'Người thắng, kẻ thua' sau cuộc tấn công đáp trả của Iran với Israel

Cuộc tấn công đáp trả của Iran giúp Israel tiếp tục nhận được sự hỗ trợ chính trị và quân sự từ phương Tây cũng như đảm bảo sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Trung Đông.

Người dân xếp hàng chờ mua bánh mỳ tại thành phố Gaza ngày 14/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Burak Elmalı thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thế giới TRT nhận định với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 18/4, cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel là lần đầu tiên Tehran nhắm mục tiêu trực tiếp vào Israel mà không cần nhờ đến các lực lượng ủy nhiệm của họ trong khu vực, đồng thời làm bộc lộ rõ "người thắng và kẻ thua" từ hành động này.

Nhà nghiên cứu Elmalı cho rằng bên hưởng lợi lớn nhất trong động thái này là Israel, đặc biệt là Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ông Netanyahu đã khiến nhiều người ủng hộ ông trong giới chính trị phương Tây tức giận trong những tuần gần đây liên quan đến thương vong dân sự ở Dải Gaza. Nhưng cuộc tấn công của Iran tạo cơ hội cho Israel để phương Tây tiếp tục hỗ trợ Tel Aviv về mặt quân sự và chính trị, cũng như sự hiện diện liên tục của Mỹ.

Mặc dù cuộc đáp trả của Iran một phần là phản ứng trước cuộc tấn công của Israel vào Gaza, nhưng điều đó cũng tạo ra những lý do để Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, bất chấp những tuyên bố gần dây về việc họ rút khỏi Trung Đông, vốn được nhiều cử tri Mỹ ủng hộ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.

Chính quyền Iran cũng là bên hưởng lợi qua việc khôi phục được uy tín đối với công chúng trong nước và trong mắt những người có cảm tình với họ ở Trung Đông. Nếu Iran không trả đũa cuộc tấn công lãnh sự quán ở Syria, hoặc phủ nhận nó bằng một vài cuộc tấn công mang tính biểu tượng cao thông qua lực lượng Hezbollah nhằm vào miền bắc Israel, thì uy tín của Tehran sẽ bị nghi ngờ và lời biện minh là “tránh căng thẳng khu vực” sẽ không có tác dụng.

Với hành động đáp trả vào cuối tuần trước, Tehran đã củng cố hình ảnh của mình như một nhân tố có khả năng tấn công trực tiếp vào Israel, điều mà chỉ có Tổng thống Iraq Saddam Hussein trước đây từng làm trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Hơn nữa, trong tuyên bố của mình, Iran đã đề cập đến Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và nhắc lại rằng hành động trả đũa là để đáp trả vụ tấn công lãnh sự quán của họ. Iran đã thực hiện cam kết tránh leo thang chiến tranh lan rộng ngoài Gaza như đã hứa với Mỹ trong những tuần sau ngày 7/10 năm ngoái. Vì vậy, Iran đặt động thái của mình bên ngoài cuộc xung đột Israel - Hamas và nhấn mạnh rằng hành động trả đũa nên được nhìn nhận theo cách này.

Nhưng điều này đi kèm với việc những thường dân bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza trở thành bên thua cuộc. Nhà nghiên cứu Elmalı nhận định: Khả năng Israel trả đũa nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran đang đặt ra câu hỏi và suy đoán về cách Iran sẽ phản ứng trước các cuộc tấn công như vậy hoặc làm thế nào nước này sẽ duy trì ảnh hưởng trong khu vực thông qua các lực lượng ủy nhiệm ở Syria và Iraq. Những cuộc thảo luận về các vấn đề này sẽ thu hút sự tập trung vào Gaza sang một vấn đề khác, cơ làm giảm sự chú ý của dư luận phương Tây về thương vong dân sự và nhân đạo ở Gaza.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo aa.com.tr)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguoi-thangke-thua-sau-cuoc-tan-cong-dap-tra-cua-iran-voi-israel-20240419070037485.htm