Nhà ở cho công nhân: Bao giờ cung theo kịp cầu?

Mặc dù tầm quan trọng của nhà ở công nhân đã được nhìn nhận từ rất lâu với nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước nhưng đến nay, con số nhà ở công nhân chưa được như kỳ vọng. Một câu hỏi được đặt ra: Liệu bao giờ cung mới theo kịp cầu?

Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Mê Linh, Hà Nội

Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Mê Linh, Hà Nội

Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp và đông công nhân, lao động làm việc, nên nhu cầu về nhà ở để “an cư lạc nghiệp” đang là vấn đề bức thiết và chính đáng, nhất là đối với công nhân, người có thu nhập thấp.

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp đang hoạt động và khoảng 165.000 lao động (trên 80% là lao động ngoại tỉnh). Tuy nhiên, các dự án nhà ở xã hội của Hà Nội chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu, còn lại hơn 70% công nhân, người lao động đang phải thuê nhà trọ, điều kiện sinh hoạt không được bảo đảm.

Do thiếu quỹ nhà ở, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận với điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, giá thuê, tiền điện, tiền nước cao... Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường học công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.

Mới đây, tại cuộc Tọa đàm “Bảo đảm chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”, các nhà khoa học, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đã đưa ra nhiều ý kiến với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như đưa ra các giải pháp thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân.

PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội - cho rằng, nhu cầu nhà ở cho công nhân (cả thuê và mua) đều cấp thiết, song thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn

Nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn

Khẳng định Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ có tính khả thi cao, song, theo PGS.TS Bùi Thị An, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với vai trò, trách nhiệm chăm lo cho công nhân cần kiến nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, đồng hành với công nhân để họ có chỗ ở tốt, yên tâm làm việc.

“Các cơ quan chuyên môn phân rõ trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và bản thân công nhân. Chính sách cho công nhân vay vốn ưu đãi để mua nhà phải cụ thể, minh bạch”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động, sinh viên, thậm chí công chức, viên chức ở các đô thị lớn luôn là nhu cầu cấp thiết và chính đáng. Đặc biệt, công nhân là lực lượng trực tiếp tạo ra sản phẩm cho xã hội nên phải tạo môi trường làm việc cũng như nơi ở bảo đảm điều kiện cuộc sống cho công nhân.

“Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt bảo đảm về phòng cháy chữa cháy, trong đó, có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu quản lý tốt sẽ hạn chế hậu quả khi xảy ra cháy, nổ”, ông Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ quan điểm.

Xác định nhu cầu nhà ở của công nhân là chính đáng và cấp bách, tại Kế hoạch triển khai chỉnh trang các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội số 276/KH-UBND vừa được ban hành ngày 22-11-2023, chính quyền thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho công nhân, người lao động. Chính quyền thành phố cũng phấn đấu 100% các khu công nghiệp được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch được duyệt.

Hiện nay, trong số 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300 ha, có 9 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng (tỷ lệ lấp đầy 100%), 1 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và tích cực thu hút các dự án đầu tư. Song, tại 10 khu công nghiệp này mới có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động đã và đang tiến hành xây dựng (một phần nhỏ đã đưa vào khai thác, sử dụng) với khoảng 22.420 chỗ ở. Hiện thành phố đã hoàn thành 8.388 chỗ ở và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ ở.

Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chỉnh trang, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp đang hoạt động nhằm tăng mức độ thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và công nhân, người lao động.

Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ triển khai thực hiện chỉnh trang các khu công nghiệp, gồm: Rà soát, triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp; cải tạo xây dựng hạ tầng đồng bộ trong khu công nghiệp; xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở cho công nhân, người lao động...

Việc rà soát, chỉnh trang xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp được thực hiện hằng năm, phấn đấu đến năm 2030, các khu công nghiệp của thành phố Hà Nội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Trước mắt, đến năm 2025, ít nhất xây dựng thêm được 1-2 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động.

Theo “Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030”, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m2/người; tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án; tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị bảo đảm tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 10% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện đã có 276 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn hơn 7,3 triệu m2. Trong đó, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp có 122 dự án, tổng diện tích sàn khoảng 2,7 triệu m2, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.

Nguyễn Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nha-o-cho-cong-nhan-bao-gio-cung-theo-kip-cau-701675.html