Nghịch lý cử nhân Ấn Độ nghèo hơn nông dân

Nhiều thanh niên Ấn Độ làm đúng ngành sau khi tốt nghiệp đại học chỉ nhận mức lương thấp hơn rất nhiều so với những người nông dân.

Mende (trái) sở hữu bằng kỹ sư đại học hiện làm giám sát thi công xây dựng.

Mende (trái) sở hữu bằng kỹ sư đại học hiện làm giám sát thi công xây dựng.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu giáo dục Ấn Độ có thực sự tốt cho người trẻ tuổi.

Anh Shivanand Sawale, 42 tuổi, là một trong những người có học vấn cao nhất làng Dabhadi, bang Maharashtra, Ấn Độ khi sở hữu bằng Thạc sĩ Khoa học và Chứng chỉ Giáo dục. Anh hiện là giáo viên tiểu học.

Tuy nhiên, Sawale thường xuyên trở thành trò đùa của bạn bè vì anh có thu nhập thấp hơn những người lao động trong làng. Sau 13 năm làm việc ở một trường tư, Sawale kiếm được 250 rupee mỗi ngày. Trong khi đó, một người nông dân trong làng kiếm được 300 – 400 ruppe mỗi ngày.

“Bạn bè chế giễu tôi. Họ nói rằng ngay cả những nhân viên ít học trong các cửa hàng cũng kiếm được nhiều tiền hơn tôi”, Sawale kể.

Trong khi đó, Rathod, bạn của Sawale, đã bỏ học. Là nông dân, Rathod kiêm nghề buôn bán nông sản nên hiện nay cuộc sống tương đối ổn định.

Sawale không đơn độc. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Phát triển Lokniti (CSDS) cho thấy hàng triệu người Ấn Độ đang thiếu việc làm và làm những công việc lương thấp dưới tiêu chuẩn. Trình độ học vấn không có giá trị khi nhận lương.

Sidhant Mende, 27 tuổi, tốt nghiệp bằng kỹ sư tại một trường đại học tốt tại Ấn Độ nhưng anh đang làm giám sát thi công tại một công trường gần nhà. Công việc, theo mô tả của Mende, là không đòi hỏi chuyên môn cụ thể. Thu nhập hàng tháng của Mende là 12 nghìn rupee, tương đương mức thu nhập của những người nông dân trong thị trấn.

Trước đó, Mende đã tìm công việc đúng với ngành học. Anh cố gắng tìm trong thành phố mình sinh sống, sau đó mở rộng ra các thành phố cách xa hàng trăm km như Pune, Nagpur, nhưng mức lương nhìn chung vô cùng ít ỏi.

Vì thế, Mende không còn nghĩ về tấm bằng đại học của mình. Anh làm mọi công việc mình có thể để nhận mức lương tương xứng hơn.

Theo báo cáo hồi tháng 3 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Viện Phát triển Con người (IHD), phần lớn thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ đều có trình độ học vấn, ít nhất từ trung học. Năm 2022, 66% thanh niên thất nghiệp được học hành. Những người này phải đối mặt với câu hỏi nhức nhối từ gia đình và bạn bè rằng liệu giáo dục có thật sự tốt cho người trẻ tuổi.

Các số liệu của ILO cũng cho thấy nền kinh tế Ấn Độ không thể tạo đủ việc làm thu nhập cao trong các lĩnh vực phi nông nghiệp dành cho người trẻ có trình độ học vấn. Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất đối mặt với thách thức trên nhưng quy mô của vấn đề khá nghiêm trọng.

ILO cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao do thiếu việc làm được trả lương cao trong các lĩnh vực phi nông nghiệp. Ngoài ra, hệ thống giáo dục kém, tạo ra hàng triệu cử nhân nhưng không giúp họ xây dựng những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động.

Chưa kể, nhiều công việc hành chính ở Ấn Độ đang dần bị thay thế bởi công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt nhân sự. Kéo theo đó, những người mới ra trường sẽ hạn chế cơ hội làm việc và phải cạnh tranh với những nhân sự giàu kinh nghiệm.

“Có vẻ như bằng cấp của tôi chẳng còn quan trọng. Thật vô nghĩa nếu nhận những công việc lương thấp như vậy ở những thành phố có chi phí sinh hoạt cao như Pune hay Nagpur”, anh Sidhant Mende nói.

Theo Aljazeera

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghich-ly-cu-nhan-an-do-ngheo-hon-nong-dan-post683442.html