Nhận diện doanh nghiệp 'ma' mua bán lòng vòng hóa đơn giá trị gia tăng

Lợi dụng kẽ hở trong việc cấp phép thành lập doanh nghiệp (DN), cũng như quy trình thanh, kiểm tra của ngành thuế, các đối tượng đã đăng ký khống thành lập DN, tạo gánh nặng quản lý cho cơ quan thuế.

Lợi dụng quy trình thông thoáng để trục lợi

Câu chuyện thành lập DN "ma" để mua bán lòng vòng hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) không mới, nhưng nó vẫn đang là vấn đề nhức nhối của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan thuế.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp ngành Thuế truy vết doanh nghiệp “ma”. Ảnh minh họa: CTV

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp ngành Thuế truy vết doanh nghiệp “ma”. Ảnh minh họa: CTV

Có thể kể hàng loạt vụ án đã được "khui" ra như giữa năm 2023, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1956, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đồng bọn đã mua hơn 20 DN "ma" từ các chủ DN đang muốn giải thể để đăng ký hồ sơ khống nhằm phát hành hóa đơn GTGT và xuất hóa đơn khống bán cho người có nhu cầu thu lợi bất chính.

Từ cuối năm 2020 đến nay, nhóm DN "ma" này đã xuất hơn 5.500 hóa đơn với tổng số tiền đã bao gồm thuế GTGT khoảng 2.200 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các DN khác mua, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây thất thu thuế của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, cuối năm 2023, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa xét xử vụ án mua bán hóa đơn GTGT lớn nhất cả nước. Trong số 100 bị cáo hầu tòa, 30 người bị truy tố tội trốn thuế, 68 người bị truy tố tội mua bán trái phép hóa đơn. Hai người còn lại bị truy tố các tội mua bán trái phép hóa đơn; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; trốn thuế. Cơ quan Công an xác định từ tháng 12/2020 - tháng 10/2022, đường dây này đã bán hơn 1 triệu hóa đơn GTGT khống cho hơn 88.000 DN, tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng.

Hay mới đây, ngày 13/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Dương Thanh Thủy (SN 1985, trú TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước". Được biết, Thủy đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập 18 công ty "ma", sau đó mua bán hóa đơn GTGT khống cho các DN có nhu cầu với giá chỉ 3-5% giá trị ghi trên hóa đơn. Mục đích của việc mua bán này là để các DN gian lận thuế…

Tuy nhiên, những con số thống kê từ các vụ án ở trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. "Nhà nước tạo điều kiện về thủ tục đăng ký, cấp phép thành lập DN, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; tuy nhiên việc quy định như hiện tại cũng đã làm phát sinh ra các DN "ma" lợi dụng thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập DN thông thoáng, đơn giản, dễ dàng và chi phí thấp... để trục lợi.

Thời gian vừa qua, với các vụ án mua bán hóa đơn GTGT đã và đang được điều tra, tòa án các cấp xét xử diễn ra trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước cho thấy, đã có một lỗ hổng lớn liên quan đến việc thành lập, quản lý, giám sát hoạt động của DN; một số không nhỏ các đối tượng đã thành lập ra hàng chục công ty ma, được đứng tên bởi họ hàng, hay thậm chí cả những người xa lạ, kể cả những người bị bệnh hiểm nghèo, nông dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh làm giám đốc DN", đại diện Tổng cục Thuế cho biết. Những DN "ma" này đè nặng lên cơ quan thuế trong công tác quản lý hóa đơn, chứng từ; đòi hỏi cơ quan chức năng cần tìm biện pháp ngăn ngừa hiệu quả DN "ma" này, không vì thành tích số lượng DN được thành lập mới mà cấp phép thành lập tràn lan, làm hao tổn nguồn lực của cơ quan quản lý.

Đủ công cụ để truy doanh nghiệp "ma"

Để hạn chế vi phạm, ngành Thuế cho biết đã có nhiều biện pháp để đối phó, trong đó, có việc nhận diện DN "ma" qua những dấu hiệu cơ bản. Về loại hình kinh doanh, hình thức DN được các đối tượng thực hiện tội phạm mua bán hóa đơn thông qua việc thành lập DN như Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, DN tư nhân.

Cơ quan thuế tích cực tăng cường công tác quản lý thuế.

Cơ quan thuế tích cực tăng cường công tác quản lý thuế.

Về đăng ký ngành nghề kinh doanh, các DN "ma" thường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến nhất là dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại, hoặc những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định hay phải được cấp chứng chỉ nghề nghiệp (bất động sản, du lịch, …). Qua đó các đối tượng này cho rằng có thể vượt qua sự kiểm tra của cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan thuế.

Về trụ sở giao dịch và thời gian hoạt động kinh doanh, các DN "ma" thường đăng ký địa chỉ giao dịch tại các trung tâm, văn phòng ảo; hoặc những địa chỉ thậm chí không tồn tại… nhằm dễ dàng trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan thẩm quyền và bỏ trốn ngay khi bị phát hiện.

Bên cạnh đó, chúng có thể thành lập ở các khu vực có điều kiện dân trí không cao, thuê trụ sở trong thời gian ngắn và đặt tại những con hẻm sâu. Thời gian hoạt động của một DN thường khá ngắn. Về phương thức thanh toán, các công ty "ma" thường thực hiện các hoạt động trái pháp luật, do đó sẽ tránh sử dụng tài khoản ngân hàng của công ty khi đăng ký, thực hiện giao dịch bằng tài khoản ngân hàng do cá nhân đứng tên hoặc tiền mặt; hoặc chuyển khoản "lòng vòng" qua nhiều bên trung gian nhằm né các giao dịch, giấu nhẹm việc mua bán hóa đơn.

"Hiện tượng thành lập, hoạt động của các DN "ma" tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, là hồi chuông cảnh báo đến các cơ quan liên quan. Cơ quan thuế đã và đang tích cực tăng cường công tác quản lý thuế, phối hợp với các cơ quan liên quan để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện kịp thời những DN này. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhằm phát hiện kịp thời các hành vi thành lập DN để mua, bán hóa đơn, trốn thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; đồng thời, tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan Công an,… thu thập tài liệu điều tra, xác minh, nếu có dấu hiệu vi phạm, trốn thuế thì chuyển hồ sơ đến cơ quan Công an điều tra, xử lý.

Các Cục Thuế đã giao nhiệm vụ tới từng công chức, đội, từng bộ phận có liên quan đến quản lý người nộp thuế. tiến hành thành lập tổ rà soát, quản lý rủi ro sử dụng hóa đơn, phân tích, đánh giá xác minh người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, tiến hành khai thác, rà soát và đánh giá kết quả phân tích dữ liệu… Từ đó, thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn, chứng từ", Tổng cục Thuế cho biết.

Với ứng dụng của công nghệ thông tin, ứng dụng quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số hiện nay, thì những hóa đơn, chứng từ này của DN được lưu vết (theo quy định phải được lưu giữ ít nhất 10 năm) và cơ quan thuế có đủ công cụ để truy lần ra các sai phạm đó. Do đó lựa chọn chấp hành pháp luật thuế, hay thành lập DN "ma" để mua bán hóa đơn, hoặc bên mua lập khống, mua khống hóa đơn, lập khống chứng từ… đều không phải là lựa chọn khôn ngoan hay đúng đắn đối với DN; nhà quản lý DN cũng cần hiểu biết để quản trị trong nội bộ DN mình.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/nhan-dien-doanh-nghiep-ma-mua-ban-long-vong-hoa-don-gia-tri-gia-tang-i731585/