Nhiều hoa quả ngoại nhập chưa được cấp phép vẫn lọt vào thị trường Việt Nam

Những loại hoa quả ngoại nhập không rõ nguồn gốc có mặt tại các chuỗi cửa hàng rồi lên bàn ăn mỗi gia đình, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ nhập nhèm về nguồn gốc, giá cả bị thổi phồng, trong quá trình điều tra, phóng viên phát hiện sự thật rằng nhiều loại hoa quả ngoại nhập này chưa hề được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng đang được bày bán tràn lan trên thị trường.

Thích tem mác nước nào cũng có

Trong bài viết "Đội lốt hoa quả ngoại lừa người tiêu dùng", Báo Lao Động đã phản ánh việc nhiều loại hoa quả được "gắn mác" nhập ngoại đang bày bán khắp các chuỗi cửa hàng lớn nhỏ. Với chiêu trò tinh vi, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, các tiểu thương, hệ thống cửa hàng hoa quả nhập khẩu đã “hô biến” hàng kém chất lượng thành hàng nhập khẩu Nhật, Hàn, Mỹ... để bán cho người tiêu dùng với mức giá "trên trời".

Các loại trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc gắn mác "hoa quả ngoại" để bán cho người tiêu dùng.

Các loại trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc gắn mác "hoa quả ngoại" để bán cho người tiêu dùng.

Để tìm hiểu nguồn gốc thật sự của các loại quả như nho sữa, dưa sữa, táo, lê, lựu... mà người dân đang phải mua với giá vài trăm nghìn, thậm chí lên đến hàng triệu đồng khi được gắn mác nhập ngoại, phóng viên đã có mặt tại chợ Long Biên - chợ đầu mối hoa quả lớn nhất miền Bắc. Cứ từ 2h sáng, cảnh buôn bán tại đây lại diễn ra tấp nập, hàng dài xe tải chở theo hoa quả nối đuôi nhau ra-vào chợ.

Trong vai tiểu thương có nhu cầu lấy hoa quả nhập khẩu về bán, chúng tôi đem theo quả dưa sữa được quảng cáo là nhập khẩu từ Nhật Bản (mua tại cửa hàng hoa quả nhập khẩu Fuji Fruit, số 26 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội) ra "làm hàng" với các lái buôn trong chợ. Và các "ngón nghề" để biến hàng Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thành hàng nhập khẩu đã được các thương lái tự phơi bày.

Một tiểu thương tên L tại chợ Long Biên cho biết, loại dưa này được trồng rất nhiều ở Việt Nam. Còn tem mác thì thích làm của nước nào cũng có. Tất nhiên dưa có kèm theo tem mác "hàng nhập ngoại" thì giá cao hơn. Cụ thể loại dưa sữa, dưa lê, dê lưới khi gắn tem có các dòng chữ Nhật Bản sẽ có giá từ 60.000-70.000 đồng/kg. Còn nếu để đúng nguồn gốc dưa Việt Nam thì chỉ có giá 30.000-40.000 đồng/kg (giá bán sỉ- PV).

"Ngoài dưa giống Nhật thì dưa lê giống Hàn Quốc cũng được trồng nhiều ở Việt Nam, nhưng có thể "phù phép" thành hàng nhập khẩu nhờ thêm các loại tem mác. Chả ai đi lấy ở bên kia làm gì, vừa đắt, vừa xấu. Người tiêu dùng cũng không phân biệt được đâu. Còn lựu ngoài kia cứ nói nói lựu nước này nước kia, nhưng thật ra là lựu của Trung Quốc hết"- tiểu thương tại chợ Long Biên nói.

Các loại dưa lưới, dưa lê, dưa sữa... được các tiểu thương tại chợ Long Biên dán tem có dòng chữ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Nhưng chính họ khẳng định những loại này đều được trồng ở Việt Nam, sau đó được gắn mác hoa quả nhập khẩu để tăng giá bán.

Các loại dưa lưới, dưa lê, dưa sữa... được các tiểu thương tại chợ Long Biên dán tem có dòng chữ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Nhưng chính họ khẳng định những loại này đều được trồng ở Việt Nam, sau đó được gắn mác hoa quả nhập khẩu để tăng giá bán.

Chúng tôi tiếp tục trong vai tiểu thương để tới tổng kho hoa quả nhập khẩu Hoàng Nam Fruits, địa chỉ ngõ 300 Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tại đây, một người phụ nữ tên O niềm nở giới thiệu các mặt hàng nhập khẩu. Người này cũng thừa nhận luôn, thùng nho sữa dù vỏ ngoài hộp có dòng chữ Nhật Bản, nhưng thực chất bên trong là nho sữa Trung Quốc. Loại nho này có giá 450.000 đồng/3 chùm (3 kg), được làm giả tem mác để hô biến thành “nho nhập khẩu từ Nhật”.

Chị O cũng tiết lộ, kho của chị hiện bán cho rất nhiều shop hoa quả nhập khẩu trong nội thành cũng như các tỉnh ngoài Hà Nội. Một số shop khi làm giỏ hoa quả đã trà trộn hàng không chuẩn. “Một lẵng hoa quả chỉ có giá từ 700.000 – 800.000 đồng nhưng riêng nho sữa chuẩn Hàn Quốc lên tới cả triệu/kg thì làm sao có lãi" – chị O giải thích thêm.

Nho sữa, dù phía vỏ hộp được quảng cáo là hàng Nhật Bản nhưng chính các tổng kho phân phối hoa quả khẳng định đây là nho Trung Quốc nhưng được "hô biến" thành nho Nhật để lừa người tiêu dùng.

Nho sữa, dù phía vỏ hộp được quảng cáo là hàng Nhật Bản nhưng chính các tổng kho phân phối hoa quả khẳng định đây là nho Trung Quốc nhưng được "hô biến" thành nho Nhật để lừa người tiêu dùng.

Nhiều hoa quả ngoại chưa được cấp phép nhưng vẫn bày bán công khai

Sau nhiều ngày khảo sát, ghi nhận, chúng tôi phát hiện không chỉ ở các chợ đầu mối hoa quả, chợ dân sinh bày bán các loại hoa quả nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ, mà cả những thương hiệu, hệ thống cửa hàng lớn cũng thực hiện việc này. Tại Fuji Fruit, số 26 Nguyên Hồng, nho sữa được gắn tem mác hàng xuất xứ Nhật Bản, nhưng khi được yêu cầu xem các giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì nhân viên nói không có và lấp liếm rằng: "Thực ra nho này là giống Nhật nhưng được trồng ở Hàn Quốc".

Tương tự, với các loại trái cây như chà là, lựu, dưa sữa, dưa lưới, dưa lê..., cũng được các cửa hàng hoa quả nhập khẩu như Fresh Fruits, Thủy Anh bày bán nhưng mỗi nơi nói nguồn gốc khác nhau.

"Lạc trong ma trận hoa quả nhập khẩu", chúng tôi tiếp tục tìm đến Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để chất vấn về việc trên thị trường xuất hiện nhiều loại hoa quả được quảng cáo là hàng nhập khẩu nhưng không rõ nguồn gốc, không biết đã được cơ quan chức năng cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam hay chưa?

Cục Bảo vệ thực vật đã cung cấp danh mục các loại hoa quả được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Khi so sánh danh mục này, chúng tôi phát hiện nhiều loại trái cây chưa hề được cấp phép nhập khẩu, nhưng bằng cách nào đó vẫn được được bày bán công khai tại nhiều hệ thống, cửa hàng hoa quả nhập khẩu có tiếng ở Hà Nội.

Danh mục các loại quả tươi được nhập khẩu vào Việt Nam. Nguồn do Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cung cấp.

Danh mục các loại quả tươi được nhập khẩu vào Việt Nam. Nguồn do Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cung cấp.

Chà là tươi chưa có trong danh mục được phép nhập khẩu, nhưng đang được bày bán tại hệ thống của Fresh Fruits, Thủy Anh và nhiều nơi khác.

Chà là tươi chưa có trong danh mục được phép nhập khẩu, nhưng đang được bày bán tại hệ thống của Fresh Fruits, Thủy Anh và nhiều nơi khác.

Trao đổi với PV, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, quả tươi là hàng hóa có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, nên phải được kiểm dịch thực vật theo quy định, dù được nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức hàng hóa thương mại hay hàng hóa phi mậu dịch.

Theo quy định tại Điều 27, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 và Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT thì quả tươi phải được phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Căn cứ kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, cũng như biện pháp kiểm dịch thực vật cần phải thực hiện để ngăn chặn đối tượng kiểm dịch thực vật đi theo quả tươi nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam sẽ xem xét cho phép nhập khẩu với các biện pháp kiểm dịch thực vật chặt chẽ mà hai bên đã thống nhất.

Ông Lê Sơn Hà xác nhận, “quả dâu tây, quả dưa sản xuất tại Nhật; quả lựu sản xuất tại Peru, Ai Cập, Úc; quả mận sản xuất tại Mỹ... đều chưa được cho phép nhập khẩu vào Việt Nam”.

Dù chưa được phép nhập khẩu, nhưng có một thực tế là nhiều loại trái cây vẫn được bày bán trên thị trường Việt Nam, thậm chí lọt vào những chuỗi cửa hàng vốn tưởng như rất uy tín. Đây là câu hỏi mà cơ quan chức năng cần vào cuộc để trả lời dư luận, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo Báo Lao động

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-hoa-qua-ngoai-nhap-chua-duoc-cap-phep-van-lot-vao-thi-truong-viet-nam-218726.html