Nhiều nguy cơ khi tự chữa bệnh cho trẻ

Đưa con đến gặp bác sĩ chuyên gia tai mũi họng khi tình trạng viêm tai giữa của con gái rất nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến thính lực mãi mãi, chị Mai H. ở Thái Bình không khỏi hối hận.

Những ngày qua, thời tiết Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc chuyển sang nắng nóng với nhiệt độ cao. Con trai nhỏ 4 tuổi của chị H. thường xuyên được chồng chị cho ra sông tắm.

Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi.

Ban đầu, chị cũng không đồng tình nhưng vì trời quá nóng mà con lại tỏ ra rất thích được bố cho đi tắm sông nên chị cũng xuôi theo. Thế nhưng, mới được ba buổi về con chị đã kêu đau tai, sốt dù lần nào con tắm về chị cũng tắm rửa sạch sẽ cho con.

Lo con còi cọc vì phải uống thuốc, chị M. đã tự điều trị cho con bằng cách nghe từ những người hàng xóm. Thế nhưng, thay vì được chữa khỏi thì tình trạng của bé M. ngày một nặng hơn. Dịch mủ chảy ra khá nhiều từ tai. Đến lúc này, hai vợ chồng chị mới đi gặp bác sĩ.

Sau khi khám cho bé, PGS-TS.Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, nguyên Trưởng Khoa Tai mũi họng Trẻ em, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết nhiều trẻ bị viêm tai giữa mùa hè do đi tắm ao, tắm sông cũng như dễ gặp biến chứng nếu không được điều trị dứt điểm.

PGS-TS.Hoài An cho biết ở lứa tuổi trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ viêm tai giữa lên tới 16-20%. Nguyên nhân là do ở tuổi này, hệ thống miễn dịch của trẻ còn yếu. Tình trạng viêm VA thường xuyên cũng gây ra biến chứng viêm tai giữa.

Nếu không được điều trị sớm và dứt điểm, viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ.

Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, nói không rõ âm, từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh... làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.

Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt do dây thần kinh số VII.

PGS-TS.Hoài An cho biết thêm, viêm tai giữa cấp là bệnh tái diễn nhiều lần nếu không được điều trị đúng phác đồ, quy trình. Chính vì vậy, việc điều trị dứt điểm là rất quan trọng.

Phụ huynh không được tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh nếu chưa có đơn của bác sĩ hay chữa bằng những cách truyền miệng. Khi trẻ bị viêm tai giữa cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị.

Một lưu ý nữa là không cho trẻ đi tắm ao, tắm sông suối vì hiện nay nhiều nơi bị ô nhiễm, khi tắm nước rất dễ vào tai và ứ đọng có thể khiến trẻ bị viêm tai giữa cũng như nhiều bệnh lý khác. Trẻ nhỏ có sức đề kháng còn kém nên càng dễ bị bệnh, vào mùa hè phụ huynh cần rất chú ý tới tình trạng sức khỏe của con.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-nguy-co-khi-tu-chua-benh-cho-tre-d214040.html