Nhập viện muộn, nhiều bệnh nhân biến chứng nặng

Thời tiết chuyển lạnh kéo theo nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người cao tuổi. Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng do được đưa đến viện muộn.

Ông Nguyễn Văn Thành 82 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có tiền sử mắc phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi thời tiết trở lạnh, sức khỏe của ông suy giảm, nhập viện trong tình trạng co thắt phế quản, tăng dịch nhầy trong đường hô hấp gây khó thở.

Không may mắn như bệnh nhân Nguyễn Văn Thành, bệnh nhân Nguyễn Quang Tuấn 75 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng đã xuất hiện tình trạng khó thở và dẫn đến nôn. Không may, ông bị sặc vào phổi dẫn đến viêm phổi phải nhập viện. Tại thời điểm nhập viện, SpO2 của bệnh nhân chỉ còn 70-80%. Các bác sĩ phải thực hiện đặt ống thở máy. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu của bệnh nhân tăng rất cao. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân nhập viện quá muộn. Chỉ cần đến viện sớm hơn một vài ngày, việc can thiệp sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Theo BSCKII Tạ Hữu Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, khi thời tiết trở lạnh, các bệnh nhân nặng vào Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng đột biến. Số lượng bệnh nhân khoa tiếp nhận trong đợt rét tăng 1,5 lần so với thông thường.

Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng do được đưa đến viện muộn.

Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng do được đưa đến viện muộn.

Trời lạnh khiến huyết áp của người cao tuổi tăng cao. Nếu không được theo dõi thường xuyên sẽ dễ bỏ qua dẫn đến tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Ngoài ra, thời tiết chuyển rét cũng là yếu tố làm bùng phát các vấn đề về hô hấp, đặc biệt với các bệnh nhân có bệnh nền, điển hình là phổi tắc nghẽn mãn tính. Bác sĩ Tạ Hữu Ánh khuyến cáo, việc người cao tuổi hút thuốc lá và uống rượu cũng khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.

Hút thuốc là một trong những yếu tố rất nguy hại, là yếu tố chính gây phổi tắc nghẽn mãn tính. Những trường hợp đó chức năng hô hấp giảm đi rất nhanh, làm bệnh nhân xuất hiện các cơn khó thở. Còn với bệnh nhân uống rượu nhiều, có khi chưa đến già, chỉ tầm 50-60 tuổi bệnh nhân đã có các biến chứng gout, bệnh nhân bắt đầu đau. Và với bệnh nhân nghiện rượu khi điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh rất khó khăn, bởi có thể miễn dịch đã bị suy giảm.

Trong thời tiết cực đoan như hiện nay, theo các bác sĩ, gia đình phải theo dõi sát và thường xuyên chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Chú ý giữ huyết áp ổn định để tránh nguy cơ tai biến. Ngoài ra, cần chú ý việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu, mặt, cổ và chân. Đặc biệt, người cao tuổi nên tránh ra ngoài trời lúc sáng sớm bởi rất dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi. Đồng thời, bảo đảm ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng tốt để có sức khỏe tốt hơn. Đối với người có bệnh mãn tính, cao tuổi nên tiêm phòng cúm, phế cầu, tránh nguy cơ viêm phổi./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhap-vien-muon-nhieu-benh-nhan-bien-chung-nang-212167.htm