Nhân lên sức mạnh bảo vệ Đảng bằng lý lẽ sắc bén, thuyết phục

Cuộc thi viết 'Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới' (gọi tắt là Cuộc thi) do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) tổ chức tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực.

Cuộc thi đã góp phần kết nối, tập hợp những nhà báo, cộng tác viên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí trong cả nước tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng tình cảm tâm huyết, trách nhiệm cao cả và lý lẽ sắc bén, thuyết phục.

Sức hút, sức lan tỏa ngày càng rộng khắp

So với hai lần trước, Cuộc thi lần thứ ba tiếp tục thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà báo, cộng tác viên, chuyên gia, nhà khoa học trên khắp mọi miền đất nước. Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được gần 620 tác phẩm dự thi của hơn 50 cơ quan báo chí trong cả nước.

Năm nay, khối báo Trung ương tiếp tục có sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí như: Nhân Dân, Công an nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Công thương, Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam)... Hầu hết những tờ báo này gửi các loạt bài chuyên sâu được đầu tư tâm huyết, công phu.

Tiết mục nghệ thuật trong Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai (2022-2023); phát động Cuộc thi viết lần thứ ba (2023-2024). Ảnh: PHẠM HƯNG

Hăng hái, nhiệt tình nhất trong Cuộc thi lần này là khối báo địa phương. Không chỉ gia tăng số lượng cơ quan báo chí, tác phẩm dự thi mà nội dung đề cập cũng phong phú, đa dạng hơn. Bên cạnh các tờ báo gửi nhiều tác phẩm tốt, nhiều vệt bài chuyên sâu như: Bắc Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Cao Bằng, Quốc phòng Thủ đô, Quân khu 2, Quân khu 3... còn có nhiều tờ báo lần đầu gửi tác phẩm tham gia như: Vĩnh Phúc, Nam Định, Chuyên đề Công an TP Hồ Chí Minh...

Số lượng tác phẩm gửi về dự thi có chất lượng đồng đều hơn là khối tạp chí, nhất là các tạp chí thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (tiêu biểu như các tạp chí: Lý luận chính trị, Lý luận chính trị và truyền thông), Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Tạp chí Khoa học chính trị quân sự (Trường Sĩ quan Chính trị). Bên cạnh đó, nhiều tạp chí lần đầu gửi tác phẩm dự thi như: Tạp chí Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ), Tạp chí Nghiên cứu khoa học Công đoàn (Trường Đại học Công đoàn)...

Điều đáng khích lệ là trong số 60 tác phẩm vào vòng chung khảo, có tới 32 tác phẩm (chiếm 53%) là các loạt bài dài từ 3 đến 5 kỳ. Điều đó chứng tỏ các cơ quan báo chí, các tác giả đã chú trọng quan tâm, đầu tư công sức, trí tuệ để nâng cao chất lượng tác phẩm dự thi.

Sự tham gia đông đảo của các cơ quan báo chí, cơ quan giáo dục, đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị chứng tỏ Cuộc thi ngày càng ăn sâu bén rễ vào đời sống chính trị-xã hội của đất nước và có sức hút đối với các cây bút chính luận trong cả nước. Theo PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết, giảng viên cao cấp Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cuộc thi không chỉ tạo cơ hội đăng đàn cho các chuyên gia, nhà khoa học lý luận chính trị trong việc chung tay góp sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn động viên, khích lệ các cây bút không ngừng rèn luyện ngòi bút để sáng tạo những tác phẩm chính luận sắc bén tham dự Cuộc thi.

Bám sát thời sự, phản bác đấu tranh bằng những lý lẽ sắc bén, thuyết phục hơn

Mục tiêu của Cuộc thi là thông qua những tác phẩm chính luận để lập luận, lý giải, chứng minh, khẳng định lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị cách mạng của Đảng ta là đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử và hợp lẽ phải, hợp lòng dân. Đồng thời nhận diện, kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch, phản động nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Quang cảnh phiên họp Hội đồng Chung khảo Cuộc thi viết lần thứ ba (2023-2024) tổ chức ngày 15-4-2024 tại Hà Nội. Ảnh: PHẠM HƯNG

Nét mới trong Cuộc thi lần này là bên cạnh nhiều tác phẩm tiếp tục đi sâu phân tích, luận giải việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở những điều căn cốt như giá trị cơ bản, trường tồn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt đối với LLVT; nhiều tác giả đã tìm cách tiếp cận mới, đi sâu lý giải những vấn đề cụ thể, như: Phê phán quan điểm sai trái về chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; phòng, chống tư tưởng sùng ngoại trong hoạt động giáo dục; bác bỏ luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về “dân thụ hưởng”; đấu tranh âm mưu thao túng tâm lý của các thế lực thù địch; vạch trần luận điệu xuyên tạc chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam; bóc mẽ thuyết âm mưu chính trị của các thế lực thù địch... Những tác phẩm có cách tiếp cận mới như vậy được thể hiện trên nhiều ấn phẩm báo chí trong cả nước, song tập trung ở các tác phẩm đăng tải trên Báo QĐND, Báo Nhân Dân, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Quốc phòng toàn dân.

Bên cạnh đó có nhiều tác phẩm bám sát thời sự, phản ứng nhanh nhạy, nhận diện và đấu tranh kịp thời, kiên quyết đối với những thông tin xấu độc, thù địch xuất hiện trên mạng xã hội trong thời gian gần đây như: Xuyên tạc các cuốn sách mới xuất bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; xuyên tạc trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”; luận điệu sai trái xung quanh vụ án khủng bố ở Đắk Lắk; kích động âm mưu thành lập cái gọi là “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” tại Lâm Đồng...

Ngoài ra, nhiều tác phẩm phê phán, đấu tranh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là biểu hiện nói hay làm dở; dân túy; sự tha hóa nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ cấp cao; những biến dạng, lệch lạc trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, giải trí...

So với các lần thi trước, Cuộc thi lần này xuất hiện nhiều tác phẩm đề cập, phản ánh những kinh nghiệm, cách làm tốt của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, điển hình như: Bắc Giang, Lào Cai, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La, Quân khu 3, Quân khu 9.

Cuộc thi hợp ý Đảng, lòng dân

Thành công không dừng lại ở số lượng tác phẩm, tác giả dự thi, nội dung phong phú, đa dạng và có chiều sâu hơn mà Cuộc thi đã góp phần kết nối, tập hợp các cây bút chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo đến từ các cơ sở nghiên cứu, đào tạo lý luận chính trị và các cơ quan báo chí trong cả nước tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng tình cảm tâm huyết, trách nhiệm chính trị cao cả và lý lẽ sắc bén, thuyết phục.

Mặt khác, Cuộc thi đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi tác giả, tác phẩm tham dự Cuộc thi này là hành động thiết thực góp phần lan tỏa và nhân lên sức mạnh “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” như mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Là người từng đoạt giải nhất Cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai năm 2022-2023, GS, TS, chuyên gia cao cấp Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong 3 năm qua, việc Báo QĐND chủ trì tổ chức Cuộc thi cho thấy sự chủ động, tích cực và thể hiện rõ vai trò tiên phong của cơ quan báo chí chính trị uy tín hàng đầu đất nước trong cuộc bảo vệ vị thế, uy tín và sứ mệnh cầm quyền, lãnh đạo của Đảng. “Việc Báo QĐND kiên trì, bền bỉ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng Đảng nói chung và duy trì tổ chức Cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” nói riêng là việc làm rất đáng khích lệ. Điều đó càng khẳng định vị thế, vai trò cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan truyền thông đa phương tiện, định hướng dư luận của tờ báo chiến sĩ. Đây là một hướng đi đúng, hợp thời, hợp ý Đảng lòng dân”, GS, TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Trên cơ sở thể lệ, quy chế chấm điểm, qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng Chung khảo với 15 chuyên gia, nhà báo uy tín đã thống nhất lựa chọn 38 tác phẩm xuất sắc để trao 3 loại giải, gồm: Giải dành cho báo Trung ương; giải dành cho báo địa phương; giải dành cho tạp chí. Trong đó có: 3 giải nhất, 7 giải nhì, 13 giải ba và 15 giải khuyến khích. Ban tổ chức cũng quyết định khen thưởng 5 tập thể cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm chất lượng cao tham dự Cuộc thi.

Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi được tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 24-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và phát sóng trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

VĂN HÓA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-bao-chi-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-trong-tinh-hinh-moi/nhan-len-suc-manh-bao-ve-dang-bang-ly-le-sac-ben-thuyet-phuc-773727