Người dũng sĩ đồi Charlie

Đồi Charlie (đồi Sác Li) - điểm cao 1015 là địa danh nằm tiếp giáp giữa 3 huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi, thuộc tỉnh Kon Tum. Đây là địa điểm có vị trí vô cùng quan trọng để kiểm soát khu vực. Và trận đánh của bộ đội ta để giành lấy điểm cao này năm 1972 vẫn luôn gọi tên anh Đàm Vũ Hiệp, người tiểu đoàn trưởng hi sinh trong trận đánh khi vừa mới 22 tuổi 9 tháng, tròn 5 tuổi quân.

Đàm Vũ Hiệp, hàng đầu, thứ 3 từ phải sang chụp ảnh chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị mừng công sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào. (Ảnh: Tác giả bài viết cung cấp)

Đàm Vũ Hiệp, hàng đầu, thứ 3 từ phải sang chụp ảnh chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị mừng công sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào. (Ảnh: Tác giả bài viết cung cấp)

Đàm Vũ Hiệp là con trai độc nhất trong một gia đình thuần nông ở xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội).

Tháng 3/1967, mặc dù không ở trong diện nhập ngũ, nhưng lớp trưởng Đàm Vũ Hiệp của trường cấp 3 Phúc Thọ, Hà Tây vẫn làm đơn tình nguyện lên đường chiến đấu, nhập ngũ vào Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A.

Lần đầu tiên Đàm Vũ Hiệp tham gia chiến đấu là chiến dịch Đường 9-Bắc Quảng Trị, mùa xuân 1968. Trong chiến dịch này, anh đã lập công xuất sắc và trưởng thành từ chiến sĩ lên đại đội phó. Trận đánh tiêu biểu của Đàm Vũ Hiệp là trận luồn sâu chốt chặn Ngã tư Sòng, khi anh chỉ huy trung đội giữ chốt, tiêu diệt một xe tăng và nhiều tên địch.

Lần thứ hai hành quân vào chiến trường tham gia chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, anh là đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8.

Ngày 24/2/1971, anh và đồng đội đã vây lấn liên tục 4 ngày đêm ở Căn cứ 31, cùng tiểu đoàn bạn tiêu diệt hoàn toàn căn cứ này, bắt sống Đại tá Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn dù 3-Nguyễn Văn Thọ.

Sau chiến dịch, Đàm Vũ Hiệp được đề bạt Tiểu đoàn phó, được bầu là điển hình đi dự Hội nghị tổng kết chiến dịch và mừng công tại Bố Trạch, Quảng Bình, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen thưởng.

Trận đánh tiêu diệt điểm cao 1015 (Điểm cao Charlie-Sác li) là sự kiện ghi dấu chiến công nổi bật tiểu biểu của Đàm Vũ Hiệp. Ngày 7 tháng 12 năm 1971, Trung đoàn 64 đi đầu đội hình Sư đoàn hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Lúc này Đàm Vũ Hiệp là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8.

Hơn hai mươi tuổi, anh đã là Tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn dày dạn kinh nghiệm và khao khát chiến thắng.

Sau hai tháng hành quân trên Trường Sơn, đầu tháng 2/1972, trung đoàn đã đến chiến trường. Nhiệm vụ của Sư đoàn được mặt trận giao cho là phá toang phòng tuyến tây sông Pô Kô, gồm một loạt các điểm cao: 1015, 1088, 966, 838, 1049...trong đó mục tiêu là tiêu diệt 1015 và 1049.

Hiếm có một địa hình hiểm yếu và khó khăn cho tác chiến tấn công như điểm cao 1015 (còn gọi là căn cứ Charlie). Địa điểm này nằm ở phía Tây - Tây Bắc sông Pô Kô và đường số 14, được chia làm 3 mỏm 51, 52, 53. Riêng mỏm 53 có địa hình khá bằng và rộng thấp hơn chia làm 3 điểm nhỏ là M11, M12, M13. Sở chỉ huy của địch đặt ở M11.

Quá trình đưa đội vào tiếp cận, mặc dù bị 8 trận oanh kích, nhưng tiểu đoàn vẫn vượt qua vào ví trí chiến đấu lúc nửa đêm. Để tiếp cận trận địa bộ đội phải vượt qua cả ruộng lầy, nương rẫy, rừng rậm mới vào tới chân núi.

Từ đây là đường dốc, cây cối chung quanh trở nên rậm rạp. Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp đi đầu cùng Đại đội 7 chủ công của đội hình, lúc lại xuất hiện với Đại đội 6, lúc lại động viên anh em hỏa lực và các đơn vị tăng cường.

Bộ đội tiểu đoàn 8 luôn thấy bóng Đàm Vũ Hiệp lên xuống như con thoi để chỉ huy và động viên các đại đội kịp thời xốc lại đội hình tiến lên.

Đúng 6 giờ sáng ngày 12/4/1972, bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh nổ súng. Lập tức trận địa pháo 122 li của ta bắn phá sở chỉ huy địch trên dãy M1.

Phía ta bắn 40 phút rồi chuyển làn kiềm chế trận địa hỏa lực của địch. Lúc này hỏa lực đi cùng trên các hướng tấn công tham gia bắn vào những mục tiêu trước mặt và cửa mở yểm trợ cho việc đột kích cửa mở.

Đàm Vũ Hiệp đưa bộ binh áp sát hàng rào cửa mở ngay khi pháo ta bắn loạt đầu để ngay lập tức khi pháo dừng bắn là bộ đội nổ bộc phá xung phong.

Choáng váng ngay khi pháo ta bắn sở chỉ huy rồi bắn phá hoại địch bắt đầu chống trả quyết liệt. Chúng gọi máy bay oanh tạc và các trận địa pháo bắn vào trận địa ta.

Trận đánh ác liệt ngay từ phút đầu. Trên hướng Tiểu đoàn 8 Đàm Vũ Hiệp chỉ huy các đại đội áp sát hàng rào cửa mở ngay khi pháo ta bắn phá. Thời gian mở cửa đột phá rất nhanh khí thế bộ đội rất cao nên trong thời gian ngắn đã đánh chiếm được trận địa pháo D3 và phát triển đánh vào D2 mặc dù ở D2 địch chống trả rất mãnh liệt.

Đến lúc này, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống, nhưng tiểu đoàn vẫn tranh thủ thời cơ đánh ngay vào M11, là sở chỉ huy của tiểu đoàn dù 11.

Đến giữa trưa ngày 12/4 tiểu đoàn 8 đã chiếm được D3, đang tấn công D2 và đánh chiếm sở chỉ huy M11 tiểu đoàn dù của Trung tá Nguyễn Đình Bảo.

"Theo dõi mọi diễn biến của trận đánh, thấy Trung đoàn 64 gặp khó khăn do pháo bắn chuẩn bị chưa đủ mạnh, lúc 13 giờ 10 phút, Tư lệnh Sư đoàn 320 Nguyễn Kim Tuấn ra lệnh cho pháo lớn và cối 120 tiếp tục bắn phá trận địa địch. Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến cũng lệnh cho 2 tiểu đoàn 8 và 9 dùng hỏa lực đơn vị tham gia bắn cùng hỏa lực cấp trên, sau đó tiếp tục đánh chiếm các mục tiêu. Thực hiện mệnh lệnh trên từ 14 giờ đến 16 giờ pháo cối của ta bắn phá mãnh liệt vào các mục tiêu của tiểu đoàn 11 dù" - Trích Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 320 (1951-2021) NXBQĐND – 2020.

Việc tiểu đoàn 8 đánh chiếm được D3 và M11 đồng thời công phá liên tục D2 ngay trong ngày 12/4 là một thành công rất lớn tạo đà cho những đợt tấn công chiếm toàn bộ căn cứ 1015.

Dải yên ngựa nối D2 và D3 liền với đồi ba mỏm M1, 2, 3 là những điểm chốt chính nằm ở phía tây nam điểm cao 1015.

Lúc 15 giờ 30 phút, khi Đàm Vũ Hiệp tấn công chiếm được sở chỉ huy của địch thì máy bay oanh tạc dữ dội vào trận địa. Cũng khoảnh khắc này, anh đã hi sinh.

Đàm Vũ Hiệp hi sinh ngày 12/4/1972 trên mỏm M11 phía tây nam đỉnh 1015. Người tiểu đoàn trưởng vừa mới 22 tuổi 9 tháng, tròn 5 tuổi quân. Người Đảng viên trung kiên gương mẫu, người cán bộ đoàn năng nổ hoạt bát tài hoa.

Với Trung đoàn 64 nói chung và Tiểu đoàn 8 nói riêng, khi nhắc đến trận đánh 1015 là nhắc đến anh Đàm Vũ Hiệp.

Hình ảnh người chỉ huy bình tĩnh, gan dạ, không nao núng, trong một đêm chịu 8 lần oanh tạc của máy bay địch mà vẫn chiếm lĩnh trận địa là sự bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.

Trong cuộc đời bình nghiệp ngắn ngủi, 5 năm tuổi quân, anh Đàm Vũ Hiệp đã được tặng thưởng Huân chương tiến công Giải phóng hạng 3; Huân chương kháng chiến hạng 3; Huân chương chiến sĩ Giải phóng hạng nhất; Hai bằng Dũng sĩ diệt Mỹ; 1 bằng Dũng sĩ diệt xe cơ giới.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và vợ chồng Trung tướng Khuất Duy Tiến thăm CCB xây dựng nhà bia tưởng niệm trên đỉnh 1015.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và vợ chồng Trung tướng Khuất Duy Tiến thăm CCB xây dựng nhà bia tưởng niệm trên đỉnh 1015.

Ngày 18/1/2018, khi trở lại Kon Tum, Trung tướng Khuất Duy Tiến lúc ấy đã 89 tuổi cùng với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước 93 tuổi lên thăm lại trận địa Sác Li.

Cán bộ chỉ huy sư đoàn 320 rất lo sức khỏe của hai vị tướng già. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói dứt khoát. “Chúng tôi phải lên 1015! Trên ấy có hàng trăm liệt sĩ đồng đội của tôi! Nếu tôi có làm sao thì cho tôi nằm lại trên ấy với anh em”.

Lên đến đỉnh 1015. Trung tướng Khuất Duy Tiến-người chỉ huy trận đánh năm xưa gọi to trong nước mắt: ”Các anh em ơi! Đàm Vũ Hiệp ơi. Hãy tha lỗi cho anh bây giờ mới trở lại thăm các em".

Ngày nay các cựu chiến binh sư đoàn 320 đã xây dựng một nhà tưởng niệm trên đỉnh 1015, giúp nơi đây trở thành địa điểm linh thiêng để muôn người đến đây, thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-dung-si-doi-charlie-post764092.html