Người Hoa tại Đông Nam Á đón Tết tằn tiện vì thực phẩm đắt đỏ

Tết Nguyên đán thường là một lễ hội biểu thị sự sung túc và đủ đầy. Nhưng bước vào năm thứ ba của đại dịch Covid-19, giá thực phẩm trở nên đắt đỏ trên toàn cầu do nguyên nhân tắc nghẽn chuỗi cung ứng, mùa màng thất bát và giá năng lượng tăng cao. Do vậy, các gia đình người gốc Hoa khắp Đông Nam Á, từ Thái Lan cho đến Singapore, đang có xu hướng cắt giảm chi phí thực phẩm trong Tết Nhâm Dần này.

Người dân mua sắm ở một cửa hàng bán đồ trang trí Tết ở bang Selangor, Malaysia. Ảnh: Xinhua

Malaysia: Chi phí tiệc Tết tốn kém hơn

Tại Malaysia, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một gia đình 7 người có thể chuẩn bị bữa ăn sum họp tương đối thịnh soạn vào dịp Tết Nguyên đán với chi phí 700 ringgit (khoảng 165 đô la Mỹ, khoảng gần 4 triệu đồng). Nhưng Tết Nhâm Dần này, vợ chồng anh Andrew Wong, một người Malaysia gốc Hoa sẽ phải chi thêm khoảng 1/3 con số đó mới có được một bữa tiệc tươm tất.

Andrew Wong cho biết ngay cả đối với món rau, vốn có chi phí rẻ nhất trên bàn ăn, cũng tốn kém một khoản không nhỏ. Vị chuyên gia làm việc trong ngành y tế 34 tuổi này đã chia sẻ: “Năm ngoái, bạn có thể mua nguyên quả bắp cải với giá 4,5 ringgit (1 đô la Mỹ), nhưng bây giờ nó đã tăng giá gấp đôi”.

Trên khắp Malaysia, hàng triệu người dân đang cảm thấy sức ép khi giá thực phẩm cứ liên tục tăng kể từ khi đại dịch xảy ra vào năm 2020. Theo bảng giá chính thức của Cơ quan Tiếp thị nông nghiệp liên bang Malaysia, một con gà có giá đến 9 ringgit (2,14 đô la)/kg, và hành tím là 16 ringgit (3,8 đô la)/kg. Năm 2019, giá thịt gà và hành tím đều ở mức khoảng 7,5 ringgit/kg.

Để cắt giảm chi phí, gia đình anh Andrew Wong sử dụng lại đồ trang trí từ những năm trước và không mua quần áo mới. Họ cũng không mua bất kỳ vật dụng mới nào cho ngôi nhà trong năm nay.

Trong khi đó, Chong Chi Howe, một thầy thuốc chữa bệnh xương khớp theo y học cổ truyền Trung Quốc, 27 tuổi, cho biết gia đình anh đã phải tạm dừng mua sắm để tiết kiệm tiền và cũng tránh đám đông trong dịp Tết Nguyên đán này khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan.

“Chúng tôi cũng sẽ nấu ăn ở nhà trong dịp Tết năm nay vì ăn ở ngoài chỉ khiến chúng tôi tiếp xúc với Covid-19”, Chong Chi Howe nói và cho biết thêm, năm nay không mời khách nên chi phí ăn uống trong năm mới sẽ giảm đi một nửa.

Andrew Wong chia sẻ Tết Nguyên đán năm nay đối với anh “chỉ là một ngày giống bao ngày khác”. Anh than thở: “Giá cả hàng hóa đang tăng nhưng lương của chúng tôi vẫn như cũ”.

Tháng 12 năm ngoái, Malaysia trải qua trận lụt tồi tệ nhất kể từ năm 2014, khiến các vùng trồng rau bị thiệt hại nặng nề, dẫn đến chi phí nguyên liệu của các món ăn tăng mạnh.

Bà Ann Tang và chồng ở Singapore mua sắm các loại thực phẩm rẻ hơn để chuẩn bị cho các bữa tiệc Tết. Ảnh: SCMP

Singapore: Giảm chi phí ăn uống dịp Tết vì lạm phát

Singappre, nơi có gần 75% trong tổng dân số 4 triệu người dân (công dân và thường trú nhân) là người gốc Hoa, giá của một số mặt hàng thực phẩm như cá tươi và thịt heo nướng hun khói thường tăng trong mùa Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, năm nay, người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tác động kép của xu hướng tăng giá theo mùa và lạm phát thực phẩm.

Đối với bà Ann Tang, 64 tuổi, một cựu nhân viên ngân hàng về hưu, điều này khiến bà phải cắt giảm chi phí bữa ăn đoàn tụ gia đình bằng cách mua những thực phẩm rẻ hơn.

Bà chia sẻ: “Những mùa Tết trước đây, chúng tôi thường mua nhiều loại thực phẩm để cầu may và mang những ý nghĩa khác. Tết Nguyên đán năm nay, tôi sẽ không mua mặt hàng cá thác lác nữa, còn đối với bào ngư đóng hộp, tôi sẽ cắt giảm từ hai hộp, xuống còn một hộp”.

Các nhà cung cấp thực phẩm tăng giá bán vì những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn dự trữ do tác động của đại dịch. Ngay cả những quả cam mà bà Ann Tang thường mua ở siêu thị, hiện có giá bán đến 2,95 đô la Singapore (2,18 đô la Mỹ) cho 5 quả thay vì 2,45 đô la Singapore như trước đây. Bà ước tính giá cả thực phẩm nói chung sẽ tăng 10-15% trong dịp Tết Nguyên đán này so với trước đại dịch.

Tờ nhật báo Straits Times của Singapore cho biết giá các loại cá tươi phổ biến như cá chim và cá lăng đã tăng gấp đôi so với tháng 11.

Chỉ số giá tiêu dùng của Singapore trong tháng 12 năm ngoái tăng 4% so với cùng kỳ của năm 2020. Tuần trước, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore bất ngờ quyết địnhh thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm rủi ro lạm phát.

Song Seng Wun, nhà kinh tế của bộ phận dịch vụ cá nhân cao cấp thuộc Ngân hàng CIMB, cho biết Singapore dễ bị ảnh hưởng bởi giá thị trường của các mặt thực phẩm vì 90% nguồn cung thực phẩm của đảo quốc này phụ thuộc vào nhập khẩu. Nhưng vấn đề hiện nay là giá cả thực phẩm tăng khắp toàn cầu.

Trong khi các gia đình có thu nhập trung bình như bà Ann Tang có thể đối phó bằng cách cắt giảm bớt chi phí ăn uống dịp Tết Nguyên đán, các chuyên gia cho biết đây là điều khó khăn đối với các gia đình có thu nhập thấp.

Chuyên gia về an ninh lương thực Paul Teng của Trung tâm Nghiên cứu an ninh phi truyền thống tại trường Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) cho biết các hộ gia đình có thu nhập bị ảnh hưởng lớn hơn trong bất cứ đợt tăng giá thực phẩm nào vì họ dành một tỷ lệ cao hơn trong thu nhập để mua thực phẩm.

Gia đình Meryta Lin, một phụ nữ nội trợ người Malaysia gốc Indonesia, chi tiêu dè sẻn trong dịp Tết Nguyên đán này vì giá thực phẩm tăng cao. Ảnh: SCMP

Người Hoa ở Indonesia dè sẻn chi tiêu

Đối với Meryta Lin, một phụ nữ nội trợ gốc Hoa, 33 tuổi, giá thực phẩm tăng cao ở thành phố quê hương Pangkal Pinang đồng nghĩa với việc cô cùng chồng và hai con nhỏ phải thưởng thức món pempek bangka (một loại bánh cá địa phương) ít thường xuyên hơn. Cô cho biết gần đây, giá chai dầu ăn hai lít ở Pangkal Pinang đã tăng lên khoảng 50.000 rupiah (3 đô la ) từ mức 30.000 rupiah. Giá bình gas 12 kg cũng tăng từ 150.000 rupiah lên 185.000 rupiah mỗi bình, trong khi đó, trứng gà đang có giá 2.200 rupiah/quả, thay vì 1.400 rupiah như trước đây.

Giá cả tăng khiến những người gốc Hoa như Meryta Lin phải dè sẻn chi tiêu trước thềm Tết Nguyên đán. Cô đã giảm bớt các món chiên và cũng giảm đến tiệm làm tóc, để có thể phân bổ thêm tiền mua đồ ăn. Tuy nhiên, chi phí thức ăn cao hơn không phải là vấn đề duy nhất của gia đình Lin. Đà tăng của số ca nhiễm Omicron ở Indonesia khiến gia đình bốn người của cô quyết định sẽ ăn tối ở nhà vào đêm Giao thừa trong năm thứ hai liên tiếp.

Khoảng 7 triệu trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia là người gốc Hoa. Với tổng số ca nhiễm Covid-19 hơn 4,3 triệu người gồm 144.000 ca tử vong, Indonesia là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở Đông Nam Á.

Thịt heo đắt đỏ ảnh hưởng đến Tết của người Hoa ở Thái Lan

Khoảng 15% dân số Thái Lan được cho là hậu duệ của những người Trung Quốc đến Thái Lan định cư vào đầu thế kỷ 19. Do đó, các lễ truyền thống Trung Quốc như Tết Nguyên đán đã ăn sâu trong xã hội Thái Lan.

Do giá cả thực phẩm tăng và đặc biệt là giá thịt heo tăng lên mức cao kỷ lục ở Thái Lan, Naris Wasinanon, Giám đốc Viện Khổng Tử về y học cổ truyền Trung Quốc ở tỉnh Samut Prakan (Thái Lan) quyết định chi tiêu thực dụng hơn trong dịp Tết Nhâm Dần.

Ông muốn chi tiêu dưới 1.000 baht (30 đô la) cho các mâm cúng trong dịp Tết nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ tinh thần truyền thống. Các gia đình gốc Hoa ở Thái Lan thường sử dụng nhiều loại thịt, trái cây và các món tráng miệng cho mâm cúng vì thức ăn biểu thị sự sung túc. “Buổi khấn cúng cần từ 3-5 loại thịt, một số loại trái cây và đồ tráng miệng. Nghi thức cúng yêu cầu chúng tôi phải cầu nguyện với trời, đất và nước, vì vậy, tôi có thể sẽ chọn 3 loại thịt đại diện cho 3 ba yếu tố này và một vài loại đồ ngọt”.

Aat Pisarnwanich, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế tại trường Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết sức ép lạm phát dự kiến làm giảm sức chi tiêu của người dân ít nhất 30% trong Tết Nguyên đán 2022 so với Tết năm ngoái.

Mùa Tết Nguyên đán này ở Thái Lan bị ảnh hưởng bởi giá thịt heo cao kỷ lục, tăng gần 80% trong 6 tháng. Tính đến ngày 20-1, giá thịt heo đạt mức 230 baht (6,90 đô la)/kg, tăng từ mức 130 baht vào đầu tháng 6 năm ngoái, theo Kasetprice, một trang web giám sát giá cả hàng hóa nông nghiệp của Thái Lan.

Theo ông Aat Pisarnwanich, giá thịt heo thậm chí sẽ cao hơn vào những ngày giáp Tết do nhu cầu tăng mạnh. “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá thịt heo ở Thái Lan đạt hơn 200 baht/kg”.

Trong khi đó, Naris cho biết thịt heo là một phần quan trọng của các mâm cúng ngày Tết. Ông nói: “Vì vậy, tôi sẽ mua một miếng thịt ba rọi. Tôi cũng sẽ mua một con vịt luộc với giá 400 baht và một con mực với giá 100 baht. Những người khác có thể chọn gà quay với giá khoảng 100 baht, thay vì mua vịt luộc.

Theo South China Morning Post

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguoi-hoa-tai-dong-nam-a-don-tet-tan-tien-vi-thuc-pham-dat-do/