Nhật Bản nới lỏng quy định xuất khẩu quốc phòng

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã phê duyệt các hướng dẫn cập nhật '3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng' theo hướng nới lỏng những quy định nghiêm ngặt.

Kyodo News ngày 26-3 đưa tin, việc nới lỏng này giúp xóa bỏ một rào cản đối với dự án hợp tác chung phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo giữa Nhật Bản, Italy và Anh. Tờ Financial Times cho biết, việc nới lỏng chỉ áp dụng đối với các máy bay chiến đấu trong khuôn khổ dự án hợp tác 3 bên. Các quy định sửa đổi cho phép Nhật Bản có thể xuất khẩu các máy bay chiến đấu-vốn được Chính phủ 3 nước đặt mục tiêu triển khai vào năm 2035-sang một quốc gia thứ ba.

Các quy định mới được đưa ra trong bối cảnh lâu nay, theo Hiến pháp hòa bình, Nhật Bản cấm xuất khẩu sang quốc gia thứ ba những vũ khí được phát triển thông qua những chương trình hợp tác quốc tế. Các quy định mới nêu rõ, "điểm đến" cho các máy bay chiến đấu sẽ chỉ giới hạn ở các quốc gia có ký thỏa thuận với Tokyo về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru phát biểu với báo giới ngày 26-3. Ảnh: Kyodo News

Số lượng các quốc gia như vậy hiện là 15, trong đó có Mỹ. Các máy bay này sẽ không được chuyển giao cho quốc gia đang xảy ra chiến sự. "Mỗi trường hợp riêng lẻ trong tương lai sẽ cần có sự phê duyệt của Chính phủ trước khi việc mua bán được thực hiện", Chính phủ Nhật Bản khẳng định.

Theo Kyodo News, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh cần có "một kế hoạch xuất khẩu" để bảo đảm Tokyo có thể phát triển "máy bay chiến đấu có khả năng đáp ứng nhu cầu an ninh của đất nước” và có thể tham gia dự án 3 bên với Anh và Italy với tư cách là "một đối tác bình đẳng".

Chính phủ Nhật Bản phê duyệt các hướng dẫn cập nhật “3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng” sau khi Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và Đảng Komeito-đối tác liên minh-đạt đồng thuận vào ngày 15-3 vừa qua. Đảng Komeito ban đầu không sẵn lòng nới lỏng những quy định và đã yêu cầu đặt ra một số hạn chế đối với các lô hàng xuất khẩu máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên, đảng này sau đó hoan nghênh cam kết của Thủ tướng Kishida tại phiên họp của Quốc hội Nhật Bản hôm 13-3 rằng các máy bay chiến đấu sẽ được chuyển giao trong những điều kiện nghiêm ngặt và sẽ "không bao giờ" được chuyển đến một quốc gia đang xảy ra chiến sự. Kyodo News dẫn lời Thủ tướng Kishida khẳng định việc cho phép Nhật Bản chuyển giao máy bay chiến đấu cho quốc gia thứ ba là cần thiết nhằm "bảo đảm chi tiêu hiệu quả đối với chương trình phát triển máy bay chiến đấu", đồng thời duy trì uy tín của Tokyo "như là một đối tác trong các dự án quốc phòng quốc tế khác trong tương lai".

Phát biểu với báo giới sau khi Chính phủ phê duyệt những hướng dẫn cập nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Kihara Minoru tuyên bố Nhật Bản sẽ vẫn cam kết tuân thủ “triết lý cơ bản của một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình” bằng cách thực hiện “quy trình ra quyết định nghiêm ngặt” đối với chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng.

Hồi tháng 4-2014, Nhật Bản đề ra “3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng” cho phù hợp với "bối cảnh an ninh mới". Nguyên tắc 1 đề cập tới những trường hợp bị cấm chuyển giao, đó là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vi phạm các thỏa thuận quốc tế mà Nhật Bản tham gia cũng như các quốc gia đang xảy ra xung đột. Nguyên tắc 2 đề cập tới những trường hợp có thể được phép chuyển giao, đó là phục vụ mục đích thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế, đóng góp cho an ninh của Nhật Bản.

Nguyên tắc 3 đề cập tới việc kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt đối với những trường hợp có thể được phép chuyển giao. Kyodo News cho biết, vào tháng 12-2023, lần đầu tiên kể từ năm 2014, “3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng” đã được nới lỏng khi Chính phủ Nhật Bản cho phép xuất khẩu các loại vũ khí sản xuất trong nước đến những quốc gia mà chúng được cấp phép sử dụng.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nhat-ban-noi-long-quy-dinh-xuat-khau-quoc-phong-5003828.html