Nghĩa tình sâu nặng của cựu chiến binh Lê Trường Giang

Gần 80 tuổi đời, bước chân của cựu chiến binh Lê Trường Giang vẫn lặn lội đến khắp các địa phương Đông Nam Bộ, vào từng nghĩa trang để tìm thông tin mộ phần những đồng đội thuộc Trung đoàn 16 và thông báo về gia đình các liệt sĩ. Với nghĩa cử âm thầm ấy, ông đã tìm được thông tin chính xác hơn 1.500 liệt sĩ, giúp nhiều gia đình tìm được thân nhân. Ông còn vận động nguồn lực hỗ trợ, cưu mang những thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Gần 20 năm đi tìm mộ phần đồng đội

Chúng tôi gặp cựu chiến binh Lê Trường Giang (Trưởng ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 16) trong căn nhà ấm cúng tại phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh khi ông vừa hỗ trợ một đồng đội là thương binh nặng về lại quê hương Thái Bình. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông khoe những cuốn sổ viết tay chi chít nhiều màu mực và hai cuốn sổ lớn photocopy danh sách thông tin gần 5.000 liệt sĩ của Trung đoàn 16. Ông ví đây là những báu vật của bản thân trong gần 20 năm thực hiện hành trình đi tìm mộ phần đồng đội, hỗ trợ các nghĩa trang rà soát, đối chiếu, hiệu chỉnh thông tin liệt sĩ trên bia mộ, cũng như giúp gia đình liệt sĩ tìm được người thân.

 Cựu chiến binh Lê Trường Giang với những cuốn sổ ghi chép thông tin về liệt sĩ Trung đoàn 16.

Cựu chiến binh Lê Trường Giang với những cuốn sổ ghi chép thông tin về liệt sĩ Trung đoàn 16.

Cựu chiến binh Lê Trường Giang kể lại: Trung đoàn 16 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân) là đơn vị chủ lực của Quân đội ta vào Nam chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau đó, Trung đoàn tham gia các trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Đơn vị hôm nay đã trở thành Trung đoàn Đồng Nai thuộc Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn 16 thường đóng quân, chiến đấu ở địa bàn các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước; huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh)...

Ông Giang cho biết thêm, suốt những năm tháng kháng chiến, với vai trò cán bộ trinh sát, ông thường xuyên khảo sát để nắm chắc địa bàn chiến trường, khu vực các trận đánh. Nhờ vậy, ông cũng biết nhiều nơi chôn cất liệt sĩ. Ông bảo, bản thân được trở về với gia đình là niềm hạnh phúc và may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại chiến trường. Nỗi day dứt khi người thân của đồng đội tháng ngày trông mong tin tức đã thôi thúc ông đi tìm thông tin về mộ phần của đồng đội cùng đơn vị.

Để bắt đầu hành trình ý nghĩa này, ông Giang liên hệ Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 7 với mong muốn tìm được tài liệu về Trung đoàn 16. Ông may mắn tìm được hai cuốn sổ ghi chép danh sách liệt sĩ của Trung đoàn từ trước năm 1975 với 14 mục dữ kiện chi tiết. Có “báu vật” làm hành trang, từ năm 2007, ông bắt đầu đi tìm phần mộ của đồng đội ở các nghĩa trang từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bình Phước... Ông xác định rõ công việc của bản thân gồm hai phần: Tìm kiếm thông tin phần mộ đồng đội tại các nghĩa trang liệt sĩ rồi báo về cho gia đình và địa phương của liệt sĩ; đồng thời tìm phần mộ chưa được quy tập, đang nằm ở những nơi từng diễn ra các trận đánh của Trung đoàn 16.

Với cuốn sổ, cây bút trong túi, cựu chiến binh Lê Trường Giang hằng tuần đi xe buýt, xe ôm hoặc xe khách đến các nghĩa trang liệt sĩ. Ông cẩn thận đi từng hàng mộ, ghi chép, đối chiếu với tài liệu thu thập được để tìm từng đồng đội năm xưa. Theo ông Giang, do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều phần mộ liệt sĩ bị ghi sai họ, tên, ngày tháng năm sinh, thời gian hy sinh, thậm chí sai cả quê quán... Những trường hợp không trùng khớp, thông tin sai lệch, ông tìm về đơn vị, địa phương để so sánh, đối chiếu. Nhiều trường hợp phải đi lại nhiều lần, ra đến tận các địa phương phía Bắc, đường sá xa xôi nhưng không ngăn được bước chân của người thương binh gần 80 tuổi này.

Nhớ lại trường hợp hỗ trợ hiệu chỉnh lại thông tin cho liệt sĩ Trần Văn Trược (thuộc Trung đoàn 16) tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82 (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) mới đây, ông không khỏi xúc động. Trước đây, gia đình liệt sĩ Trược đã hàng chục năm đi tìm mộ nhưng không có tin tức. Trong một dịp biết thông tin về ông, gia đình đã tìm đến nhờ hỗ trợ. Không đắn đo, suy nghĩ, ông Giang lập tức lên đường. Với kinh nghiệm đi tìm đồng đội thời gian qua, ông mang theo sổ sách thực hiện nhiều chuyến đi đến các nghĩa trang ở Tây Ninh để rà soát, đối chiếu thông tin về ngày tháng năm sinh, nhập ngũ, quê quán, thân nhân... Sau nhiều ngày kiên trì, cuối cùng, ông phát hiện phần mộ ghi liệt sĩ Trần Văn Chước, hy sinh ngày 19-6-1968, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82 chính là liệt sĩ Trần Văn Trược, hy sinh ngày 16-9-1968 (nghĩa trang đã cập nhật nhầm tên và ngày tháng hy sinh). Ông đã làm hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, Tây Ninh hiệu chỉnh thông tin và được chấp thuận. Gia đình tìm được phần mộ liệt sĩ Trược trong niềm xúc động khôn xiết.

Mỗi khi tìm được thông tin hay phần mộ của liệt sĩ, ông Giang cặm cụi viết thư gửi về cho gia đình của họ và chính quyền địa phương. Khi thân nhân liệt sĩ liên hệ lại, ông hướng dẫn để gia đình làm giấy tờ đi nhận mộ theo đúng quy định của pháp luật. Gia đình ông còn tận tình đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ và trực tiếp dẫn người thân liệt sĩ đến phần mộ liệt sĩ. Bản thân ông cũng đã phối hợp tìm, cất bốc được hơn 10 phần mộ liệt sĩ ở các khu kháng chiến năm xưa của Trung đoàn 16. Vì vậy, hơn 1.500 phần mộ liệt sĩ Trung đoàn 16 đã được ông tìm thấy thông tin, cũng đồng nghĩa với bấy nhiêu gia đình liệt sĩ tìm được sự an ủi sau nhiều năm mong đợi tin tức.

Sống hết mình với đồng đội

Là Trưởng ban liên lạc truyền thống của Trung đoàn 16, cùng với đi tìm thông tin mộ phần đồng đội, cựu chiến binh Lê Trường Giang đã vận động đồng đội, nhà hảo tâm góp kinh phí phối hợp xây dựng đền bia tưởng niệm thanh niên xung phong và liệt sĩ Trung đoàn 16 (4.000 liệt sĩ) tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ông cùng Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 16 và cựu chiến binh thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) vận động xây dựng đền tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 16 và liệt sĩ địa phương hy sinh tại Trảng Bàng; đồng thời thường xuyên vận động nguồn lực trao quà hỗ trợ thương binh, bệnh binh nặng, học bổng tặng con em gia đình chính sách ở các vùng căn cứ cách mạng...

Đặc biệt, cựu chiến binh Lê Trường Giang luôn dành sự quan tâm đến những đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống. Nghe ở đâu có thương binh nặng gặp khó, ông Giang liền đi vận động khắp nơi, đến thăm, tặng quà, động viên. Trong một lần đến thăm bạn chiến đấu cũ là thương binh Phạm Thế Liễn (trú tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), xót xa trước bệnh tật của đồng đội và căn nhà ở xuống cấp trầm trọng, ông Giang vận động nguồn lực xây tặng căn nhà tình nghĩa. Trong một lần về lại quê ở Thái Bình, do vết thương tái phát khi ảnh hưởng thời tiết, ông Liễn không may bị đột quỵ, liệt nửa người, đi lại và nói chuyện gặp nhiều khó khăn. Ông Giang bàn bạc với gia đình, đón đồng đội vào Nam và về ở cùng nhà để thuận lợi cho việc chữa bệnh. Trong suốt những ngày sau đó, ông Giang dùng xe máy chở đồng đội đến bệnh viện chữa trị. Sau hơn 3 tháng, sức khỏe ông Liễn dần hồi phục. Ngày đồng đội nói được, có thể nhấc từng bước chân đi chậm chạp, ông Giang vui mừng khôn xiết.

Ông Giang nhớ lại: “Anh Liễn là người ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Chiến tranh đã khiến anh ấy bị thương tật 81%. Không những vậy, anh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và để lại di chứng sang 3 người con. Hiện một người con của anh đã qua đời, hai người còn lại trí não phát triển chậm. Sau khi bệnh tình thuyên giảm, anh Liễn muốn về lại Bình Phước nhưng căn nhà tình nghĩa lúc đó bị kẻ gian trộm hết đồ dùng. Gia đình tôi mua sắm lại đầy đủ vật dụng cần thiết, đồng thời thuê xe chở gia đình anh về đến Lộc Ninh. Mới đây, theo nguyện vọng của anh Liễn được trở về quê hương, tôi đã vận động đồng đội, nhà hảo tâm, hãng hàng không vừa chăm lo kinh phí, vừa hỗ trợ anh di chuyển an toàn về đến huyện Đông Hưng”.

Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Giang tâm sự: “Tôi tham gia nhiều trận chiến đấu, chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống vì Tổ quốc. Gia đình tôi cũng là gia đình liệt sĩ nên thấu hiểu thế nào là mất mát, hy sinh và niềm mong mỏi của người thân. Trăn trở lớn nhất của tôi là hiện còn hơn 3.000 phần mộ liệt sĩ Trung đoàn 16 chưa tìm thấy hoặc chưa xác định được thông tin chính xác. Tôi còn sức khỏe thì còn tiếp tục đi tìm thông tin về đồng đội. Tôi sẽ dành trọn những tháng năm còn lại trong đời để có thể đưa anh em, đồng chí, đồng đội về nơi ấm áp nhất”.

Bên cạnh công tác hội, cựu chiến binh Lê Trường Giang có 25 năm liên tục làm tổ trưởng tổ dân phố, gần 10 năm làm bí thư chi bộ. Ông đã đóng góp tích cực vào tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền cơ sở và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Nhận xét về ông, đồng chí Nguyễn Xuân Thu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 13, quận Tân Bình, nhấn mạnh: “Đồng chí Lê Trường Giang là một cựu chiến binh rất gương mẫu từ công tác hội đến cống hiến cho địa phương. Không chỉ đi tìm mộ liệt sĩ, tri ân các gia đình liệt sĩ, đồng chí Giang còn sống trọn tình, trọn nghĩa với đồng đội thông qua những phần việc an sinh xã hội thiết thực. Đây cũng là tấm gương sáng để hội viên, cựu chiến binh và các tổ chức, đoàn thể học tập với tinh thần nhân ái, nghĩa tình, sống hết lòng vì đồng đội và với cộng đồng”.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nghia-tinh-sau-nang-cua-cuu-chien-binh-le-truong-giang-749483