Nguyên nhân khiến giống lúa LDA 1 ở Hợp tác xã Nhĩ Hạ gây mất mùa

Thời điểm này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang thu hoạch lúa vụ đông xuân 2020 - 2021. Tuy nhiên, đối với một số hộ dân ở Hợp tác xã (HTX) Nhĩ Hạ, xã Gio Hải, huyện Gio Linh có gieo trồng giống lúa LDA 1, vụ mùa này toàn bộ diện tích hầu như mất trắng. Điều đáng quan tâm là cùng giống lúa LDA 1 nhưng các hộ dân ở HTX Nhĩ Trung gieo trồng và chăm sóc đúng quy cách thì năng suất đạt khá cao. Theo phản ánh của người dân ở HTX Nhĩ Hạ, ngành chức năng đã đi kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này.

Mảnh ruộng sản xuất giống lúa LDA 1 của ông Trần Trọng Đức, thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải bị bệnh đạo ôn cổ bông - Ảnh: T.T

Vụ đông xuân 2020 - 2021, xã Gio Hải được hỗ trợ 2,84 tấn giống lúa LDA 1, triển khai gieo trồng trên diện tích 35 ha, trong đó tại HTX Nhĩ Hạ có 22 ha tại vùng Trằm, HTX Nhĩ Trung có 12 ha, còn lại gieo tại các thôn khác. Gia đình bà Phan Thị Hoa, ở thôn Nhĩ Hạ là một trong nhiều hộ dân được nhận giống LDA 1 hỗ trợ và tiến hành gieo khoảng 0,7 ha. Đến kỳ thu hoạch, cây lúa có thân khỏe nhưng bông lúa khô, hạt lép, không có sữa. Kể về quá trình gieo trồng và chăm sóc cây lúa giống LDA 1, bà Hoa cho biết, khi cây lúa đến giai đoạn làm đòng, theo hướng dẫn của HTX, bà phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn, sau đó 10 ngày thì bón 5kg vôi/sào. Trong quá trình chăm sóc cây lúa phát triển, bà Hoa có nhận được thông báo của HTX về việc phun thuốc phòng trừ bênh đạo ôn cổ bông nhưng bà không thực hiện vì cho rằng đã phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn ở giai đoạn lúa làm đòng. Cũng trong diện tích gieo trồng này của gia đình bà Hoa, có khoảng 1 sào lúa giống Khang Dân lại không bị ảnh hưởng bởi bệnh đạo ôn cổ bông. “Trong quá trình lúa trổ bông, gia đình tôi cũng chủ quan, không kiểm tra, theo dõi, đến khi phát hiện ra sâu bệnh, lúa lép hạt và khô thì đã muộn, không thể khắc phục được. Toàn bộ diện tích này bây giờ chỉ có thể gặt về, tận dụng được thì làm thức ăn cho gia súc”, bà Hoa nói.

Cũng chung tình trạng trên, hơn 7 sào lúa giống LDA 1 được ông Trần Trọng Đức, thôn Nhĩ Hạ gieo trong vườn nhà bị hỏng hoàn toàn. Ông Đức cho biết, vì chỉ gieo trên diện tích nhỏ nên gia đình ông không đầu tư chăm bón, phun thuốc trừ sâu theo khuyến cáo, đến khi phát hiện bông lúa xép hạt, khô dần dù thân cây phát triển tốt thì lúa đã gần đến kỳ thu hoạch, đành phải bỏ mảnh ruộng này.

Theo biên bản kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh tại HTX Nhĩ Hạ, trong tổng số 22 ha lúa giống LDA 1 gieo tại địa phương vụ đông xuân 2020 - 2021, có 2 ha tỉ lệ nhiễm bệnh trên 70%, 8 ha tỉ lệ nhiễm bệnh từ 30 - 50 % và 10 ha tỉ lệ nhiễm bệnh từ 10 - 20%. Ông Trần Xuân Sáng, Phó Giám đốc HTX Nhĩ Hạ cho biết, trong quá trình triển khai sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, đại diện HTX đã thường xuyên cùng với cán bộ Trạm TT&BVTV đi thăm đồng. Khi phát hiện bệnh đốm nâu trên cây lúa, HTX đã kịp thời thông báo cho người dân phun thuốc phòng trừ, đến giai đoạn lúa trổ bông thì thông báo cho người dân phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông theo hướng dẫn của Trạm TT&BVTV. Tuy nhiên một số hộ dân ngại phun thuốc, một phần do chủ quan vì lúa đang phát triển xanh tốt, do đó đến khi bệnh nặng thì không cứu vãn được.

Cũng gieo trồng giống lúa LDA 1 với diện tích 12 ha, đến thời điểm này, người dân thôn Nhĩ Trung chuẩn bị thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Nhĩ Trung cho biết: “Gia đình tôi được cấp giống LDA 1 và gieo trồng 3 sào. Trong quá trình chăm bón, HTX khuyến cáo người dân phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn trên cây lúa ở giai đoạn lúa làm đòng, phun thuốc phòng bệnh lem lép hạt, bón phân kích thích cây lúa trổ bông, phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông và chúng tôi tuân thủ nghiêm túc”.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhĩ Trung Nguyễn Đăng Minh cho biết, việc triển khai gieo trồng giống lúa LDA 1 trên địa bàn HTX thuận lợi. Đầu vụ, HTX hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Hướng dẫn người dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi, phát hiện bệnh đạo ôn cổ bông trên cây lúa sớm, chăm sóc hợp lý để cây lúa sinh trưởng khỏe, bón phân cân đối, điều tiết nước phù hợp. Nhờ đó, hầu hết diện tích lúa LDA 1 phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.

Từ thực tế nhiều diện tích lúa giống LDA 1 gieo trồng trên địa bàn thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông dẫn đến hư hại, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân cho thấy, diện tích trồng lúa LDA 1 là khu vực Trằm, đất cát pha nên cây lúa dễ bị nhiễm bệnh. Do đó, việc người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đối với cây lúa là rất quan trọng. Trong quá trình triển khai sản xuất, người dân cần cân đối việc bón phân cũng như không nên chủ quan trong việc phun phòng kịp thời các loại sâu bệnh trên cây lúa. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, hướng dẫn thêm về bộ giống lúa sản xuất phù hợp với điều kiện đồng đất ở khu vực Trằm, thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải. Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Bùi Phước Trang cho biết thêm, Chi cục TT&BVTV tỉnh đề nghị Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh kiểm tra xem ngoài giống lúa LDA 1 còn có giống lúa nào khác bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông để có hướng xử lý trong thời gian tới. Đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện tốt công tác chăm sóc và phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách) khi thực hiện phun trừ các loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa khi triển khai vụ hè thu tới.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=157305&title=nguyen-nhan-khien-giong-lua-lda-1-o-hop-tac-xa-nhi-ha-gay-mat-mua