Nghịch lý càng đấu thầu - giá vàng càng tăng, có nên mua vàng lúc này?

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC nhằm can thiệp thị trường, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước - thế giới. Thế nhưng, nghịch lý là càng đấu thầu giá vàng càng tăng.

Trong ngày 10/5, giá vàng nhảy lên mức mới chỉ tính bằng giờ và tăng hơn 3 triệu trong ngày. Cuối ngày 10/5, giá vàng miếng SJC đã chạm mức 92,4 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, trong cơn sốt giá vàng xảy ra tình trạng chen nhau mua vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999. Do nhu cầu mua quá nhiều và nguồn nguyên liệu để chế tác vàng nhẫn có hạn nên doanh nghiệp kinh doanh vàng đã hạn chế số lượng mỗi lần mua, thậm chí có doanh nghiệp còn treo biển tạm ngừng giao dịch.

Mặc dù chốt phiên giao dịch sáng 11/5, giá vàng miếng SJC đã giảm về mốc 91,3 triệu đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới đến 19 triệu đồng/lượng. So với mức chênh trước phiên đấu thầu vàng đầu tiên là 9,53 triệu đồng/lượng thì đã gấp đôi - mức chênh kỷ lục từ trước đến nay.

Có ý kiến cho rằng với giá trúng thầu ở mức cao, các đơn vị trúng thầu sẽ phải giữ giá bán ra cao để có thể tiêu thụ lượng vàng trong những ngày tới. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá vàng bị đẩy lên cao trong những ngày gần đây.

Giá vàng miếng SJC lập đỉnh mới lên mức trên 90 triệu đồng/lượng.

Thực tế, trong 5 phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước thì có tới 3 phiên hủy do không đủ số lượng dự thầu, còn 2 phiên đấu thầu thành công thì lượng vàng miếng SJC cung ra thị trường cũng rất ít, chỉ có 6.800 lượng vàng.

“Đấu thầu nhằm tăng cung nhưng số lượng quá ít, giá lên đều, từ đó xuất hiện hoạt động lướt sóng vàng kiếm lời”, một chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, giá trúng thầu của 2 phiên khá cao. Trong phiên đấu giá ngày 23/4, giá trúng thầu cao nhất là 81.330.000 đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81.320.000 đồng/lượng. Còn trong phiên đấu thầu ngày 8/5, giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng.

Do đó, nguồn cung vàng rất hạn chế và sau mỗi phiên đấu thầu, giá lại càng tăng cao dẫn đến thị trường có tâm lý giá vàng còn tăng nữa. Đây là lý do đẩy giá vàng miếng SJC ngày càng cách xa so với vàng nhẫn 9999 và giá vàng thế giới.

Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia tài chính-ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng việc giá vàng miếng SJC tăng liên tục là do tâm lý thị trường. Bởi, trước khi đấu thầu vàng, tâm lý nhà đầu tư còn e ngại sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo giá vàng đi xuống nên còn e ngại khi mua. Tuy nhiên, sau khi đấu thầu, lo ngại này không còn vì sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại bị đẩy lên một mức kỷ lục mới.

"Người dân thấy rằng việc can thiệp thị trường vàng thông qua đấu thầu không giúp tăng nguồn cung là bao nhiêu, thậm chí giá vàng cũng không giảm như mong đợi, nên hoạt động mua diễn ra nhiều hơn và các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đẩy giá lên cao", ông Hiếu phân tích.

Với mức độ biến động của giá vàng như hiện tại, không ít nhà đầu tư vẫn còn đang lưỡng lự giữa việc giữ vàng hay chốt lời, nếu mua thì nên ưu tiên vàng miếng hay vàng nhẫn tròn trơn?

Theo các chuyên gia, giá vàng hiện nay rất khó định đoán. Vì vậy, quyết định đầu tư nên phụ thuộc vào tâm lý, mục tiêu tài chính cá nhân và khẩu vị rủi ro mà nhà đầu tư có thể “chịu đựng” được, không nên dựa vào dự đoán diễn biến giá vàng trong hiện tại.

Theo ông Nguyễn An Huy, chuyên gia tư vấn thuộc Công ty FIDT, hiện nay giá của vàng miếng SJC và vàng nhẫn chênh nhau rất lớn, khoảng 14 triệu đồng/lượng. Trong khi đó vàng nhẫn trơn có cùng chất lượng như SJC, nhưng giá lại không quá lệch so với thế giới.

"Những nhà đầu tư dài hạn nên ưu tiên mua vàng nhẫn trơn của các thương hiệu uy tín hơn là vàng miếng SJC tại thời điểm này", ông Huy nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý đang có quyết tâm khắc phục tình trạng giá vàng miếng chênh lệch quá cao so thế giới và nhẫn trơn. Tuy việc tổ chức đấu thầu chưa thực hiện được mục tiêu này cũng như xoa dịu "cơn sốt" vàng, cơ quan quản lý vẫn còn nhiều biện pháp khác như sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thanh tra và giám sát kỹ hơn hoạt động mua - bán.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, tuy còn nhiều yếu tố tác động đến giá vàng trong nước, nhưng thông thường, giá vàng trong nước sẽ diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Nhà đầu tư có thể theo dõi diễn biến và nhận định về giá vàng thế giới để tìm hướng đi của vàng trong nước.

Rhona O'Connell, chuyên gia phân tích của StoneX dự báo những rủi ro địa chính trị và căng thẳng tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng là yếu tố quyết định tác động đến giá vàng tăng trong thời gian tới.

Giá vàng đang nhận được hỗ trợ khi nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng thỏi và vàng miếng của Trung Quốc trong quý I/2024 tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 110,5 tấn.

Chủ tịch Tsutomu Kosuge của công ty nghiên cứu hàng hóa Marketedge có trụ sở chính tại Tokyo cho biết, đợt tăng giá lịch sử từ tháng 3/4/2024 là một ví dụ bất thường về nhu cầu vàng vật chất từ Trung Quốc đang đẩy thị trường lên cao.

Khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao

Tại văn bản kết luận về cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới được Chính phủ ban hành ngày 10/5, nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đã triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng, tuy nhiên tình hình chưa có nhiều chuyển biến, giá vàng miếng trong nước tiếp tục tăng, tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chưa được khắc phục.

Để tăng cường hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng và thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng theo từng lần.

Đồng thời, khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/nghich-ly-cang-dau-thau-gia-vang-cang-tang-co-nen-mua-vang-luc-nay-1099728.html