Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp

Sáng 5-4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang đã diễn ra Hội nghị sơ kết việc thực Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh năm 2023.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Chí Trung chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo 4 cơ quan gồm: Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung đánh giá về kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa 4 đơn vị trong năm 2023.

Tiếp đó, các đại biểu là lãnh đạo 4 cơ quan cùng Thường trực HĐND cấp huyện có nhiều ý kiến, tham luận đóng góp đối với những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp. Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận công tác tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa UBND với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện; công tác phối hợp với HĐND, UBND trong tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền các cấp xem xét giải quyết; đồng thời, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong thời gian tới…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh đánh giá cao các cơ quan đã có nhiều cố gắng thực hiện công tác phối hợp trên cơ sở đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và quy chế đề ra. Công tác phối hợp trong năm 2023 giữa 4 cơ quan có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu theo nghị quyết, kế hoạch năm và cho cả nghiệm kỳ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, công tác phối hợp trong năm qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đồng chí cũng đã phân tích chỉ ra từng hạn chế cụ thể, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan để các đơn vị rút kinh nghiệm. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp khắc phục để các cơ quan cùng suy nghĩ phối hợp khắc phục trong thời gian tới.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh đã thông tin đến các đại biểu về điểm mới trong hoạt động của Quốc hội, đó là lần đầu tiên từ khóa XV, sau mỗi kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đểu tổ chức hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vừa ban hành, qua đó tạo được sự đồng tình, đánh giá rất cao của các đại biểu Quốc hội, của dư luận xã hội và của các cơ quan hữu quan...

Qua hai lần thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác triển khai luật, nghị quyết có sự chuyển biến tích cực. Các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường hơn công tác theo dõi, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng bộ với luật, nghị quyết. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đã quyết liệt, chủ động, kịp thời ban hành kế hoạch triển khai gắn với phân công nhiệm vụ rõ ràng, tiến độ từng việc cụ thể, bảo đảm sớm đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống.

Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu kết luận tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh: Hiệu quả của việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai luật, nghị quyết sau mỗi kỳ họp là rất rõ. Việc làm đó đã tác động tích cực nhiều chiều: Một là, phát huy được tinh thần trách nhiệm, sự chủ động của cơ quan ban hành chính sách cũng như của hệ thống cơ quan thực thi. Hai là, tạo sự đồng bộ, khẩn trương, kịp thời để các chính sách mới được ban hành nhanh chóng phát huy tác dụng. Ba là, tháo gỡ kịp thời các tồn tại, bất cập, vướng mắc để từ đó có điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết đối với các luật, nghị quyết khi triển khai thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh cho rằng, Thường trực HĐND,Thường trực UBND tỉnh nên nghiên cứu, áp dụng phương pháp, cách làm này ở địa phương, có thể nghiên cứu thực hiện ngay sau kỳ họp của HĐND tỉnh sắp tới nhằm khắc phục tình trạng nghị quyết của HĐND phải chờ hướng dẫn của UBND tỉnh quá lâu, ảnh hưởng việc tổ chức thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Chí Trung gợi ý thảo luận.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Bình cho biết, việc tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp trên tinh thần quán triệt tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh, các kết luận, chỉ đạo của Tỉnh ủy và qua báo cáo sơ kết công tác phối hợp của 4 cơ quan và các ý kiến tham luận, thảo luận của các cơ quan, đã phân tích, chia sẻ và làm rõ thêm nhiều vấn đề trong thực hiện các nội dung phối hợp.

Đồng chí Võ Văn Bình đánh giá cao kết quả thực hiện công tác phối hợp trên cơ sở đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Quy chế đề ra; nhiều nội dung đã được phối hợp thực hiện chặt chẽ, kịp thời và đạt được hiệu quả tốt hơn. Đồng chí Võ Văn Bình cũng chỉ ra 5 khó khăn, hạn chế còn tồn tại cần phải được nhìn nhận toàn diện, khách quan và đánh giá đúng thực chất để xác định nguyên nhân, rút ra những kinh nghiệm.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên báo cáo tại hội nghị.

Để có sự tập trung thực hiện tốt hơn quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Bình đề nghị cần phải thống nhất quan điểm:

Một là: Việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần phải bám sát nhiệm vụ chính trị và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh và nhiệm vụ chính trị hằng năm.

Hai là: Trong công tác phối hợp cần tôn trọng các nguyên tắc theo Quy chế đề ra, đó là: Việc phối hợp công tác giữa 4 cơ quan phải đặt dưới sự lãnh đạo chung của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; mối quan hệ công tác phải đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan; thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên; các vấn đề có liên quan đến hoạt động chung của các cơ quan thì phải được bàn bạc, thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện.

Ba là: Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của hệ thống mình phụ trách. Thường xuyên rà soát việc thực hiện nghị quyết, chương trình hành động của cấp trên và cấp mình; tăng cường cập nhật, triển khai và áp dụng các sáng kiến, mô hình hoạt động sáng tạo hiệu quả của đơn vị.

Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tạ Minh Tâm phát biểu tại hội nghị.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đồng chí Võ Văn Bình nhấn mạnh: Thống nhất với các nội dung mà trong dự thảo báo cáo đã đề ra, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh, đề nghị từng cơ quan phải khẩn trương có kế hoạch thực hiện cụ thể, khắc phục hạn chế; đồng thời, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp ở thời gian tới.

Sau hội nghị này, 4 cơ quan căn cứ vào nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định và tình hình thực tế trong hoạt động, khẩn trương xây dựng kế hoạch, xây dựng giải pháp để triển khai thực hiện; trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến công tác phối hợp để đạt được kết quả cao nhất trong năm 2024.

THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202404/doan-dbqh-thuong-truc-hdnd-ubnd-ban-thuong-truc-uy-ban-mttq-tinh-tien-giang-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-phoi-hop-1007187/