Người mở rộng cõi trần gian

Tôi quen biết Nguyễn Hải Yến từ năm 2018 trong một trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và rất ấn tượng với một truyện ngắn đậm chất hư cấu của Yến. Khi ấy, khác với quan điểm của một số người, tôi cho rằng dám hư cấu những cái chưa từng xảy ra nhưng vẫn làm người đọc công nhận, đó mới là tầm vóc sự sáng tạo và tư duy của nhà văn đích thực.

Quả nhiên truyện ngắn đó được giải cao trong một cuộc thi khác cùng với “Hoa gạo đáy hồ” ảo thực hai bờ kể về sự kết nối âm dương. Và cũng từ đấy, Nguyễn Hải Yến được mệnh danh là “người đàn bà kể chuyện ma vùng đồng bằng Bắc Bộ”.

Lần này, đọc tiểu thuyết “Chuyến xe đi giữa sương mù” của Nguyễn Hải Yến tôi nhận ra cuốn sách là sự tiếp nối tư duy sáng tạo của “người đàn bà kể chuyện ma”. Chuyện kể về cuộc sống của những người đã chết trên chốn trần gian tiếp tục sống dưới địa phủ để trả nghiệp và đợi đến lúc luân hồi. Đó là một cộng đồng sống thuận hòa, không hận thù, làm việc chăm chỉ nhưng vẫn gặp đầy rẫy sự oái oăm đến cười ra nước mắt mà nguyên nhân của nó lại từ trần gian đưa xuống. Đỉnh điểm là việc những người dân dưới địa phủ xót xa xử lý hậu quả đại dịch COVID -19 và hai cuộc tự điều tra để giải oan cho mình, tố cáo những kẻ đội lốt thầy tu ở chùa “Tam Hoàng” làm tiền thỉnh vong “oan gia trái chủ”.

Nhà văn Nguyễn Hải Yến.

Viết về địa phủ, Nguyễn Hải Yến không sử dụng không gian đã định sẵn được ghi trong kinh sách, truyền thuyết mà khám phá một lối đi riêng, là xây dựng ra một cõi âm “Nam Bình Phủ” có nhiều điểm rất khác.

Đó là một nhà nước, một phủ riêng với 5 trấn nhỏ gọi theo ngũ hành Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Đó là cõi thật, có không gian thật, cách mặt đất chúng ta đang sống chỉ “hơn mười ngàn mét”. Nơi ấy không có mặt trời nhưng được chiếu sáng bằng năng lượng, tùy theo sự tu tập của mỗi người và bằng động cơ điện như thủy điện... Âm phủ có thời gian đồng nhất với thời gian trên trần thế. Cũng có ngày và đêm, có Vọng Dương Đài để nhìn về trần gian tựa như ta có kính thiên văn để nhìn lên vũ trụ.

Người âm phủ sẽ không chết một lần nào nữa, nhưng cuộc sống mỗi người dưới âm phủ hữu hạn, họ sẽ luân hồi khi trả nghiệp xong. Để sống và trả nghiệp thì phải lao động, để có công điểm đổi lấy cái ăn. Ở đấy có những địa danh gắn với các chức năng riêng biệt phù hợp với sinh hoạt và lao động để trả nghiệp trần gian. Mỗi người chết, khi xuống đến trạm dừng chân Vong Xuyên, chuẩn bị qua sông vào đất Nam Bình Phủ phải đeo trên cổ hai cái lọ đựng nước mắt dương gian khóc người âm thế. Nước mắt yêu thương thì rất nhẹ nhưng oán hận lại rất nặng. Họ phải sống, lao động và yêu thương cho đến khi oán hận cạn dần. Và đến lúc chuyển sinh sẽ để lại hai lọ nước mắt ấy đã hóa ngọc soi sáng cho địa phủ muôn đời.

Âm phủ là nơi xuống dễ, lên khó, mọi việc theo một chiều từ trên trần gian xuống âm phủ, không (hoặc có rất ít trong các trường hợp đặc biệt) chiều ngược lại. Có lẽ đây là tiền đề mấu chốt cho những tình huống dở khóc dở cười mà tác giả đã dụng công. “Mỗi người từ dương gian chết xuống mới chỉ đi được nửa vòng đời, đấy là cõi tạm, là sống gửi. Chết xuống dưới đây đi nốt nửa vòng còn lại, mới là thác về. Mọi nợ nần, ân oán trên kia gieo thì xuống đây gặt xong mới chuyển sinh được sang kiếp khác”. Vậy có thể khẳng định cõi địa phủ là cõi trần gian được mở rộng một cách rất cụ thể. Những ái ố hỷ nộ rất thực và những hệ lụy rất đời.

Bây giờ chúng ta cùng quay trở lại với câu chuyện chuyến xe 07 với 5 người gồm 4 hành khách và một lái xe. Thoạt tiên chắc chắn người đọc sẽ tưởng rằng đây một chuyến xe ghép. Suốt cả chặng đón khách, những người lên xe cũng bình thường với những chi tiết như ta thường gặp nhưng ngờ ngợ một chút ma mị. Và đến khi ta hiểu ra đây là một chuyến xe chở người đã chết nơi trần gian đến địa phủ thì cảm giác hơi rợn một chút nhưng không hề ngạc nhiên. Thực mà hư, hư mà thực, người đọc đằm mình vào cái mịt mờ, lạnh lẽo của câu chuyện mà tin là thật. Đây là tài kể và tả của người viết.

Nhưng cuốn tiểu thuyết không chỉ tập trung cho 5 nhân vật này. Từ chương hai trở đi 5 nhân vật hòa trộn với các nhân vật khác để người đọc thấy được cuộc sống nơi Nam Bình Phủ. Đấy là một cộng đồng nhiều thế hệ từ cụ kỵ đến cháu chắt, có người đã cả nghìn năm dưới âm phủ như Tổng Trấn... Dù vậy nhưng người ta bình đẳng yêu thương tôn trọng nhau. Những kẻ có tội như lão Vàng Dưa cũng chẳng khiến người ta nỡ hắt hủi. Người dưới cõi âm lúc nào cũng đau đáu nhớ về người thân trên trần thế, xót xa cho người thân trước mọi biến cố trần gian. Lo lắng cho người nhà bị mất tiền với bọn quỷ ma nơi trần thế như đám ma tăng chùa Tam Hoàng. Lo nhưng không làm gì được vì luật chỉ cho người trần gửi xuống âm chứ người âm không thể gửi lên cho người đang sống.

Nhưng người trên trần hoặc vì quá ích kỷ, hoặc vì quá yêu thương người đã khuất mà vô tình lạc vào cõi u mê, dính phải những cạm bẫy của những kẻ buôn thần bán thánh. Họ cúng tiến vàng mã, họ cầu hồn, họ giải nghiệp áp vong oan gia trái chủ. Thành thử người cõi âm lại gánh thêm nghiệp chướng do người thân của họ gây ra.

Và cái luật trên có quyền đưa xuống nhưng dưới không có quyền đưa lên rất mất dân chủ ấy sinh ra nhiều sự oái oăm hệ lụy khiến người âm dở khóc dở cười. Ngoài việc phải làm lụng để giải nghiệp thì người âm tự nhiên gánh thêm nghiệp nuôi mã trần gian gửi xuống. Vì là hàng một chiều, không thể trả lại nên người nhận phải lăn lưng ra làm để nuôi mã, phải lo chỗ ở, lo ăn uống, chăn dắt, lo học lái xe, lái máy bay và chờ cho đám mã ấy đủ ngày giờ địa phủ hóa lại thành giấy.

Ngay cả vị Tổng Trấn đạo cao đức trọng đã định cư âm phủ cả nghìn năm cũng phải nhận hàng đống mã trên trần gửi xuống nhân một dịp hội làng. Bậc Trưởng thượng cõi âm bất lực “đứng như chết rồi giữa đám voi chầu hổ phục… giữa trùng trùng lính trận quát ầm lên bảo ban tổ chức là những thằng nào, bắt chúng nó xuống đây chăn mã hết”, “phía xa xa bãi chăn thả Nam Bình nơi các cụ ông cụ bà miệt mài cắt cỏ, hốt phân lồng trong tiếng chửi réo rắt “cha vạn đời tổ chúng nó chứ…” là một trong nhiều chi tiết cười ra nước mắt.

Bìa cuốn “Chuyến xe đi giữa sương mù” của Nguyễn Hải Yến.

Dụng công xây dựng một mô hình địa phủ rất thực như vậy nên tác giả triển khai được nhiều chi tiết liên hệ có giá trị tố cáo kẻ tham nhũng, vô ơn như lão Vàng Dưa, tố cáo sự huênh hoang lọc lừa và vô cảm trong đại dịch nơi trần thế và nhất là bọn ma tăng chùa Tam Hoàng làm tiền bằng thủ đoạn áp vong “oan gia trái chủ” ...

Một điều khá đặc biệt là bên cạnh những đoạn miêu tả rất ám ảnh của “Chuyến xe đi giữa sương mù” chúng ta được thấy không khí sôi động qua sinh hoạt của người địa phủ. Sự việc nối tiếp sự việc, chi tiết đan cài và liên kết giữa các chương của tiểu thuyết một cách logic, nhân vật hành động, nhịp truyện khá nhanh như phóng sự là điều rất lạ, rất mới của một cây bút nữ. Với giọng văn khoáng hoạt pha chút giễu cợt hài hước, người đọc vừa đọc vừa mủm mỉm với những chi tiết, những hành động, những lời thoại vừa tươi tắn, dân dã đậm chất trào lộng. Cõi âm lạnh lẽo tự nhiên sáng lên đầy sôi động ấm áp.

Tuy nhiên do tác giả chỉ quan tâm sự việc, không có trục nhân vật xuyên suốt tiểu thuyết được khai thác tâm lý nên với một hệ thống nhân vật đông đảo và đa dạng của cả cõi người (âm và trần) thì không phải ai cũng nắm được rõ ràng tính cách nhân vật một cách thấu đáo.

Gấp cuốn sách lại tôi chợt nhận ra mọi tội lỗi trên đời đều theo đúng luật nhân quả. “Chuyến xe đi giữa sương mù” của Nguyễn Hải Yến như là một thông điệp gửi đến người trần gian rằng đang có một Nam Bình Phủ sâu hơn mười ngàn mét ngay dưới chân ta. Đó là nơi xuống dễ, lên khó; xuống an nhiên, lên yêu thương để lại. Nơi ấy vốn có ngày có đêm nhưng không có mặt trời. Nơi ấy đang cần những yêu thương hóa ngọc để soi sáng. Có được điều ấy hay không phụ thuộc vào tất cả những gì ta đang làm trên trần thế hôm nay.

Nam Định, Tháng 3/2024

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguoi-mo-rong-coi-tran-gian-i729991/