Nhân lực cho phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ: Bài cuối: Tầm nhìn và hành động

Để giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, các địa phương vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), cơ sở đào tạo và doanh nghiệp (DN) phải xây dựng được mối liên kết chặt chẽ trong đào tạo và sử dụng lao động.

Học viên của Trung tâm Đào tạo nghề công nghiệp TGA của Bosch Việt Nam tại Khu công nghiệp Long Thành (tỉnh Đồng Nai) học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Ảnh: Thu Cúc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho hay: “ĐNB là một trong 2 trung tâm giáo dục đại học lớn nhất cả nước với 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nếu liên kết ba bên: chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo và DN được thực hiện một cách bài bản và nghiêm túc thì sẽ ra “sản phẩm” nhân lực chất lượng cao”.

* Từ những hình mẫu…

ĐNB muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao hùng hậu thì phải có hệ thống cơ sở đào tạo tốt. Sẽ thực sự tốt hơn khi có chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, tính chủ động của cơ sở đào tạo và sự đồng hành của các DN, thay vì chỉ chờ để tuyển dụng. Khi đồng hành sẽ tạo ra hệ thống chuỗi giá trị mà các bên đều được hưởng lợi. Theo đó, địa phương sẽ được tiếp nhận nguồn nhân lực tốt sau đào tạo, cơ sở đào tạo có điều kiện và uy tín tiếp tục phát triển, còn DN thì giải quyết được bài toán thiếu lao động có tay nghề.

Một trong những minh chứng cụ thể nhất là tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Khi thành lập Hội đồng trường, ngoài thành viên Ban giám hiệu còn có đại diện của chính quyền thành phố và các doanh nhân uy tín tham gia. Có “chân” trong Hội đồng trường, chính quyền thành phố có thể hỗ trợ các cơ chế, chính sách, còn DN có thể hỗ trợ tài chính, công nghệ đào tạo và thực hành.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai NGUYỄN HỒNG LĨNH:

Phải đặc biệt quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao

Không chỉ quan tâm đào tạo lao động mà còn phải đặc biệt quan tâm đến đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố quyết định chất lượng tăng trưởng nhanh và bền vững. Từ năm 2024, Đồng Nai chỉ đạo kiểm soát chỉ số lao động qua đào tạo, trong đó bằng cấp, chứng chỉ phải được công nhận cả ở Việt Nam và quốc tế.

Tiến sĩ Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các trường đại học trên thế giới đều có sự đồng hành rất quan trọng từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía DN. Chính vì vậy, nhà trường đã liên kết hợp tác đào tạo với hàng trăm DN, trong đó có những tập đoàn lớn của Việt Nam và nước ngoài.

Hay như tại Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều cựu sinh viên của trường hiện là những doanh nhân thành đạt đã được mời tham gia Hội đồng trường. Ngoài tham gia cố vấn, đánh giá chất lượng giúp nhà trường, DN còn hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, Phòng Thí nghiệm, hỗ trợ sinh viên vay không lãi suất để phục vụ học tập. Khi sinh viên bước sang giai đoạn thực tập và tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng sẽ được các DN tiếp nhận.

Tại tỉnh Bình Dương, nhờ chính sách thu hút linh động, đến nay tỉnh đã thu hút hàng trăm tỷ đồng từ các DN, hiệp hội để đầu tư hiện đại Trường cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương, Trường cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore. Hiện Bình Dương là một trong 3 địa phương dẫn đầu về số lượng các cơ sở giáo dục đại học tại vùng ĐNB, trong đó có những trường uy tín như Trường đại học Việt - Đức, Trường đại học Quốc tế Miền Đông…

Còn tại Đồng Nai, từ nhiều năm nay, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã đi tiên phong trong hợp tác quốc tế để “nhập khẩu” công nghệ đào tạo của nhiều nước như: Anh, Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức để đào tạo các nghề trọng điểm như: cắt gọt kim loại, hàn, cơ điện tử. Cùng với việc mang về các chương trình đào tạo tiên tiến, nhiều giảng viên của trường được đưa đi đào tạo ở nước ngoài, đồng thời nhiều giảng viên của Đức đã sang giảng dạy tại trường.

Từ những bước đi bài bản và hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai, đến nay Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 không chỉ có chương trình đào tạo, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên có trình độ cao, mà còn được cấp đất để mở thêm cơ sở thực hành, ký túc xá… Trường có nhiều ngành được chứng nhận đạt trình độ quốc tế. Nhiều đối tác như: Tập đoàn Bosch, Mercerdes-Benz, Schaeffler… của Đức đã bắt tay hợp tác với nhà trường. Mới đây, trường tiếp tục hợp tác với Hãng hàng không Vietjet Air để đào tạo nhân lực hàng không.

* Đòi hỏi cấp bách

Việc “tái cấu trúc” đào tạo nhân lực chất lượng cao là một đòi hỏi rất cấp bách, không chỉ với vùng kinh tế trọng điểm ĐNB mà còn với cả nước. Yếu tố nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần rất quan trọng vào việc củng cố vị thế phát triển của từng tỉnh nói riêng và toàn vùng nói chung. Không chỉ lao động chất lượng cao cho tất cả các ngành, lĩnh vực, ĐNB còn phải đặc biệt chú trọng hợp tác quốc tế trong đào tạo đội ngũ giảng viên cho những ngành nghề mới sẽ là xu thế phát triển của đất nước như: sản xuất chất bán dẫn, chíp, vi mạch điện tử…

PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Khu công nghệ cao và Siemens Electronic Design Automation thuộc Tập đoàn Siemens vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển năng lực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Đây được xem là bước đi rất quan trọng để đón nguồn vốn đầu tư ngành sản xuất vi mạch, chất bán dẫn của các công ty công nghệ vào ĐNB.

Trong khi đó, đầu năm 2024, Trường đại học Lạc Hồng tại Đồng Nai cũng đã đạt được thỏa thuận với Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu về xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn tại trường. Đến nay, 2 đơn vị đã triển khai các nội dung, đồng thời bắt đầu công tác tuyển sinh phục vụ đào tạo nhân lực.

Theo giáo sư Ha Hun Koo, nguyên Trưởng khoa Logistics, Trường Logistics châu Á Thái Bình Dương, Đại học Inha của Hàn Quốc, vùng ĐNB đang có nhiều lợi thế khi có Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng và hạ tầng giao thông hoàn thiện. Khi sân bay mới đi vào hoạt động sẽ kích thích thu hút đầu tư, nhất là những ngành mang lại giá trị cao như: điện tử, logistics, công nghệ sinh học… Vì vậy, công tác đào tạo nhân lực phải được chuẩn bị từ sớm, không chỉ riêng với Đồng Nai.

Vào đầu tháng 3 vừa qua, dự lễ ký kết phối hợp giữa 3 địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo nhân lực chất lượng cao với sự phát triển của địa phương và toàn vùng. Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần đóng vai trò dẫn dắt quan trọng trong việc tư vấn chính sách, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các địa phương nhằm phát triển một cách nhanh và bền vững.

Trưởng văn phòng Giới sử dụng lao động Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Thành phố Hồ Chí Minh BÙI THỊ NINH:

Liên kết hiệu quả giữa DN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Trong bối cảnh thiếu hụt lao động có kỹ năng, cần có những mô hình mẫu về gắn kết giữa DN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cần xây dựng dự báo nhu cầu kỹ năng và nhu cầu nguồn lực của từng ngành. DN phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo, trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Tiến sĩ TRƯƠNG THỊ HIỀN, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh:

Cơ sở đào tạo và DN cùng tạo ra giá trị cho lao động Việt Nam

ĐNB đang cùng với cả nước thực hiện chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh và bền vững. Trong thời gian tới, chất lượng nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng khi Việt Nam đón các dòng vốn đầu tư công nghệ mới và hiện đại. Các cơ sở đào tạo và DN phải cùng tạo ra giá trị cho lao động Việt Nam. Có như vậy mới giải nhanh được bài toán về thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.

Công Nghĩa - Nguyễn Hòa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202403/nhan-luc-cho-phat-trien-ben-vung-vung-dong-nam-bo-bai-cuoi-tam-nhin-va-hanh-dong-c8d5eb3/