Nhật Bản rơi vào suy thoái sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm

Cuối năm 2023, Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái kinh tế sau khi ghi nhận 2 quý liên tiếp bao gồm quý 3 và quý 4 tăng trưởng âm, đồng thời làm mất danh hiệu nền kinh tế thứ 3 thế giới vào tay Đức.

Một cảng công nghiệp tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Một cảng công nghiệp tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Theo Reuters trích dẫn dữ liệu do chính phủ Nhật Bản công bố ngày 15/2, tăng trưởng GDP của quốc gia này giảm 0,4% trong quý 4/2023 sau khi ghi nhận mức sụt giảm 3,3% trong quý 3 trước đó. Với 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm, nền kinh tế Nhật Bản được coi như rơi vào suy thoái.

Về các lĩnh vực cụ thể, tiêu dùng cá nhân vốn chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế, giảm 0,2% trong quý 4/2023. Kết quả này yếu hơn so với dự báo thị trường là tăng 0,1%, do chi phí sinh hoạt tăng và thời tiết ấm áp khiến các hộ gia đình không đi ăn ngoài và mua quần áo mùa đông.

Chi tiêu vốn, một động lực tăng trưởng quan trọng khác của khu vực tư nhân, giảm 0,1% so với dự báo tăng 0,3%, do hạn chế về nguồn cung làm trì hoãn các dự án xây dựng. Trong khi đó, dữ liệu cho thấy xuất khẩu tăng 2,6% so với quý 3/2023.

Nhận định về tình hình, một số nhà phân tích cho biết con đường phục hồi của Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Reuters dẫn lời ông Yoshiki Shinke, nhà kinh tế điều hành cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: “Điều đặc biệt đáng chú ý là sự chậm chạp trong tiêu dùng và chi tiêu vốn vốn là trụ cột chính của nhu cầu trong nước”. Theo ông, nền kinh tế sẽ tiếp tục thiếu động lực trong thời điểm hiện tại và không có động lực tăng trưởng chính.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yoshitaka Shindo thì nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được mức tăng trưởng tiền lương vững chắc để củng cố tiêu dùng, điều mà ông mô tả là "thiếu động lực" do giá cả tăng cao.

Khi trả lời về tác động của các dữ liệu kinh tế mới nhất lên chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), ông Yoshitaka Shindo cho biết: “BOJ xem xét toàn diện các dữ liệu khác nhau, bao gồm tiêu dùng và rủi ro đối với nền kinh tế trong việc hướng dẫn chính sách tiền tệ”.

Các quan chức BOJ hiện vẫn chưa đưa ra manh mối về thời điểm chính xác có thể chấm dứt mức lãi suất âm, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng động thái này có thể sẽ xảy ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới. Một cuộc thăm dò của Reuters được thực hiện vào tháng 1 trước đó cho thấy tháng 4 là lựa chọn hàng đầu của các nhà kinh tế được khảo sát như thời điểm để bãi bỏ chính sách lãi suất âm.

Một số nhà phân tích cho rằng thị trường lao động thắt chặt của Nhật Bản và kế hoạch chi tiêu doanh nghiệp mạnh mẽ đang tạo cơ hội cho nước này sớm thoát khỏi chính sách tiền tệ lỏng lẻo.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhat-ban-roi-vao-suy-thoai-sau-2-quy-lien-tiep-tang-truong-am-post31724.html