Nhân lên tinh thần chiến thắng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả của sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự kết tinh của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trên con đường thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tinh thần ấy vẫn còn vang vọng mãi, là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Cựu chiến binh PHẠM ĐỨC CƯ, tổ 10, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên:

Ký ức hào hùng như vẫn vẹn nguyên

Là những chiến sĩ pháo binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi không thể nào quên được những khó khăn, gian khổ khi kéo pháo từ Nà Nhạn vào trong lòng chảo, tiếp cận với quân địch. Mỗi khẩu pháo cao xạ 61K-37mm nặng 2,4 tấn nên phải bố trí 80-100 người kéo. Nhằm đảm bảo tính bí mật, chúng tôi kéo pháo vào ban đêm, không được soi đèn, chỉ có 2 chiến sĩ khoác mảnh dù trắng đi trước làm hoa tiêu và chỉ một sơ suất nhỏ là cả người và pháo đều rơi xuống vực. Mỗi đêm chúng tôi thường chỉ kéo được hơn 1km, có nhiều đồng chí đã bị thương, hy sinh trong quá trình chiến đấu. Cả đơn vị ai cũng thương nhớ các đồng chí hy sinh nên càng quyết tâm để góp phần chiến đấu hạ máy bay địch và nhanh chóng tổ chức lại đội hình với khẩu hiệu “Còn một người, một khẩu pháo, một viên đạn cũng quyết tâm chiến đấu đến cùng”. Bốn năm sau ngày giải phóng Ðiện Biên Phủ, một số đơn vị được lệnh trở lại Ðiện Biên nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông trường; sửa chữa đường sá... Sau khi chính thức làm lễ “hạ sao” để trở thành công nhân, mỗi đại đội là một đội sản xuất, được bố trí xen kẽ với các xã, bản khu vực lòng chảo Ðiện Biên. Với khẩu hiệu “lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình”, hầu hết cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đã về quê đưa vợ, con lên xây dựng nông trường. Bằng tất cả lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, các chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa tiếp tục bước vào trận chiến mới, trận chiến “xóa đói nghèo” trên nền chiến trường mà họ từng chiến đấu kiên trung. Nay chúng tôi ai còn sống hầu hết đều đã ngoài 90 tuổi, mắt mờ, chân yếu nhưng những ký ức hào hùng về Chiến dịch Điện Biên Phủ và xây dựng Điện Biên như vẫn còn vẹn nguyên và rất đỗi tự hào.

 Cựu chiến binh Phạm Đức Cư cùng cựu chiến binh Phạm Bá Miều (người đội mũ) ở thành phố Điện Biên Phủ kể lại những câu chuyện lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: KHÁNH HÀ

Cựu chiến binh Phạm Đức Cư cùng cựu chiến binh Phạm Bá Miều (người đội mũ) ở thành phố Điện Biên Phủ kể lại những câu chuyện lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: KHÁNH HÀ

------------------

Ông ĐINH BÁ MẠNH, Phó chủ tịch HĐND xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình:

Tự hào quê hương trong chiến thắng của dân tộc

Cứ vào những ngày kỷ niệm chiến thắng dịp 30-4 và 7-5, cả gia đình anh bạn vong niên của tôi lại tất bật chuẩn bị cho một chuyến hành hương. Người lo thủ tục giấy tờ, người chuẩn bị tư trang quần áo... Mẹ anh, bà Đinh Thị Thí năm nay ngoài 90 tuổi, sức khỏe đã suy giảm nhiều, vẫn ngồi đó, mắt nhìn xa xăm. Bố anh, liệt sĩ Trần Vũ Ư hy sinh ở trận đánh trên đồi A1. Khi bố hy sinh, anh mới hai tuổi, mẹ anh thì ngoài hai mươi. Bằng ấy năm chồng hy sinh chưa tìm thấy phần mộ, bà vừa gắng gượng nuôi dạy đứa con duy nhất là anh khôn lớn trưởng thành; vừa thấp thỏm mong chờ, biết đâu có ngày đưa được hình hài của người chồng thân yêu, dù chỉ còn là một nắm đất, về với quê cha đất tổ. Bà cứ chờ suốt từ khi mới ngoài hai mươi góa bụa cho đến tận hôm nay, dù đi lại khó khăn, dù mắt chẳng còn nhìn rõ mặt người đối diện.

Những ngày này của nhiều năm trước, ngoài bà con thân thuộc đến góp sức chuẩn bị cho chuyến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1 của anh, còn có các bác cựu chiến binh, cựu dân công hỏa tuyến Điện Biên. Thời gian trôi đi, các bác cứ vắng bóng dần, cho đến năm ngoái, bác dân công Đinh Thị Tách năm nào, theo quy luật cũng về với tiên tổ. Đóng gói đồ đạc cho anh xong, dặn dò vài câu mà gần như năm nào cũng lặp đi lặp lại, tôi ra về mà trong lòng cứ ngổn ngang cảm xúc.

Làng tôi xưa nghèo lắm, lại nằm giữa ba bề bốn bên là đồn bốt giặc, chỉ có con đường duy nhất luồn qua vùng tề địch, vào Thanh Hóa, Ninh Bình rồi mới lên được Tây Bắc. Những cô thôn nữ chân lấm tay bùn, những anh thanh niên quanh năm cày cuốc, chưa một lần bước ra khỏi lũy tre làng, được Đảng giác ngộ và tổ chức, đã vượt qua bao gian khổ hy sinh, cùng hội tụ về Điên Biên Phủ, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho non sông đất nước. Với dân số chưa đầy một nghìn người, ấy vậy mà làng Đào Động quê tôi đã có tới 8 chiến sĩ, 5 dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cảm nhận tới tận cùng cái giá phải đánh đổi để có chiến thắng lịch sử của dân tộc mình, lại càng khâm phục sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Trong tiềm thức mỗi người Việt Nam bình dị, lòng yêu nước không khi nào phai nhạt. Sự tài tình của Đảng ta là khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn ấy, tập hợp, tổ chức họ trở thành những chiến sĩ gan vàng, dạ sắt, viết nên biên niên sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

-------------------

Cô giáo TRẦN THANH HUYỀN, Trường THCS Hưng Đạo, phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh:

Truyền cảm hứng đến các thế hệ học trò

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 thắng lợi đã kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ và đầy anh dũng của quân và dân ta. Chiến thắng đã ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh thời đại. Chiến thắng đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương...

Là những giáo viên, công dân được hưởng nền độc lập, tự do hòa bình, tôi cùng các đồng nghiệp luôn nghiên cứu, tìm tòi để tạo sức hấp dẫn trong mỗi bài giảng đến các thế hệ học trò. Đồng thời, nhà trường đã tổ chức nhiều buổi hoạt động ngoại khóa, cô trò nhà trường cùng dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, động viên người già neo đơn, gia đình có công với cách mạng... để khơi dậy trong các em niềm tự hào, lòng biết ơn và sống có trách nhiệm để góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

--------------------

Thượng úy ĐÀO NGỌC LÂM, Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1:

Lan tỏa truyền thống hào hùng cho bộ đội

Cũng như nhiều đồng đội khác, bản thân tôi rất tự hào khi được công tác tại Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), tiền thân là Đại đoàn 312-một trong những đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu và bắt sống tướng De Castries. Những chiến công và sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và các chiến dịch khác đã tô thắm truyền thống “Đoàn kết-anh dũng-chiến thắng” của “Sư đoàn Chiến thắng” anh hùng. Đó cũng chính là động lực, niềm vinh dự, tự hào để những sĩ quan trẻ như chúng tôi tiếp tục kế thừa, phát huy, học tập, rèn luyện về phẩm chất, năng lực, đạo đức, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Là cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn, bản thân tôi trước tiên phải tích cực học tập, rèn luyện, nắm chắc truyền thống, lịch sử của Sư đoàn nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, từ đó làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, giá trị lịch sử và niềm vinh dự, tự hào khi được về học tập, công tác tại Sư đoàn 312 anh hùng. Cùng với đó, bản thân tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, để lan tỏa tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến từng cán bộ, chiến sĩ; xây dựng cho bộ đội luôn vững ý chí, chắc niềm tin, làm chủ vũ khí trang bị, có tinh thần dũng cảm, vươn lên hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhan-len-tinh-than-chien-thang-trong-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-hom-nay-727181