Người chăn nuôi gia súc ở Xuân Lạc đang khó tìm đầu ra

Chăn nuôi đại gia súc là hướng phát triển kinh tế chủ lực của xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên 2 năm gần đây, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 việc tiêu thụ vật nuôi của người dân gặp khó khăn.

Anh Thào A Vàng ở thôn Nà Bản có trâu đã đến tuổi bán nhưng vẫn chưa tìm được người mua trả giá phù hợp.

Anh Thào A Vàng ở thôn Nà Bản có trâu đã đến tuổi bán nhưng vẫn chưa tìm được người mua trả giá phù hợp.

Xuân Lạc là xã có tổng đàn gia súc gần như nhiều nhất của huyện Chợ Đồn, toàn xã có tới hơn 1.300 con, trong đó trên 950 con trâu, trên 390 con bò. Đây được xem là thế mạnh của địa phương và là sinh kế chủ lực giúp bà con thoát nghèo, có thêm thu nhập. Các chương trình, dự án đưa tới Xuân Lạc chủ yếu là hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản, vỗ béo vì vậy tổng đàn không ngừng tăng lên. Các hộ chủ yếu chăn nuôi theo hình thức vỗ béo, sinh sản nên cũng nhanh được bán.

Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đầu ra cho gia súc gặp không ít khó khăn. Nếu như ngày trước các thương lái vẫn đều đặn vào xã tìm mua trâu, bò thì nay có phần thưa thớt hơn. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc đóng cửa đường biên giới nên việc lưu thông hàng hóa cũng bị hạn chế. Giá thành của gia súc giảm đáng kể, cụ thể như 2 năm trước thịt trâu hơi có giá là hơn 100.000 đồng/kg thì nay còn khoảng 75.000 đồng/kg.

Anh Lầu Văn Hồng ở thôn Cốc Slông chia sẻ: "Gia đình tôi có 5 con trâu, trong đó có 2 con đã đến tuổi xuất chuồng. Tuy nhiên do giá thành bán ra thấp so với ngày trước nên tôi chưa có ý định bán". Đàn trâu của anh Hồng phát triển tốt do được chăm theo hình thức vỗ béo, thức ăn hằng ngày đầy đủ dinh dưỡng là ngô, cỏ, chuối... Hiện nay chưa thể bán được nên anh đã phải cắt giảm thức ăn tinh bột, chỉ cho ăn cỏ voi, thân, lá ngô... để duy trì sức vóc của vật nuôi.

Hộ anh Thào A Vàng ở thôn Nà Bản, xã Xuân Lạc cũng nhiều năm chăn nuôi gia súc. Lựa chọn hình thức nuôi vỗ béo nên cứ 3 - 4 tháng anh lại bán được một lứa trâu, mỗi con trâu sinh trưởng tốt có thể lãi khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Vàng, hơn 1 năm nay trên địa bàn cũng ít người đến hỏi mua trâu, bò mà nếu có mua thì lại trả giá rẻ. "Trước đây một con trâu khoảng 3 tạ có thể bán với giá 30 triệu đồng thì nay chỉ được khoảng 25 triệu đồng, bây giờ bán mà thời gian nữa mua vào bị đắt thì cũng bằng hòa, thay vào đó cứ giữ lại để nuôi", anh Vàng cho hay.

Đồng chí Nông Minh Hải- Chủ tịch UBND xã Xuân lạc cho biết: "Việc tiêu thụ trâu, bò đang bị chững lại nên đến nay lượng gia súc tồn trong dân còn khá lớn, tác động không nhỏ đến đời sống, thu nhập của bà con. Để duy trì đàn gia súc, các hộ đã tự chủ động nguồn thức ăn như cỏ voi, ngô hạt, chuối... có trong gia đình hoặc chuyển sang hình thức nuôi sinh sản để giảm tiền đầu tư mua thức ăn. Hiện, xã chỉ đạo người dân tiếp tục quan tâm chăm sóc, bảo vệ tốt đàn gia súc".

Xã Xuân Lạc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Chợ Đồn với 51%. Phát triển chăn nuôi gia súc là hướng đi chính góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Trước mắt, mặc dù còn nhiều khó khăn do đầu ra phụ thuộc lớn vào tư thương, song bà con phải chủ động khắc phục khó khăn, quan tâm chăm sóc đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, tăng cường thăm nắm về thị trường chăn nuôi để tìm nhiều nguồn tiếp cận đầu ra./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202204/nguoi-chan-nuoi-gia-suc-o-xuan-lac-dang-kho-tim-dau-ra-35b01ef/