Người phụ trách Xưởng Dược tại căn cứ cách mạng Krong

Biết mục đích đến thăm của chúng tôi, bà Văn Thị Sáu (trú tại số 430 Nguyễn Thái Học, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) rất vui mừng. Trò chuyện cùng chúng tôi, nữ dược sĩ của Xưởng Dược tỉnh Gia Lai trong những năm kháng chiến chống Mỹ bồi hồi kể lại chuyện xưa.

Bà Sáu hồi nhớ: “Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Dược Hà Nội, năm 1966, tôi được Bộ Y tế cử vào miền Nam phục vụ chiến đấu. Đoàn chúng tôi khoảng 20 người. Chúng tôi đi suốt trong 3 tháng từ Hà Nội đến căn cứ y tế Khu 5. Từ đó, các thành viên trong đoàn được phân công đi các tỉnh khác nhau, riêng tôi được phân công về Gia Lai. Khi đến căn cứ, tôi được bác sĩ Lê Tính (Luật)-Trưởng ban Dân y tỉnh nhận và phân về công tác tại bộ phận dược.

Đến năm 1967, Ban Dân y tỉnh được tổ chức thành 5 bộ phận gồm: văn phòng, bệnh xá, bộ phận dược, trường huấn luyện, đội lưu động. Bộ phận dược lúc này gồm cả kho và xưởng sản xuất với 17 người (1 dược cao, 4 dược trung, 6 dược tá, 6 dược công và 10 nhân viên vận chuyển và phục vụ) do dược sĩ Xuân phụ trách. Từ khi dược sĩ Xuân đi phía trước thì tôi phụ trách”.

Bà Văn Thị Sáu (ảnh gia đình nhân vật cung cấp).

Tháng 7-1969, Xưởng Dược chính thức đi vào sản xuất. Được sự tin tưởng của cấp trên, bà Sáu được phân công làm Xưởng trưởng. Lúc này, ngoài việc được bổ sung người từ miền Bắc vào, Xưởng Dược còn được trang bị dụng cụ phục vụ chế biến như: thuyền tán, thiết bị hàn xì của thợ vàng, cân tiểu ly và thúng lắc. Dù đây chưa phải là thiết bị hiện đại, nhưng trong hoàn cảnh chiến trường lúc đó, chứng tỏ ngành dược của ta đã có nhiều tiến bộ. Cùng với đó, kỹ thuật làm thuốc cũng có nhiều cải tiến, từ in viên thuốc bằng vỏ đạn, chuyển sang dập một số viên tròng bằng thúng lắc; từ chỗ chỉ dùng thuốc thành phẩm từ miền Bắc đưa vào, Xưởng Dược đã sản xuất được nước đóng lọ Penicillin.

Hóa chất để sản xuất dược được nhận tại Quảng Nam gồm: Natri, B1, Vitamin C, dung dịch sát khuẩn… Cứ khoảng 3 tháng, Xưởng trưởng lại cử 2 cán bộ ra Khu 5 xin cấp 1 lần. Việc dùng thuốc, hóa chất phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Để chủ động thêm nguồn dược liệu tại chỗ, anh em cũng nghiên cứu thêm một số loại cây thuốc có tại chỗ. Khi có thời gian rảnh, một số ở lại chăm sóc thương binh kèm tăng gia sản xuất, một số đi khai thác dược liệu. Có lần phải đi xuống tận Đà Nẵng hái sâm, hay vào rừng hái các loại cây như: dạ cẩm, thạch xương bồ, quyển bá, rễ đa đa…

Bên cạnh đó, xưởng còn phối hợp cùng với các ban, ngành và người dân địa phương nghiên cứu thực địa sưu tầm và vẽ được bản đồ cây dược liệu. Những dược liệu chủ yếu được thể hiện trên bản đồ là Quinquina ở vùng Mang Yang, Alongtrơng (hoàng đằng), dền, vỏ sữa, sâm bố chánh… Bản đồ dược liệu này về sau được kỹ sư Vũ Đức Minh khảo sát thêm ở vùng Bắc đường 19 để bổ sung, hoàn chỉnh.

Theo bà Sáu, việc thu hái dược liệu trong rừng rất khó khăn, không ít lần anh em trong Xưởng Dược gặp nguy hiểm. “Tôi nhớ có lần dược tá Nguyễn Tấn Đức đi lấy sâm không may gặp địch càn. Nhờ nhanh nhẹn, anh tránh được vòng vây của địch nhưng khi về thì lại gặp nước lũ đầu nguồn đổ về đột ngột, anh phải buộc mình trên cây cao để tránh lũ và thú dữ. Dù gặp khó khăn, nguy hiểm đến vậy, anh Đức vẫn kiên trì mang cho bằng được gùi sâm khô về căn cứ an toàn”-bà Sáu nhắc nhớ.

Cùng với bản đồ dược liệu, trong những năm 1968-1969, Ban Dân y tỉnh cũng đã nghiên cứu và lập được bản đồ dịch của tỉnh. Bản đồ đã xác định được các loại dịch, thời gian, những vùng thường xảy ra các loại dịch cũng như nguyên nhân. Qua bản đồ này, tỉnh xây dựng được kế hoạch vận động Nhân dân vệ sinh phòng dịch hiệu quả hơn.

Từ thực tế những căn bệnh thường gặp mà chưa có thuốc đặc trị, bản thân bà Sáu cũng đã tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu 2 đề tài về cây ngải rợm điều trị kinh nguyệt cho phụ nữ và cây hoàng đằng điều trị tiêu chảy. Năm 1976, sau khi chuyển công tác về Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định) giữ chức Giám đốc Công ty Dược liệu miền Trung, bà Sáu cùng với các đồng nghiệp bổ sung đề tài, đi sâu nghiên cứu tìm hiểu thêm về thành phần, công dụng, cách thức, cách điều chế thuốc điều trị tiêu chảy nhằm sử dụng thuốc hiệu quả hơn trong thực tế. Đề tài này đã được Viện Dược liệu cấp chứng nhận cho Xí nghiệp Dược liệu Bình Định để sản xuất và phân phối rộng rãi. Năm 1978, bà Sáu là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Công ty Dược tỉnh Bình Định. Đến năm 1996, bà nghỉ hưu theo chế độ.

Với những đóng góp của mình cho công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bà Văn Thị Sáu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba và nhiều phần thưởng khác.

HOÀNG LIÊN

PHẠM THUẬN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguoi-phu-trach-xuong-duoc-tai-can-cu-cach-mang-krong-post248980.html