Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ câu hỏi thường gặp nhất khi nói chuyện về Sách và Văn hóa đọc

Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong có cuộc trò chuyện nhanh với tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - người đã có khoảng 100 cuộc nói chuyện về sách và văn hóa đọc - trước thềm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024).

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đang là Trưởng Ban Sinh viên, báo Tiền Phong, diễn giả được yêu thích tại nhiều trường Đại học, Học viện trên toàn quốc. Anh là tác giả nhiều ấn phẩm best-seller như: Trường học hay Trường đời; Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất;…

Thưa tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, anh đã được mời đi nói chuyện về sách và văn hóa đọc từ nhiều năm nay, anh có nhớ mình đã có bao nhiêu cuộc nói chuyện về chủ đề này?

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi không nhớ chính xác, nhưng chắc khoảng 100 chương trình trong khoảng 10 năm qua và thường tôi nói chuyện với các bạn học sinh, sinh viên nhiều hơn với các đối tượng khác.

Câu hỏi anh hay gặp nhất là gì?

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Khi được mời đi chia sẻ về sách và văn hóa đọc, tôi hay gặp câu hỏi: “Anh/Thầy đã đọc bao nhiêu cuốn sách rồi?”. Người đặt câu hỏi này thường đọc nhiều sách, muốn kiểm tra xem diễn giả có đọc sách thật không hay chỉ “chém gió”? Họ muốn diễn giả phải đưa ra con số cụ thể, không thể nói chung chung. Với nhóm này, nếu họ đã đọc 5.000 cuốn mà diễn giả mới đọc 4.999 cuốn (chưa cần biết là loại sách gì) thì họ vẫn chưa phục diễn giả, không nghe diễn giả đâu. Trước đây tôi cũng thuộc nhóm người này. Tôi đã luôn nghĩ rằng nếu một người chưa bao giờ đến được điểm A thì cũng sẽ chẳng bao giờ đưa người khác đến được điểm A. Chỉ có số liệu cụ thể, chỉ có kết quả thực tế mới thuyết phục được tôi.

Nhưng sau này tôi nhận thấy rằng nếu đơn thuần coi đọc sách là một sở thích thì chẳng cần quan tâm đến số lượng nhiều ít làm gì. Mình thấy thích là được (thích không liên quan đến nhiều hay ít, tùy từng người). Nếu đã coi sách là một kênh để học tập thì quan trọng là quá trình đọc sách đem lại cho người đọc những giá trị gì (không liên quan gì đến đọc nhiều hay đọc ít)! Nhưng trên thực tế những ai thấy được nhiều giá trị từ sách thì thường họ sẽ đọc rất nhiều, bởi ai đọc sách cũng hiểu rằng học tập sẽ chẳng bao giờ có điểm dừng và sách là một trong những phương tiện hiệu quả nhất giúp chúng ta học tập không ngừng. Nếu chờ phải đọc sách đủ nhiều mới đi chia sẻ về sách thì tôi sẽ không bao giờ làm được công việc tôi đang làm!

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh chụp ảnh cùng sách tại Paris, Pháp năm 2023.

Câu hỏi thứ hai anh hay gặp là gì?

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: "Theo anh thì nên đọc cuốn sách gì đầu tiên?" - Đây có lẽ là câu hỏi của những người chưa từng đọc sách. Họ đến dự chương trình và hỏi chắc là để tìm cảm hứng đọc sách. Nhưng sẽ là thách thức lớn với các diễn giả để sau chương trình này người đặt câu hỏi sẽ đọc sách. Bởi trên thực tế, việc đọc hết (trọn vẹn) một cuốn sách không giống việc đọc một tin tức trên mạng xã hội. Sở thích đọc sách phải bắt nguồn từ chính mỗi người và được hình thành trong một quá trình dài chứ không phải chỉ qua một hai lần được gặp diễn giả truyền cảm hứng.

Có những câu hỏi nào anh không thích trả lời?

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Có nhiều. Ví dụ, "Sách in bao giờ sẽ bị thay thế hoàn toàn?". Có thể có một vài người tò mò hỏi để biết xu hướng, nhưng phần lớn những người đặt câu hỏi này thường chưa hiểu hết công dụng của sách, không thích đọc sách, không chọn sách làm kênh để học tập và giải trí,... Đi nói chuyện về sách và văn hóa đọc mà gặp câu hỏi này thì hầu hết các diễn giả đều bị “tụt” hết cảm hứng. (Cười)

Cảm ơn anh!

Ảnh: NVCC

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024) do Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Tuyên giáo Trung ương; UBND thành phố Hà Nội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 17-21/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tú Chân (Thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nha-bao-nguyen-tuan-anh-chia-se-ve-cau-hoi-thuong-gap-nhat-khi-noi-chuyen-ve-sach-va-van-hoa-doc-post1627925.tpo