Nhận định chứng khoán 14/5: Thị trường có thể tiếp tục giằng co

Thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh đường trung bình 50 phiên của chỉ số VN-Index và 1.285 điểm của chỉ số VN30. Đồng thời, nếu thị trường tiếp tục đi ngang và ít biến động trong phiên hôm nay 14/5 thì thị trường có thể quay trở lại giai đoạn tích lũy ngắn hạn và dòng tiền có thể phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/5

VN-Index tiếp tục rung lắc quanh vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm

Sau tuần phục hồi tốt lên vùng 1.245 điểm -1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023, VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh tích lũy. Đầu phiên 13/5, VN-Index tăng điểm lên vùng 1.250 điểm và chịu áp lực rung lắc điều chỉnh mạnh về vùng 1.230 điểm và phục hồi trở lại. Kết phiên giao dịch ngày 13/5, VN-Index giảm 4,52 điểm (-0,36%) về mức 1.240,18 điểm, có 3 phiên liên tiếp giảm điểm. HNX-Index tích cực hơn tăng 0,68 điểm (+0,29%) lên mức 236,36 điểm. Thể hiện mức độ phân hóa của thị trường khi nhiều mã vẫn phục hồi tốt. Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch khá cân bằng với áp lực điều chỉnh gia tăng mạnh hơn ở nhóm vốn hóa lớn với 302 mã giảm giá (7 mã giảm sàn), 308 mã tăng (25 mã tăng trần) và 132 mã giữ giá tham chiếu.

Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 18.850,52 tỷ đồng được giao dịch, dưới mức trung bình với khối lượng giao dịch trên VN-Index tăng 7,37% so với phiên trước, cho thấy áp lực bán ngắn hạn đang gia tăng mạnh hơn, tuy nhiên mức độ phân hóa với dòng tiền ngắn hạn vẫn có tín hiệu luân chuyển tốt.

Kết phiên giao dịch ngày 13/5, VN-Index giảm 4,52 điểm (-0,36%) về mức 1.240,18 điểm

Nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến tương đối tích cực trong phiên hôm nay, mức độ tăng giá tốt chủ yếu tập trung vào các mã thị giá thấp, vốn hóa nhỏ như: API (+9,30%), VHG (+9,09%), DRH (+6,95%), HQC (+6,75%), DLG (+5,05%)... ngoài chịu áp lực điều chỉnh mạnh với QCG (-6,73%), AAV (-6,06%), SJS (-4,19%), TCH (-2,15%)... Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng có diễn biến phân hóa, đa số biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản dưới mức trung bình.

Thị trường có diễn biến giao dịch khá chậm trong cả phiên khi thanh khoản dưới mức trung bình, trong đó áp lực điều chỉnh đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi VN30 gặp kháng cự mạnh vùng giá cao nhất phiên giảm mạnh 15/4 với nhóm mã ngân hàng có diễn biến kém tích cực khi đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình. Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến phân hóa mạnh với các mã phục hồi tăng giá tốt như APS (+8,77%), DSC (+6,20%), EVS (+2,78%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ với BVS (-2,50%), TCI (-1,90%), APG (-1,37%)...

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), mặc dù khối lượng khớp lệnh có tăng nhẹ so với phiên trước, tuy nhiên, có thể thấy áp lực bán giá thấp vẫn chưa mạnh và sự phân hóa vẫn đang diễn ra giúp cho thị trường chưa tiêu cực sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Nếu sớm bứt phá lên trên vùng kháng cự mạnh quanh 1.250 điểm với động lực tốt trong các phiên tới, VN-Index vẫn còn khả năng hướng tới mốc xa hơn quanh vùng đỉnh gần nhất 1.300 điểm. Trong kịch bản kém tích cực, VN-Index sẽ có thể có nhịp điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn.

Xu hướng trung hạn của chỉ số vẫn đang là dao động swing trong vùng tích lũy với kênh 1.150 điểm - 1.250 điểm sau nhịp giảm điểm mạnh vừa qua và diễn biến tích lũy dự báo sẽ có thể kéo dài. Hiện VN-Index đã tiệm cận với cản trên của kênh tích lũy nên cơ hội giải ngân trung hạn là không rõ ràng.

“VN-Index tiếp tục rung lắc quanh vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm, nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét giải ngân nếu chỉ số bứt phá mạnh lên trên vùng kháng cự với kỳ vọng kiểm định trở lại vùng 1.280 điểm – 1.300 điểm hoặc có thể kiên nhẫn chờ đợi nếu VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và nên chờ nhịp điều chỉnh nếu muốn giải ngân thêm do mặt bằng giá hiện tại không còn quá hấp dẫn khi VN-Index đang vận động ở vùng cản trên của kênh tích lũy”, chuyên gia của SHS nhận định.

Thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), VN-Index ghi nhận 2 phiên liên tiếp giảm điểm trước áp lực bán chủ động của phe cung ở quanh kháng cự 1.250 điểm và lan rộng hầu hết các nhóm cổ phiếu lớn. Bên cạnh đó, khối Ngoại bán ròng mạnh trở lại trong các phiên gần đây và tạo ra tác động tiêu cực trên toàn thị trường trong bối cảnh thanh khoản thấp.

Thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co (Ảnh minh họa: KT)

“Thị trường có thể diễn ra điều chỉnh giảm trong giai đoạn này, tuy nhiên, đây là thời điểm tốt để tái cơ cấu danh mục trong bối cảnh thị trường phân hóa mạnh”, chuyên gia của ASEANSC cho hay.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh đường trung bình 50 phiên của chỉ số VN-Index và 1.285 điểm của chỉ số VN30. Đồng thời, nếu thị trường tiếp tục đi ngang và ít biến động trong phiên hôm nay 14/5 thì thị trường có thể quay trở lại giai đoạn tích lũy ngắn hạn và dòng tiền có thể phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt dòng tiền có tính chất đầu cơ ở các nhóm cổ phiếu Penny, tình trạng này có thể sẽ còn tiếp diễn trong vài phiên tới. Đồng thời, tuần này cũng là tuần đáo hạn hợp đồng phái sinh cho nên dòng tiền thường sẽ hạn chế giao dịch nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong những phiên tới.

“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để mua mới”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/nhan-dinh-chung-khoan-145-thi-truong-co-the-tiep-tuc-giang-co-post1094914.vov