Người 'thợ cày' trên 'cánh đồng' chữ

Dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan là tác giả quen thuộc suốt hơn 20 năm nay của nhiều độc giả Việt Nam.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan trong lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020. Ảnh: NVCC

Dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan là tác giả quen thuộc suốt hơn 20 năm nay của nhiều độc giả Việt Nam. Từ một cô bé mắc bệnh nan y, trở thành một dịch giả - nhà văn nổi tiếng, chắc chắn là một hành trình không chỉ rất dài mà vô cùng gian nan.

Vượt qua giông bão

- Chị vừa ra mắt tác phẩm dịch “Sống mãnh liệt” của Rainer Zitelmann kể câu chuyện về 20 con người - dù khuyết tật nhưng lại đạt những thành tựu như siêu nhân. Chị có thấy bóng dáng chính mình trong những câu chuyện ấy?

- Khi quyết định dịch cuốn sách này tôi nói nửa đùa nửa thật với bạn biên tập viên: “Tôi có thể là người thứ 21”, nhưng khi dịch xong cuốn sách tôi đã nói với cô ấy rằng tôi muốn rút lại câu nói đó. Tôi thấy mình sống cũng khá can đảm, khá mạnh mẽ nhưng xét về một số khía cạnh, tôi chưa sống mãnh liệt như họ.

Một điều nữa, khiến tôi không thể sánh với họ là, hầu hết họ đều nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng ở tầm quốc tế. Ví dụ, bà Margarete Steiff, người phụ nữ bị bại liệt và là người có vẻ như có thành công khiêm tốn nhất trong số 20 người trong cuốn sách này - chính là người đã tạo ra chú gấu “Teddy” một món đồ chơi nổi tiếng khắp toàn cầu.

- Mắc bệnh nan y từ năm 13 tuổi, cách nào để chị vượt qua giông bão để trở thành dịch giả - nhà văn: Ý chí nghị lực hay phép màu?

- Như tôi đã nói trong buổi ra mắt cuốn “Sống mãnh liệt”, với tai ương và những thách thức ập đến, tôi không thể dựa vào nguồn sức mạnh nào mạnh nhiều hơn là dựa vào chính bản thân mình.

Dựa vào bản thân mình là dựa vào thái độ sống tích cực, dựa vào những khả năng tiềm ẩn mà mình khơi dậy trong khó khăn, sự kiên trì và sáng tạo do hoàn cảnh thúc đẩy, và không đổ lỗi cho bất cứ ai, bất cứ điều gì.

Không đổ lỗi và cũng không ngồi yên đợi sự thay đổi bỗng nhiên đến mà chủ động cải thiện cuộc sống của mình bằng cách tự học với ý chí không gì lay chuyển nổi. Tất nhiên, ngoài việc dựa vào chính mình, chỗ dựa lớn nhất từ bên ngoài của tôi là gia đình.

Tôi may mắn có một gia đình biết yêu thương đúng cách: Nghĩa là không làm hộ tôi tất tật mọi thứ, mà tạo điều kiện và ủng hộ tôi cố gắng hết mình vì điều tôi muốn.

Nếu bạn gọi trường hợp của tôi là một câu chuyện cổ tích, hay một phép màu, thì bạn cũng nên tin rằng bằng ý chí mãnh liệt và thái độ sống tích cực, chúng ta có thể tạo ra những phép màu trong đời sống này.

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan trò chuyện với học sinh Trường Tiểu học và THCS Lương Tài (Văn Lâm, Hưng Yên). Ảnh: NVCC

Tập trung cao độ cho việc quan trọng

- Làm dịch giả, không đơn giản chỉ là ngồi chờ nhà xuất bản giao sách cho dịch. Chị có thể kể về hành trình để một tác phẩm dịch được xuất bản?

- Tôi có lẽ là một trong những dịch giả đầu tiên ngay sau khi Việt Nam ký công ước Berne về bản quyền vào năm 2004 đã tham gia trực tiếp vào việc tìm kiếm nguyên tác có chất lượng, liên hệ với tác giả hoặc đại diện của tác giả để thương lượng bản quyền.

Cho đến bây giờ sau 20 năm, tôi vẫn thường xuyên tham gia vào quá trình đó, với sự ủy nhiệm của các nhà xuất bản, chứ không chỉ ngồi đợi các nhà xuất bản mời dịch cuốn gì thì dịch cuốn đó. Tôi làm thế là để mình được dịch cuốn mình thực sự thích. Chỉ khi thật sự thích một cuốn nào đó, tôi mới có thể dịch tốt, dịch hay được.

- Được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục Văn học dịch với tác phẩm nổi tiếng “Triệu phú khu ổ chuột”. Tuy nhiên, “Heidi” mới là cuốn sách dịch được in nối bản sau chưa đầy hai tuần ra mắt, còn “Sống mãnh liệt” in xong 500 cuốn, phát hành được 2 ngày thì hết sạch trong khi sức đọc ở Việt Nam rất khiêm tốn. Điều gì làm nên sức hấp dẫn trong các tác phẩm dịch của chị?

Dịch giả Nguyễn Bích Lan. Ảnh: NVCC

- Nếu bạn tìm hiểu lịch sử xuất bản bản dịch “Triệu phú khu ổ chuột” ở Việt Nam bạn sẽ thấy kể từ khi bản dịch được ấn hành vào năm 2009 và được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, nó đã được tái bản rất nhiều lần, hầu như năm nào cũng được tái bản.

Còn nếu nói về cuốn sách bán chạy nhất của tôi gần đây thì bạn phải kể đến cuốn “Cây cam ngọt của tôi”. Chúng tôi gọi vui đó là “cuốn sách quốc dân”, tức là sách mà nhà nhà đều có, người người đều tìm đọc.

Đó không những là một cuốn sách văn học gây xúc động, mà còn có tác dụng thức tỉnh bạn đọc về vai trò làm cha mẹ, về sự thấu hiểu và yêu thương trẻ em thật sự, đúng cách.

Nói về thành công trong vai trò thu hút bạn đọc, tôi không phủ nhận rằng tôi biết cách tạo thương hiệu, đặc biệt là sử dụng các tiện ích của công nghệ thông tin cho việc đó. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, việc tạo thương hiệu, dù với bất cứ sản phẩm nào thì việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là tạo chất lượng tốt cho sản phẩm của bạn.

Nếu bạn có sản phẩm tốt, thì việc bạn quảng bá nó có lợi cho bạn và cũng có lợi cho mọi người. Nhờ những cuốn sách hay mà tôi có thể tự học, và có một công việc mà tôi yêu thích, trở thành một người (có thể gọi là) thành công.

Hiểu được ý nghĩa và giá trị của những cuốn sách hay đối với quá trình trưởng thành của một con người nên tôi mong muốn xã hội ta càng ngày càng có nhiều người đọc sách, nhất là những cháu nhỏ.

Việc quảng bá những cuốn sách hay của tôi, bắt nguồn từ mong muốn đó. Tôi không chỉ tích cực giới thiệu các cuốn sách hay do tôi dịch, mà còn giới thiệu tới độc giả nhiều cuốn sách hay của các tác giả, dịch giả khác để bạn đọc được tiếp cận với những sản phẩm văn hóa chất lượng cao.

- Nhiều người gọi chị là “dịch giả 30kg”, nhưng sức làm việc của chị ngang ngửa, thậm chí hơn cả người khỏe mạnh. Chị có bí quyết gì không?

- Tôi đã vài lần trải nghiệm cảm giác “chỉ còn vài ngày để sống”, vậy nên tôi rất quý thời gian của mình và tôi muốn dùng nó vào những việc có ý nghĩa, ít quan tâm đến những chuyện tầm phào.

Do quá trình giáo dục của tôi chủ yếu là tự học nên tôi đã rèn cho mình khả năng tập trung cao độ cho những việc quan trọng. Sự chăm chỉ và chịu khó cũng là một món quà mà hoàn cảnh đặc biệt đã khích lệ tôi rèn luyện được.

Tôi nghĩ tất cả những yếu tố đó đã giúp tôi có hiệu suất cao trong lao động. Tôi tự gọi mình là “người thợ cày”, và điều đó có nghĩa là công việc tôi làm không phải là việc nhẹ nhàng, và nó không dung chứa sự lười biếng.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan ký tặng sách trong buổi ra mắt tác phẩm dịch 'Sống mãnh liệt'. Ảnh: NVCC

Điềm tĩnh đón nhận, tận hưởng hiện tại

- Trên trang Facebook cá nhân, chị chọn hình đại diện cùng dòng chữ “Không gục ngã” - cũng là tên tự truyện xuất bản năm 2012, nhưng chị có bao giờ ngã lòng?

- Có chứ! Hồi mới biết mình mắc bệnh nan y tôi tưởng mình gục ngã thật sự. Nhưng dần dần sau hơn ba thập kỷ sống chung với căn bệnh và những khó khăn mà nó mang đến tôi trở nên lạc quan hơn rất nhiều. Từ lâu rồi tôi điềm tĩnh đón nhận bất cứ điều gì phải đến, và sống theo cách tận hưởng hiện tại hết mức có thể.

Dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan đã có 58 tác phẩm dịch và 4 tác phẩm sáng tác đã xuất bản. Ảnh: NVCC

- Cùng với việc dịch thuật và sáng tác, chị còn được biết tới trong vai trò khuyến đọc uy tín, ở đâu có sự hiện diện của chị thì ở đó đã đủ ý nghĩa tình yêu với sách. Thế nhưng hiện nay, đa số khá thờ ơ với sách thì làm sao có thể chấn hưng văn hóa đọc?

- Tôi nghĩ không có con đường nào tiến lên văn minh, tiến bộ mà không cần nâng cao dân trí. Và cách rẻ nhất, dễ tiếp cận nhất để nâng cao dân trí là đọc sách.

Một xã hội có nhiều tỉ phú, nhưng đường sá nhếch nhác, rác rưởi, người người đối xử với nhau thô lỗ, tàn nhẫn thì đó cũng không phải là một xã hội đáng sống. Mỗi người trưởng thành chúng ta cần làm gương cho con trẻ bằng thái độ coi trọng những cuốn sách hay, rèn cho mình thói quen đọc sách để làm gương cho những đứa trẻ trong gia đình.

Bản thân tôi dù sức khỏe hạn chế, rất bận với công việc của mình, nhưng tối nào tôi cũng dành 30 phút đọc sách cho các bạn nhỏ trong gia đình và nghe các bạn nhỏ đọc các cuốn sách mà tôi lựa chọn cho các cháu.

Những đứa trẻ trong gia đình tôi trước tuổi 15 đều đã được thưởng thức ít nhất hơn 100 tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới và của Việt Nam. Đó cũng là một niềm hạnh phúc của tuổi thơ. Suy cho cùng, một người biết chữ, có đôi mắt sáng mà không đọc sách thì thật đáng tiếc!

- Xin cảm ơn dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan!

Sinh năm 1976 tại Thái Bình, năm 13 tuổi Nguyễn Bích Lan được chẩn đoán mắc căn bệnh nan y loạn dưỡng cơ, phải nghỉ học khi mới kết thúc lớp 8. Tuy nhiên, bằng nghị lực và ý chí mãnh liệt, chị đã tự học tiếng Anh và tất cả những gì có thể để trở thành một người thành công. Ở tuổi 48 Nguyễn Bích Lan vẫn làm việc 9 tiếng mỗi ngày.

Đến nay, chị đã có 58 tác phẩm dịch và 4 tác phẩm sáng tác đã xuất bản. Chị đã hai lần được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào các năm 2010 và 2020 cho các tác phẩm dịch xuất sắc, được trao giải C, giải thưởng Sách quốc gia năm 2020, và được trao giải Nhân tài Đất Việt năm 2018. Chị cũng là 1 trong 8 người phụ nữ đương đại có chân dung được tôn vinh tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Trần Hòa (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-chu-post682591.html