Nguyễn Quang Diệu và Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ

Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ của tác giả Nguyễn Quang Diệu do NXB Tổng Hợp TP.HCM và Omega+ ấn hành, tái hiện một quãng lịch sử của Nam kỳ một thuở từ các nguồn sử liệu và tranh ảnh phong phú.

Tác phẩm về lịch sử Nam kỳ của tác giả Nguyễn Quang Diệu

Tác phẩm về lịch sử Nam kỳ của tác giả Nguyễn Quang Diệu

Đó là những câu chuyện lịch sử diễn ra trên đất Nam kỳ xưa kể từ thời Gia Long, Minh Mạng, Lê Văn Duyệt cho đến khi người Pháp xâm lăng, thiết lập chế độ thuộc địa ở Nam kỳ, chế độ bảo hộ ở Bắc kỳ và Trung kỳ của vương quốc Đại Nam (nay là Việt Nam).

“Tôi viết Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ với mong muốn góp thêm một góc nhìn, một cách tiếp cận lịch sử - văn hóa - con người vùng đất Nam kỳ, tất nhiên là trên nền tảng sử liệu và nguồn dẫn. Qua cuốn sách, tôi cũng muốn đặt lại vấn đề về việc sử dụng và chú giải tranh/ảnh - một nguồn sử liệu quan trọng” - tác giả Nguyễn Quang Diệu nói về tác phẩm Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ trong cuộc trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần.

Con người, vùng đất Nam kỳ giàu tiềm năng

Tác giả Nguyễn Quang Diệu nói: “Thời đại hiện nay, khi đời sống có nhiều thay đổi, cùng với nhiều biến tướng/lừa đảo khác diễn ra trong cuộc sống, khiến người dân phần nào đó “chai sạn” hoặc trở nên phòng vệ hơn trước. Tuy nhiên, người miền Nam cơ bản vẫn vậy, sự bao dung, hào sảng và tinh thần sẻ chia của họ đã trở thành những yếu tố căn cốt của một đời sống văn hóa tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ”.

* Nhiều quyển sách về thời Nam kỳ do các tác giả người Pháp viết được chuyển Việt ngữ và xuất bản gần đây. Cuốn Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ có tác giả là anh - một người Việt. Tâm huyết của anh khi biên soạn tác phẩm của mình?

- Đúng là sách do người Pháp viết về Việt Nam xưa nói chung và Nam kỳ nói riêng rất nhiều. Việc tổ chức dịch ra tiếng Việt và xuất bản gần đây có khởi sắc, nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế. Ví dụ ở khâu sàng lọc, thẩm định nội dung, “gạn đục khơi trong” chọn gì để dịch cần được đánh giá kỹ.

Ngược lại, việc thiếu tài liệu tiếng Việt khiến giới nghiên cứu gặp một số khó khăn, khi sử liệu còn khuyết trống. Ví dụ gần nhất là trong cuộc tranh luận về các hội kín từ bộ phim Đất rừng phương Nam. Hoặc cuốn sách Les ports de l’Extrême-Orient (Các cảng biển ở Viễn Đông, Paris, 1869) có thể quan trọng với tôi và một số nhà nghiên cứu, nhưng lại là sách kén độc giả, thị trường hẹp, không dễ có đơn vị xuất bản nào dám mạnh dạn đầu tư dịch và in ấn.

Cấy lúa ở Việt Nam - tranh của họa sĩ Raymond Virac, vẽ năm 1935. Nguồn: Bảo tàng Quai Branly

Cấy lúa ở Việt Nam - tranh của họa sĩ Raymond Virac, vẽ năm 1935. Nguồn: Bảo tàng Quai Branly

* Anh gặp thuận lợi hoặc khó khăn gì trong quá trình tra cứu, nghiên cứu dữ liệu lịch sử để viết sách?

- Tôi xuất thân là một biên tập viên, cho đến lúc này, khi có tác phẩm ra đời, tôi vẫn định vị mình là người làm xuất bản trong nhiều vai trò. Công việc chuyên môn cho phép tôi được tiếp cận những tài liệu tốt, đọc và học hầu như mỗi ngày. Với tôi, đây là điều quan trọng, bởi nếu không đọc sẽ rất khó cho việc viết lách hay nảy sinh ý tưởng.

Trong thời đại số hóa phát triển như hiện nay, chúng ta được hưởng lợi khá nhiều từ các kho lưu trữ/thư viện mở, nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể tiếp cận được đủ thứ mình cần. Khi và chỉ khi dữ liệu đủ, thao tác khảo cứu, phối kiểm và viết mới dễ dàng và mạch lạc.

Tôi thuộc lớp hậu bối, vẫn đang đọc, học từ những người đi trước và đang đi trên con đường độc lập của riêng mình. Tôi viết vì nhu cầu tự thân, nhu cầu tìm hiểu về con người và vùng đất Nam kỳ giàu tiềm năng.

Sự can trường, lòng yêu nước

* Những gì anh tâm đắc nhất, hoặc mang tính phát hiện giải kiến nhất từ nhân vật Lê Văn Duyệt mà anh đã viết trong phần 1?

“Câu chuyện văn hóa lịch sử Nam kỳ vẫn còn nhiều dư địa cho công tác xuất bản hay nghiên cứu, vì vậy hành trình phía trước của tôi vẫn còn dài và chắc chắn là mệt nhọc” - tác giả Nguyễn Quang Diệu.

- Với cá nhân tôi, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt là một trong số những nhân vật tiêu biểu của vùng đất Nam kỳ. Với Lê Văn Duyệt, ai có năng lực sẽ được dùng cho công việc thích hợp. Ông là một nhà cai trị đầy quyền uy, trong chính trị không có gì ngẫu nhiên, được dân thương dân thờ càng không phải là chuyện ngẫu nhiên.

* Anh cũng viết về “sự can trường của quân dân Nam kỳ” như tinh thần yêu nước của người Việt xưa nay…

- Tinh thần yêu nước của người Việt được thể hiện suốt đoạn sử dài sau khi Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký kết, qua từng thời kỳ tinh thần yêu nước ấy vẫn thế, dù là cầm súng hay cầm bút, chiến đấu trên chiến trường hay đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, báo chí chống chính quyền thực dân.

Ở phần cuối sách, tôi có kết nối câu chuyện ở Sài Gòn lúc xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 với đại dịch Covid-19 những năm 2020-2021 mà chính mình là người trong cuộc, có dự phần. Trong hai cơn khủng hoảng cách nhau 90 năm, chúng ta thấy rằng người Sài Gòn - TP.HCM đã cố gắng chờ đợi trạng thái bình thường mới, chờ khủng hoảng qua đi. Chính trong những lúc khó khăn ngặt nghèo đó, người dân vẫn giữ tinh thần hào sảng, sẻ chia trách nhiệm cộng đồng bằng nhiều hình thức từ thiện khác nhau.

* Xin cảm ơn anh!

Tác giả Nguyễn Quang Diệu sinh năm 1983 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, hiện là Trưởng ban Văn hóa - lịch sử OmegaPlus. Năm 2018, tác phẩm Một tháng ở Nam kỳ của tác giả Phạm Quỳnh do anh khảo chú và giới thiệu (lấy bút danh Thư Hương) đã được NXB Hội Nhà văn và DTBooks ấn hành.

Cẩm Điệp (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/nguyen-quang-dieu-va-khac-hoa-buc-tranh-lich-su-nam-ky-502687f/