Nhiều lao động ở Nhật chọn bữa trưa siêu rẻ khi giá thực phẩm tiếp tục đắt đỏ

Trong bối cảnh Nhật Bản tiếp tục vật lộn với khủng hoảng sinh hoạt phí, với hơn 30.000 mặt hàng thực phẩm đã tăng giá năm 2023, nhiều lao động phải thắt chặt hầu bao bằng cách chọn bữa trưa siêu rẻ.

Ngay cả trong một thành phố có hàng chục nghìn nhà hàng, trong đó có một số lượng lớn được gắn sao Michelin, nhiều nhân viên văn phòng tại Tokyo (Nhật Bản) thực sự đang chi ít nhất 500 yên (~80.000 đồng) mỗi ngày cho bữa trưa, theo Guardian.

Nhật Bản hiện buộc phải thích nghi với tình trạng giá cả tăng cao do cuộc chiến ở Ukraine, các vấn đề về chuỗi cung ứng và ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19. Mặc dù đã tránh khỏi tình trạng lạm phát tăng vọt tồi tệ nhất từng gây khó khăn cho các nền kinh tế hàng đầu khác, các hộ gia đình vẫn buộc phải thắt lưng buộc bụng.

Nhiều nhân viên chọn cơm hộp vì giá thành phải chăng. Ảnh: Nikkei Asia.

Trong một cuộc khảo sát năm 2023 của dịch vụ cho vay xã hội Lendex có trụ sở tại Tokyo, gần một nửa số người làm công ăn lương ở độ tuổi từ 20 đến 50 cho biết họ chi ít hơn 500 yên/bữa trưa.

Họ bao gồm những người tự mang cơm hộp từ nhà đến, nhưng cũng có khoảng 22,6% người quyết định dùng “bữa trưa một xu” để giúp họ có đủ năng lượng hoàn thành công việc buổi chiều.

Một cuộc khảo sát khác của đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán Edenred tại Nhật Bản cũng cho thấy khoảng 40% nam và nữ nhân viên văn phòng đã hạn chế chi phí ăn trưa, trong khi gần 70% cho biết họ đã từ chối món ăn yêu thích của mình để tiết kiệm tiền.

Trong suốt 1 tuần, tờ Guardian đã lùng sục khắp các đường phố của một phần thủ đô, đặt ra thử thách cho người dân là phải ăn ở những nhà hàng khác nhau mỗi ngày, đồng thời tránh các cửa hàng đồ ăn nhanh và cửa hàng tiện lợi ở siêu thị – những địa điểm ăn trưa phổ biến của người dân.

Cuối cùng, những người này đã chọn những bữa ăn thiếu trái cây và rau quả – gyudon, suất ăn trưa gyoza, ramen, mì soba và cuối cùng là cà ri Nhật Bản.

Tất cả đều đáp ứng tiêu chí dưới 500 yên, ngay cả sau khi thêm 10% thuế tiêu dùng. Phần đông trong số họ đều cảm thấy hài lòng cho đến giờ ăn tối.

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố, tiền lương thực tế của người dân “xứ mặt trời mọc” trong tháng 11/2023 đã giảm 3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 20 tháng liên tiếp do tốc độ tăng lương không theo kịp tốc độ tăng giá.

Mức lương danh nghĩa trung bình hàng tháng của người lao động toàn thời gian tăng 0,3% lên 377.001 yen và lương của người lao động bán thời gian tăng 2,5% lên 104.253 yen. (Ảnh: workmill.jp)

Nhiều người mong đợi sau các cuộc đàm phán tiền lương giữa các công đoàn doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Nhật Bản hàng năm được gọi là "shunto", diễn ra trên toàn quốc, quỹ tiền lương sẽ tăng. Trong khi đó, Thủ tướng Fumio Kishida đang thúc giục các công ty nâng lương lên mức vượt xa lạm phát.

Tuy nhiên, một quan chức của Bộ Lao động Nhật Bản nêu quan ngại liệu những đợt tăng như vậy có thể theo kịp tốc độ tăng giá hay không rất khó dự đoán vào thời điểm này.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tiền lương danh nghĩa, tổng thu nhập tiền mặt trung bình hàng tháng của mỗi người lao động, bao gồm cả lương cơ bản và làm thêm, tăng 0,2% lên 288.741 yen (2.000 USD) trong tháng 11/2023, tăng tháng thứ 23 liên tiếp.

Số liệu cũng cho thấy mức lương cơ bản trung bình và các mức lương theo lịch trình khác tăng 1,2% lên 272.379 yen, trong khi tiền làm thêm giờ và các mức lương không theo lịch trình khác tăng 0,9% lên 19.788 yen.

So sánh lương theo từng ngành, công nhân ngành điện và khí đốt có mức tăng thu nhập hàng tháng lớn nhất 5,8%, tiếp theo là những người làm trong ngành tài chính và bảo hiểm tăng 4,9%. Ngược lại, công nhân ngành xây dựng có mức giảm lương lớn nhất 2,7%.

Mức lương danh nghĩa trung bình hàng tháng của người lao động toàn thời gian tăng 0,3% lên 377.001 yen và lương của người lao động bán thời gian tăng 2,5% lên 104.253 yen.

Theo số liệu, tổng số giờ làm việc của mỗi nhân viên không thay đổi so với một năm trước đó là 138,8 giờ.

Khánh Vy (Theo The Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-lao-dong-o-nhat-chon-bua-trua-sieu-re-khi-gia-thuc-pham-tiep-tuc-dat-do-post281268.html