Nhà báo Xuân Thủy làm báo ở Nhà tù Sơn La

Nếu như nói đồng chí Tô Hiệu 'là linh hồn' của Chi bộ Nhà tù Sơn La, thì đồng chí Xuân Thủy chính là 'linh hồn' của tờ báo 'Suối reo'. Ông có công lao to lớn trong việc duy trì hoạt động, đổi mới nội dung, hình thức của tờ báo, để tờ báo đến được với 'bạn đọc', với 'công chúng' trong chốn lao tù của đế quốc và trở thành món ăn tinh thần quan trọng của những chiến sĩ cách mạng và những người Việt Nam yêu nước nơi đây.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn chia sẻ về thời gian làm báo của nhà báo Xuân Thủy tại tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề về nhà báo Xuân Thủy. Ảnh: Ngô Khiêm

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn chia sẻ về thời gian làm báo của nhà báo Xuân Thủy tại tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề về nhà báo Xuân Thủy. Ảnh: Ngô Khiêm

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, ngay từ cuối năm 1941 khi “Suối reo” mới ra đời, Xuân Thủy đều được chi bộ giao nhiệm vụ phụ trách Ban Biên tập của báo như vai trò của Chủ bút. “Suối reo” ra không đều đặn, thường thì theo tuần, nhưng cũng có khi nửa tháng mới ra một số do khó khăn giấy, mực hay bị bọn cai ngục kiểm soát quá ngặt nghèo. Mỗi số báo chỉ có 1 đến 2 bản viết tay trên hai mặt giấy vở học sinh khổ 14 x 20cm. Số trang của báo không cố định, tùy theo số lượng bài vở, khả năng bảo đảm giấy, mực viết và điều kiện kiểm soát của bọn cai ngục mà mỗi số báo có từ 20 đến 40 trang.

“Trong hồi ký “Suối reo năm ấy”, đồng chí Xuân Thủy kể lại rằng, để “xuất bản” Báo “Suối reo”, ông và đồng đội phải khéo léo mắc một ngọn đèn điện nhỏ vào góc nhà xa cửa ra vào, bịt kín lại chỉ để một lỗ nhỏ cho ánh sáng hắt xuống các trang giấy viết. Một người tù phải phục ngay cạnh cửa để sẵn sàng báo động nếu có bọn gác ngục đi tới. Cả chủ bút, người viết, người trình bày phải hì hục làm việc đến 3 giờ sáng” - Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn chia sẻ.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, dưới sự chỉ huy của Chủ bút Xuân Thủy, Ban Biên tập Suối reo vừa chịu trách nhiệm tổ chức, chuẩn bị bài vở, vừa lo xuất bản, phát hành báo. Việc xuất bản báo chỉ diễn ra vào ban đêm. Để tránh sự kiểm tra của bọn cai ngục, có khi những người làm báo phải đưa giấy, bút, mực vào trong khu vực hố xí để viết. Trong hoàn cảnh đó, Chủ bút Xuân Thủy đã xuất khẩu thành thơ tếu rằng: “Đi theo ánh sáng vào trong ấy/ Chớ để văn chương phải nặng mùi!”. Giấy, bút, mực để làm báo đều được các cơ sở bên ngoài mua rồi bí mật chuyển vào qua một số cai ngục có cảm tình với cách mạng, hoặc qua các tù nhân đi lấy nước, làm “cỏ vê” trong rừng. Suối reo “phát hành” bằng miệng trong các phòng giam bằng cách từng nhóm tù nhân truyền tay nhau đọc, xong rồi chuyển cho nhóm khác hay cho phòng giam khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ, về tôn chỉ, mục đích của “Suối reo”, nhà báo Xuân Thủy viết: “Thu sang hoa cỏ già rồi/ Suối reo lên để cho đời trẻ trung/ Thu sang non nước lạnh lùng/ Suối reo lên để cho lòng ta reo”. Hoạt động trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt, khổ ải, “Suối reo” vẫn reo lên tiếng nói lạc quan cách mạng và nhà thơ - chiến sĩ cách mạng Xuân Thủy được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1941 ngay ở trong tù. Nhiều bạn tù của ông và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, báo chí, văn chương sau này còn kể nhiều, ghi lại nhiều câu chuyện về Xuân Thủy làm báo, làm thơ và tài biên tập thơ cho các bạn tù của ông.

“Có bài mở đầu bằng mấy vần thơ: “Tiếng Đảng ta nghe gọi/ Cờ Đảng ta đi theo/ Muôn năm ta chúc Đảng/ Muôn năm chúc Suối reo”. Xuân Thủy và mấy bạn biên tập cho rằng: “Muôn năm ta chúc Đảng” thì được, nhưng “Muôn năm chúc Suối reo” thì không được, vì như thế là tác giả chúc “Suối reo” gắn liền với cái nhà tù này cứ muôn năm sống mãi hay sao? Xuân Thủy sửa lại: “Tiếng Đảng ta nghe gọi/ Cờ Đảng ta đi theo/ Chúc mừng ngày sinh Đảng/ Lòng ta như Suối reo” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ bộc bạch.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La Nguyễn An Đại, từ năm 2019, Bảo tàng tỉnh Sơn La (đơn vị được giao quản lý Khu di tích Nhà tù Sơn La) đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình giáo dục trải nghiệm “Em yêu lịch sử” với các chủ đề: Tinh thần Tô Hiệu, Nhà tù Sơn La trong hệ thống các nhà tù của thực dân Pháp..., thu hút khoảng 10.000 du khách trực tiếp tham dự cũng như theo dõi trên Fanpage và Website, 10 lượt đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh đưa tin về sự kiện.

Qua đó, góp phần tuyên truyền giáo dục đến học sinh, sinh viên, bộ đội và toàn thể du khách về công lao to lớn của các bậc tiền bối cách mạng nói chung và đồng chí Xuân Thủy nói riêng, những người đã anh dũng, kiên cường, mưu trí, đấu tranh chống lại đế quốc thực dân ngay tại “sào huyệt” của chúng. Ngày nay, Sơn La có những con đường, tuyến phố được mang tên đồng chí Xuân Thủy, như một minh chứng cho sự tri ân trước những công lao, tình cảm mà đồng chí Xuân Thủy đã dành cho mảnh đất và con người vùng sơn cước này.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng có thể khẳng định rằng Báo “Suối reo” ra đời trong ngục Sơn La và Báo “Lắc Mướng” do Hội người Thái cứu quốc xuất bản những năm 1943-1945 là những tờ báo cách mạng đầu tiên xuất hiện ở Sơn La, chính là những mạch nguồn, khơi thủy cho dòng chảy báo chí Sơn La, đặt nền móng cho sự phát triển báo Đảng của Sơn La trong những năm tiếp theo. Không chỉ là người đặt nền móng cho báo chí Sơn La, nhà báo Xuân Thủy còn đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam trên cương vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.

Chính vì thế mà vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề về nhà báo Xuân Thủy đã làm sáng rõ hơn tài năng, khí phách và quãng đường làm báo sôi nổi, nhiệt huyết của một nhà báo lớn mà trước đây, chúng ta chỉ mới biết đến ông là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng phái đoàn Việt Nam đàm phán tại Hiệp định Paris.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nha-bao-xuan-thuy-lam-bao-o-nha-tu-son-la-post462561.html