Nhà siêu mỏng, siêu nhỏ vẫn còn tồn tại

Dù Hà Nội quyết tâm xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu méo, xử lý nghiêm các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện quy định về xây dựng, nhưng sau các dự án, có thể lại xuất hiện thêm những căn nhà như vậy. Tại sao?

Theo giấy tờ, toàn bộ khu đất của nhà ông Nguyễn Ngọc Kỳ (ngõ 102, phố Trường Chinh, quận Đống Đa) trước đây rộng hơn 63m2, sau khi mở đường, phần diện tích đất còn lại 9m2. Ông Kỳ xây dựng căn nhà để ở 8m2; cách đó không xa, phần đất 1m2 được ông dùng làm nơi chứa đồ. Gia đình ông Kỳ bám trụ ở ngõ 102 dù thừa nhận có rất nhiều bất tiện trong cuộc sống.

Đại diện UBND phường Phương Mai cho biết đất còn lại của ông Kỳ thuộc phần diện tích đất chung của chung cư ngõ 102 Trường Chinh. Hiện trạng tồn tại do chủ đầu tư tòa nhà và ông Kỳ chưa đạt được thỏa thuận đền bù.

Nhà siêu mỏng, siêu nhỏ còn nhiều ở Hà Nội.

Nhà siêu mỏng, siêu nhỏ còn nhiều ở Hà Nội.

Nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu méo từ lâu đã gây mất mỹ quan đô thị Hà Nội. Trên phố Huỳnh Thúc Kháng (kéo dài) có một căn nhà siêu mỏng có tới hai cửa, hai mặt tiền. Dù chính quyền đã vận động người dân ở đây dồn ghép thửa đất, nhưng hơn một năm đã qua kể từ khi con đường đưa vào khai thác, ngôi nhà vẫn hiện hữu.

Sau mỗi con đường mới mở sẽ có thêm vài căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ. Trong quy chuẩn Việt Nam, để được cấp phép xây dựng với các khu quy hoạch mới, phải đảm bảo diện tích lô đất tối thiểu là 36m2. Ở các khu đô thị cũ, diện tích tối thiểu là 25m2. Tuy nhiên, nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu méo vẫn xuất hiện và được xem là hiện tượng tất yếu sau mỗi con đường mới, bởi việc mở đường dựa trên cơ sở nền của các thửa đất được công nhận từ hàng chục năm về trước.

Việc tách dự án mở đường với dự án thiết kế đô thị khiến cho tổng thể dự án sau mở đường không có sự ăn nhập, không gian đô thị sau mở đường hoàn toàn không được xem xét, tính toán tới.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nha-sieu-mong-sieu-nho-van-con-ton-tai-238946.htm