Nguy kịch tính mạng vì coi thường vết thương nhỏ ở bàn chân

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên vừa cấp cứu thành công một nam bệnh nhân 16 tuổi nguy kịch tính mạng từ một vết thương rất nhỏ ở bàn chân do giẫm phải đinh.

Nam bệnh nhân trú tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Khi vào viện cấp cứu, bệnh nhân có triệu chứng cứng hàm, cứng gáy, khó há miệng, gáy cứng, dễ kích thích co cơ với tiếng động, tiên lượng nặng. Vết thương ở lòng bàn chân đã khô đóng vảy. Bệnh nhân được chẩn đoán uốn ván thể cấp tính.

Khai thác tiền sử được biết, trước khi nhập viện cấp cứu 10 ngày, bệnh nhân giẫm phải đinh sắt gây nên vết thương nhỏ ở lòng bàn chân, vết thương đã khô miệng. Tuy nhiên, trong lúc làm việc, bệnh nhân đột ngột kích thích co cứng toàn thân, ngã, co giật nên được người thân đưa đi cấp cứu.

Nguyên nhân của bệnh uốn ván xuất phát từ những vết thương nhỏ như giẫm phải đinh, gai.

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết: Uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra. Nguyên nhân của bệnh uốn ván xuất phát từ những vết thương nhỏ như giẫm phải đinh, gai… Thông thường trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ. Ở trẻ sơ sinh nhiễm trùng do quá trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo vệ sinh. Uốn ván có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nếu chưa được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ và không biết chăm sóc, xử trí đúng vết thương.

Các dấu hiệu nhiễm vi khuẩn uốn ván

- Thời kỳ ủ bệnh: Tính từ khi có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh uốn ván, thường là biểu hiện cứng hàm. Thời kỳ ủ bệnh có thể từ 3-21 ngày, trung bình là 7 ngày. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn (<7 ngày) thì bệnh càng nặng.

- Thời kỳ khởi phát: Tính từ khi cứng hàm đến khi có cơn co giật đầu tiên hoặc cơn co thắt hầu họng thanh quản đầu tiên, thường từ 1-7 ngày. Thời gian khởi phát càng ngắn (<48 giờ) bệnh càng nặng.

Triệu chứng khởi đầu là cứng hàm: Lúc đầu mỏi hàm, nói khó, nuốt vướng, khó nhai, khó há miệng tăng dần và liên tục. Khi dùng lưỡi ấn hàm xuống thì hàm càng cắn chặt hơn. Dấu hiệu này gặp ở tất cả người bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn có những co cứng cơ khác như: co cứng cơ mặt, co cứng cơ lưng, cơ bụng, cơ ngực, cơ chi trên, cơ chi dưới… Khi kích thích, các cơn co cứng tăng lên làm cho người bệnh rất đau. Có thể có các biểu hiện khác như: sốt cao, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh…

Một bệnh nhân bị uốn ván đang được điều trị

- Thời kỳ toàn phát: Từ khi có cơn co giật toàn thân hay cơn co thắt hầu họng/thanh quản đầu tiên đến khi bắt đầu thời kỳ lui bệnh thường kéo dài từ 1-3 tuần với các biểu hiện như: Co cứng cơ toàn thân liên tục, người bệnh rất đau, co cứng làm cho người bệnh ưỡn cong; Co thắt thanh quản gây khó thở, tím tái, ngạt thở dẫn đến suy hô hấp, ngừng tim; Co thắt các cơ vòng gây bí tiểu, bí đại tiện.

Rối loạn thần kinh thực vật gặp trong trường hợp nặng với các biểu hiện: da xanh tái, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi, sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn, tăng hoặc hạ huyết áp, huyết áp dao động, loạn nhịp tim và có thể ngừng tim.

- Thời kỳ lui bệnh: Bắt đầu các cơn co giật toàn thân hay co thắt hầu họng/thanh quản bắt đầu thưa dần, tình trạng co cứng toàn thân còn kéo dài nhưng mức độ giảm dần, miệng từ từ há rộng, phản xạ nuốt trở lại. Thời kỳ này kéo dài vài tuần đến vài tháng tùy theo mức độ nặng của bệnh.

Cách phòng bệnh uốn ván

Phòng bệnh uốn ván bằng cách tiêm phòng vaccine là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Để tránh bị uốn ván, sau khi bị thương nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván kịp thời. Các thủ thuật, phẫu thuật phải được tiến hành ở các cơ sở đủ điều kiện vô trùng.

Phương Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-kich-tinh-mang-vi-coi-thuong-vet-thuong-nho-o-ban-chan-169230620155246726.htm