năng xảy ra biến động giá. Smith giải thích: Nếu giá dầu thực sự tăng lên mức 120 USD/thùng, OPEC+ có thể sẽ thông báo tăng sản lượng trong thời gian ngắn, đưa giá trở lại mức 100 USD/thùng.

Công suất xuất khẩu LNG từ Bắc Mỹ có thể tăng hơn gấp đôi trong 4 năm tới

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) kỳ vọng công suất xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Bắc Mỹ sẽ tăng lên 24,3 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/ngày) từ 11,4 Bcf/ngày hiện nay, khi Mexico và Canada đưa các kho cảng xuất khẩu LNG đầu tiên của họ vào hoạt động trong khi Mỹ bổ sung thêm vào công suất LNG hiện có.

Đến cuối năm 2027, EIA ước tính công suất xuất khẩu LNG sẽ tăng 1,1 Bcf/ngày ở Mexico, 2,1 Bcf/ngày ở Canada và 9,7 Bcf/ngày ở Mỹ, đến từ tổng số 10 dự án mới từ cả ba quốc gia.

Trong đó, Mexico đang xây dựng 3 dự án gồm Fast LNG Altamira, Fast LNG Lakach và Energia Costa Azul. Canada có 2 dự án gồm LNG Canada và Woodfibre LNG, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025 và năm 2027. Mỹ có 5 dự án là Golden Pass, Plaquemines, Corpus Christi Stage III, Rio Grande và Port Arthur. Các nhà phát triển kỳ vọng các lô hàng LNG đầu tiên từ Golden Pass LNG và Plaquemines LNG sẽ được xuất khẩu vào năm 2024.

Mỹ dự định tiếp tục mua 1,2 triệu thùng dầu dự trữ

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết hôm 13/11, Mỹ có kế hoạch mua 1,2 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR), sau khi nước này bán hết số lượng dầu dự trữ lớn nhất từ trước đến nay vào năm ngoái. Kế hoạch mua dầu ở mức giá trung bình là 77,57 USD/thùng từ 2 công ty.

Năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tiến hành đợt bán 180 triệu thùng lớn nhất từ trước đến nay từ SPR. Chiến dịch này nằm trong chiến lược nhằm ổn định thị trường dầu mỏ đang tăng vọt. Khi giá dầu tăng do Ả Rập Xê-út và Nga cắt giảm sản lượng, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden khó có thể mua lại dầu để dự trữ. Tháng trước, họ đã tăng giá mua lên 79 USD/thùng hoặc thấp hơn một chút, tăng so với mức giá trước đó là khoảng 68-72 USD/thùng.

Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng cho biết: “Tổng thống Joe Biden và Bộ Năng lượng vẫn cam kết mua lại dầu cho SPR với mức giá hợp lý, nhằm bảo đảm năng ninh lượng mà vẫn mang lại thỏa thuận tốt cho người nộp thuế Mỹ”. Bộ cho biết dầu trong đợt bán khẩn cấp năm ngoái được bán với giá trung bình 95 USD/thùng.

Gazprom đặt mục tiêu cung cấp khí đốt dài hạn cho Kazakhstan, Uzbekistan

Gazprom (Nga) đang đặt mục tiêu thực hiện chiến lược 15 năm nhằm tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên cho Kazakhstan và Uzbekistan. Giám đốc điều hành Gazprom đã nhấn mạnh kế hoạch dài hạn kể trên hôm 12/11 trên kênh truyền hình Russia 1 TV, nhấn mạnh động thái này là một phần trong chiến lược lớn hơn của Nga nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đối với lĩnh vực năng lượng tại Trung Á.

Sáng kiến này nhằm mục đích củng cố vai trò của Nga với tư cách là nhà cung cấp năng lượng quan trọng trong khu vực thông qua hệ thống đường ống Trung Á - Trung tâm.

Đường ống này kéo dài gần 5.000 km từ Turkmenistan đến Nga và sẵn sàng đóng một vai trò then chốt trong đề xuất tăng nguồn cung khí đốt. Gazprom đang nỗ lực hoàn tất hợp đồng hợp tác vào giữa năm 2024 và dự kiến việc cung cấp khí đốt của Nga tới các thị trường Trung Á có thể tăng lên khoảng 20 tỷ m3 vào năm 2030.

Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu dầu thô của Nga đạt mức cao kỷ lục

Theo các thương nhân và dữ liệu LSEG, nhập khẩu dầu Urals của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng này, trong khi các thương nhân dự đoán lượng mua từ các khách hàng lớn khác như Ấn Độ và Trung Quốc vẫn duy trì ổn định dù lượng hàng thấp hơn dự kiến.

Các thương nhân kỳ vọng, lượng dầu Urals giao cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt mức 1,4 triệu tấn trong tháng 10 và phá vỡ mức kỷ lục 1,43 triệu tấn kể từ tháng 10/2022. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hơn 800.000 tấn dầu Ural, được nạp tại các cảng của Nga trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 15/11, tăng 200.000 tấn so với cùng kỳ tháng 10, theo dữ liệu của LSEG.

Thổ Nhĩ Kỳ đang nhập khẩu nhiều nhất dầu giá rẻ của Nga kể từ khi nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này, STAR, thuộc sở hữu của công ty SOCAR của Azerbaijan, đạt được thỏa thuận với công ty Lukoil của Nga về việc nhập khẩu dài hạn loại dầu này. Lukoil đã bắt đầu giao hàng đến STAR vào tháng 10 và dự kiến sẽ cung cấp khoảng 100.000 thùng/ngày hay một nửa công suất của nhà máy trong tháng này.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-14112023-699336.html