Nhật Bản trước áp lực thay đổi chính sách tiền tệ

Theo Hãng tin Reuters, trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 30 và 31.10 tới, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến sẽ tăng dự báo lạm phát, và động thái này sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm duy trì chính sách tiền tệ 'siêu' nới lỏng.

Thách thức về chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát

Ngân hàng Nhật Bản đã đưa ra cam kết rõ ràng về việc đạt được mục tiêu ổn định giá 2% được đưa ra vào năm 2013. Và trong một thập kỷ, BOJ đã phải vật lộn để đạt được mục tiêu đó. Câu hỏi được đặt ra: tại sao BOJ lại do dự trong việc bình thường hóa việc nới lỏng tiền tệ giống như các ngân hàng trung ương khác, bất chấp lạm phát cao lần đầu tiên sau khoảng 30 năm? Điều này là do BOJ tin rằng tình hình lạm phát hiện nay sẽ bắt đầu giảm vào cuối năm 2023, và sau đó lạm phát được dự đoán sẽ tăng trở lại vào năm 2024. Lạm phát này sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố thuận lợi như thị trường lao động chặt chẽ và tăng giá tiền lương... Tuy nhiên, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda thừa nhận rằng dự báo năm 2024 còn khá mơ hồ.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. Nguồn: AFP

Sự thiếu tự tin của BOJ một phần đến từ sự không chắc chắn trong phát triển tiền lương. Tiền lương danh nghĩa đã tăng 2,5% trong tháng 5 năm nay so với cùng kỳ năm trước, tăng từ mức 0,8% của tháng trước. Điều này phản ánh mức lương mùa xuân cao hơn giữa các công ty lớn và liên đoàn lao động. Hiện tại, lạm phát cao tiếp tục tạo ra mức tăng lương thực tế âm, nhưng lạm phát chậm lại cuối cùng sẽ dẫn đến tăng trưởng thực tế dương. Việc tăng lương trong năm nay được thúc đẩy bởi lời kêu gọi của chính phủ và nỗ lực của các công ty về mức lương cao hơn, nhằm bù đắp cho chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Để đạt được lạm phát 2% một cách bền vững, mức tăng lương danh nghĩa phải vào khoảng 2,5 - 3% mỗi năm để tạo ra mức tăng lương thực tế khiêm tốn. Vẫn chưa rõ liệu mức tăng trưởng danh nghĩa như vậy có được thực hiện và bền vững từ năm tới hay không.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính bền vững của lạm phát 2%, lĩnh vực dịch vụ cũng cần được chú trọng. Ở các nước phát triển, trong đó có Nhật Bản, lạm phát hàng hóa trong thời kỳ bình thường có xu hướng giảm dần theo thời gian nhờ cải thiện chất lượng, được tính vào sự điều chỉnh giảm trong thống kê giá cả. Từ năm 2021 đến năm 2022, các yếu tố như áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu và sự thiếu hụt chất bán dẫn đã góp phần gây ra lạm phát hàng hóa, nhưng những tác động đó hiện đã hạn chế và có thể không ổn định. Vì vậy, lạm phát dịch vụ kéo dài là điều kiện tiên quyết để đạt được lạm phát 2% bền vững dựa trên kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, lương thực cũng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, chiếm gần 70% tổng lạm phát. Lạm phát hàng hóa ở mức khoảng 5%, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giá lương thực. Ngược lại, lạm phát dịch vụ giảm nhẹ xuống 1,6%.

Kỳ vọng của BOJ về việc tăng giá lương tích cực có nhiều khả năng xảy ra trong lĩnh vực dịch vụ hơn là sản xuất do tăng trưởng năng suất thấp. So với ngành sản xuất, ngành dịch vụ cần được “bù đắp” thông qua giá cả để duy trì tỷ suất lợi nhuận. Mặc dù vậy, việc tăng giá bán dịch vụ vẫn là một thách thức do mức tiêu dùng hộ gia đình yếu vẫn tồn tại trong hai thập kỷ qua. Tiêu dùng yếu có thể một phần là do dân số già (1/3 dân số Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên). Trong một xã hội già hóa như Nhật Bản, nơi mà những hạn chế về cung và cầu đều đang bị thắt chặt, tác động của tình trạng thiếu lao động lên giá bán và do đó gây ra lạm phát không đơn giản như ở các nền kinh tế mới nổi với dân số trẻ ngày càng tăng. Vì vậy, còn quá sớm để đánh giá tính khả thi của việc đạt được lạm phát 2% bền vững từ năm 2024 trở đi.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan

Theo nguồn tin, trong dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát đưa ra trong cuộc họp kết thúc vào cuối tháng này, BOJ dự kiến nâng mức lạm phát của kỳ 1 năm kết thúc vào tháng 3.2024 lên mức 3% từ mức dự báo hiện tại là 2,5% đưa ra trong lần cập nhật vào tháng 7. Ngoài ra, dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2024 sẽ được BOJ nâng từ mức 1,9% hiện nay lên mức 2% hoặc cao hơn. Việc nâng dự báo lạm phát có thể khiến BOJ hứng chịu nhiều sự chỉ trích, vì cho tới hiện tại, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Nhật Bản giữ quan điểm họ phải giữ chính sách tiền tệ nới lỏng vì chưa đưa đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.

Hơn nữa, động thái trên sẽ làm gia tăng sức ép đòi BOJ phải nâng nới mức trần 1% cho lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm - giới hạn mới được thiết lập cách đây ba tháng. Nhưng, việc nới phạm vi của chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) như vậy là điều mà một số quan chức BOJ đã để ngỏ khả năng trong thời gian gần đây.

Theo Hãng tin Reuters, nhà kinh tế trưởng Naomi Muguruma của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley nhận định rằng, BOJ có khả năng sẽ nâng dự báo lạm phát, nhưng vẫn muốn giữ nguyên chính sách tiền tệ như hiện nay. Thay vào đó, ngân hàng sẽ nâng trần lợi suất trái phiếu để khuôn khổ chính sách tiền tệ được linh hoạt hơn. Tuy nhiên, động thái này có thể đặt trách nhiệm của BOJ vào thế rủi ro vì lãi suất dài hạn thực tế có thể vượt xa mục tiêu 0%.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đang tìm cách đảo ngược chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Tuy nhiên, đây không phải là một việc dễ dàng, vì thay đổi chính sách có thể dẫn tới nhiều biến động mạnh, thậm chí những đứt gãy trên thị trường tài chính toàn cầu. Ngay cả khi các nhà đầu tư mới bắt đầu kỳ vọng về một sự thắt chặt chính sách chứ chưa cần sự thắt chặt đó thực sự diễn ra. Ông Kazuo Ueda đang nỗ lực tìm cách trấn an thị trường tài chính bằng việc BOJ sẽ không nhanh chóng thay đổi chính sách, nhưng thực tế lại cho thấy, lạm phát ở Nhật ngày càng tăng và lợi suất trái phiếu chính phủ cũng tăng khiến cho BOJ chật vật duy trì chính sách YCC.

Liệu tiền lương có thể tăng trong năm tới?

Các chuyên gia kinh tế lo ngại việc cắt giảm chính sách kích cầu quá sớm, đặc biệt trong trường hợp lạm phát tăng chủ yếu do những yếu tố nhất thời như giá xăng dầu tăng. Thay vào đó, họ muốn đợi cho tới khi nền kinh tế Nhật Bản có thể vượt qua được những trở ngại từ sự giảm tốc của nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu, qua đó cho phép các doanh nghiệp có thể duy trì việc tăng lương trong năm tới và tiếp sau đó. Hiện tại, nền kinh tế Nhật Bản đang có những tín hiệu trái chiều.

Tổ chức công đoàn lớn nhất của nước này - Rengo, đang có kế hoạch đòi tăng lương hơn 5%. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, cùng với cuộc khủng hoảng địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông sẽ khiến cho doanh nghiệp trì hoãn việc tăng lương.

Thêm vào đó, các yếu tố thị trường có thể sẽ không để cho BOJ duy trì chính sách siêu nới lỏng lâu thêm nữa. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hiện đang ở gần ngưỡng 0,87% - cao nhất trong nhiều năm, tiến sát mức trần 1% mà BOJ đưa ra. Chính sách tiền tệ hiện tại của Nhật Bản đang giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%, và đặt mục tiêu cho lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, tức lãi suất dài hạn, ở mức 0% với phạm vi dao động cho phép là +/-1 điểm phần trăm.

Biên độ này đã tăng gấp đôi từ mức +/-0,5 điểm phần trăm trong đợt điều chỉnh hồi tháng 7. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters hồi tháng 9, hầu hết các nhà phân tích được hỏi đều dự báo BOJ sẽ từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trước cuối năm 2024. Phần lớn cũng dự báo BOJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào năm tới.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nhat-ban-truoc-ap-luc-thay-doi-chinh-sach-tien-te-i347901/