Nghị lực của nữ sinh ở đảo xa

Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng Nguyễn Thị Kiều Diễm, 19 tuổi, ngụ ấp Bãi Ngự, xã đảo Thổ Châu, TP. Phú Quốc đã nỗ lực vượt khó đến trường. Hiện em là sinh viên năm nhất ngành kế toán Trường Cao đẳng Kiên Giang. Tiếp sức Diễm trong 6 năm học liền là chương trình nâng bước em đến trường của bộ đội biên phòng.

ĐI LÀM THÊM TỪ LỚP 8

Diễm có dáng người nhỏ nhắn, cân nặng chưa đầy 43kg, nhưng tinh thần vượt khó của em rất đáng nể phục. Gia đình Diễm ở thuê trong một căn nhà nhỏ ở xã đảo Thổ Châu, nơi được biết đến là quần đảo tiền tiêu, xa trung tâm TP. Rạch Giá đến 220km. Cha Diễm đi biển câu cá, lên núi đào sâm bán với thu nhập bấp bênh, mẹ em nấu rượu thuê. Căn nhà nhỏ và ẩm thấp được cha mẹ em thuê dài hạn là nơi sinh sống của 4 thành viên trong gia đình.

Sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn càng thôi thúc Diễm cố gắng học tập để thay đổi cuộc đời. Cha mẹ bận mưu sinh không chỉ dẫn được việc học, nhưng Diễm luôn cố gắng tự học, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Từ năm học lớp 6 em được Đồn Biên phòng Thổ Châu nhận vào chương trình nâng bước em đến trường, hỗ trợ hàng tháng 500.000 đồng cho đến hết năm học lớp 12.

Mới học lớp 8, Diễm tranh thủ thời gian sau giờ học, thời gian nghỉ hè để phụ quán bán phở, từ việc bưng phở, rửa chén, dọn dẹp, vệ sinh quán em đều làm.

Diễm nói: “Em biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ không có tiền cho em vào TP. Phú Quốc để học nên em đi làm thêm để dành tiền đi học. Ở Thổ Châu chỉ có trường học hết lớp 9, em muốn học lớp 10 phải vào TP. Phú Quốc mà vào đó thì tốn kém lắm”.

Tranh thủ thời gian sau giờ học, em Nguyễn Thị Kiều Diễm đi làm nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế cho quán cà phê.

Tranh thủ thời gian sau giờ học, em Nguyễn Thị Kiều Diễm đi làm nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế cho quán cà phê.

Suốt năm học lớp 8 và sang năm học lớp 9, Diễm tranh thủ đi bưng phở, em không lấy tiền công vì sợ sẽ tiêu xài mà gửi ở cô chủ quán, cho đến ngày đi thi lớp 9 lên lớp 10 mới nhận tiền công. Chủ quán thương Diễm còn nhỏ tuổi mà chăm làm, nên không chỉ trả công còn cho em thêm vài trăm ngàn đồng để em đi thi.

Khi Diễm vào lớp 10, các khoản chi phí nhà trọ, sinh hoạt ở TP. Phú Quốc khiến gia đình hết sức khó khăn. Có những lúc cứ ngỡ em phải dừng việc học nhưng khao khát con chữ, em vừa đi học vừa phụ cô giáo chủ nhiệm lớp 10 bán trái cây để kiếm tiền trang trải việc học. Diễm bộc bạch: “Cô thương em lắm, tạo điều kiện cho em phụ tiệm bán trái cây của cô, cho em ở nhờ, cho em tiền sinh hoạt, động viên em cố gắng học”.

Những năm tháng khó khăn, Diễm được tiếp sức từ Đồn Biên phòng Thổ Châu. Với số tiền 500.000 đồng tuy không lớn nhưng đã giúp Diễm trang trải một phần chi phí sinh hoạt để tiếp tục ước mơ được học tập.

Diễm chia sẻ: “Em nhớ mỗi lần các chú bộ đội biên phòng đến trao tiền hỗ trợ luôn khuyên em cố gắng học, trở thành người tốt, giúp ích cho bản thân và cho xã hội. Khi nhận được sự hỗ trợ và động viên của các chú thật sự em rất xúc động và luôn tự hứa với bản thân phải cố gắng hơn thật nhiều. Em cũng hiểu ở đảo, người dân chủ yếu buôn bán nhỏ hoặc đi biển, khó kiếm được việc làm nên em luôn chăm chỉ học tập với mong muốn kiếm được một công việc ổn định giúp gia đình vươn lên”.

NGHỊ LỰC VƯỢT KHÓ

Luôn ham học và tiết kiệm trong sinh hoạt, Diễm đã hoàn thành 3 năm học trung học phổ thông, với thành tích hai năm học lớp 10, 11 là học sinh khá, lớp 12 là học sinh giỏi. Dù vậy Diễm không dám ước mơ quá lớn, em thi vào Trường Cao đẳng Kiên Giang với ngành kế toán vì học ở đây theo em “phù hợp với học lực của bản thân và chi phí thấp so với việc học tập ở các thành phố lớn”.

Em Nguyễn Thị Kiều Diễm ôn bài sau giờ học.

Em Nguyễn Thị Kiều Diễm ôn bài sau giờ học.

Việc học của Diễm lại một lần nữa tưởng phải bỏ cuộc giữa chừng khi em vào cao đẳng thì cha em cũng bị bệnh nặng, hiện sức khỏe của cha em ngày càng yếu không thể đi biển. Trong khi mẹ em làm thuê mỗi tháng chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Gia đình không chỉ lo cho Diễm học tập, còn phải lo cho em gái của Diễm đang vừa học nghề vừa học lớp 10 tại TP. Phú Quốc nên hết sức khó khăn.

Trung tá Danh Hiếu - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thổ Châu cho biết: “Kinh phí nâng bước em đến trường do cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp để giúp những học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường. Ở xã đảo Thổ Châu điều kiện học tập rất khó khăn, song Diễm đã cố gắng vượt khó đến trường và nay học lên đến cao đẳng là điều rất đáng quý”.

Để cha mẹ nhẹ gánh lo, Diễm ở ký túc xá và làm nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế cho quán cà phê ở gần đó. Bởi vì chưa có xe máy đi lại, nên Diễm chỉ có thể kiếm việc làm thêm gần ký túc xá để đi bộ cho tiện. Với ca làm từ 17 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút, mỗi tháng Diễm nhận được lương hơn 2 triệu đồng để trang trải sinh hoạt. Dù vừa làm vừa học, nhưng thành tích học tập của Diễm rất tốt, học kỳ I năm học 2023-2024, Diễm đạt thành tích học sinh xuất sắc. Hiện em đang học kỳ II và cố gắng đạt kết quả tốt nhất có thể.

Dẫu cuộc sống vẫn còn nặng gánh khó khăn khi cha bệnh, hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, nhưng Diễm cho biết sẽ cố gắng để hoàn thành chương trình cao đẳng và tìm việc làm, hy vọng sau này có điều kiện sẽ được học lên đại học.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/giao-duc/nghi-luc-cua-nu-sinh-o-dao-xa-19414.html