Nghệ thuật phân tán địch trên các chiến trường

Thắng lợi oanh liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có nghệ thuật phân tán địch trên các chiến trường.

Trước tình hình quân Pháp triển khai Kế hoạch Navarre, tháng 9-1953, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã thảo luận và thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Tại hội nghị này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày báo cáo kế hoạch tác chiến do Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị. Theo kế hoạch tác chiến này, ta sẽ tập trung toàn bộ hay phần lớn bộ đội chủ lực để đối phó với địch ở Đồng bằng Bắc Bộ; điều động lực lượng mở các cuộc tiến công vào những hướng khác.

Theo kết luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị, địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Vì thế, nếu ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn. Người chỉ ra nguyên tắc chỉ đạo chiến lược là tập trung lực lượng mở các cuộc tiến công vào những hướng chiến lược mà ở đó địch tương đối yếu, nhưng vì quan trọng nên chúng không thể nào bỏ được, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng. Hướng Tây Bắc sẽ là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Tuy nhiên, trong hoạt động có thể thay đổi tùy theo tình hình.

Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, tháng 11-1953. Ảnh tư liệu

Ngày 20-11-1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Theo phương án tác chiến được Bộ Chính trị thông qua đầu tháng 12-1953, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các hướng triển khai lực lượng, đẩy mạnh tiến công địch. Từ ngày 10 đến 25-12-1953, quân ta tiến công lực lượng địch ở Lai Châu, tiêu diệt 20 đại đội, tạo thế uy hiếp mạnh đối với quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Cuối tháng 12-1953, quân ta phối hợp với quân Pathet Lào phá tan "tuyến cấm" của quân Pháp ở vĩ tuyến 18, giải phóng nhiều vùng thuộc Trung Lào. Phát triển tiến công, lực lượng vũ trang 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã giải phóng vùng đất rộng lớn, mở hành lang chiến lược nối căn cứ miền Đông và Đông Bắc Campuchia với vùng giải phóng Hạ Lào và Trung Lào.

Đến đầu tháng 2-1954, quân ta tiến công địch ở Kon Tum và vùng Bắc Tây Nguyên, bước đầu làm thất bại cuộc hành quân của quân Pháp; đánh bại hoàn toàn âm mưu bình định vùng tự do Nam-Ngãi-Bình-Phú, góp phần "chia lửa" với chiến trường Điện Biên Phủ. Cuối tháng 1-1954, tại Thượng Lào, liên quân Việt-Lào tiến công, uy hiếp quân địch tại phòng tuyến sông Nậm Hu, giải phóng tỉnh Phongsaly, bao vây Mường Sài.

Các đòn tiến công chiến lược nói trên cùng với các hoạt động của quân và dân ta ở vùng sau lưng địch buộc lực lượng cơ động của Pháp bị phân tán trên nhiều hướng, khiến quân Pháp chỉ có thể bố trí 17 tiểu đoàn tại Điện Biên Phủ, 20 tiểu đoàn giữ vùng Đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn, trong số 52 tiểu đoàn cơ động.

Ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ, bộ đội ta tổ chức lực lượng và thế trận vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm, bao vây từng trung tâm đề kháng. Các trận địa của bộ binh, pháo binh được xây dựng trên sườn núi, sườn đồi; xây dựng sở chỉ huy chiến dịch, sở chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn trong lòng đất để bảo đảm an toàn cho quân ta cũng như bảo đảm thông tin chỉ huy không bị gián đoạn. Bộ đội ta còn bố trí pháo cao xạ để chặn tiếp tế hàng không của đối phương và bảo vệ đường tiếp tế vận tải của ta.

Quân ta sáng tạo ra cách bao vây đánh lấn; đào hệ thống công sự, giao thông hào, chiến hào lấn dần vào lô cốt, trận địa của đối phương, bảo đảm cho cơ động lực lượng và chiến đấu liên tục ngày, đêm, bảo đảm sinh hoạt của bộ đội trong điều kiện không quân và pháo binh địch đánh phá cực kỳ ác liệt.

Trong khi quân ta ngày càng siết chặt vòng vây, quân Pháp không thể tăng cường lực lượng cho chiến trường Điện Biên Phủ, vì lực lượng cơ động đã bị ghìm chặt trên những địa bàn chiến lược. Phối hợp với Điện Biên, quân và dân ta tổ chức những trận đánh vào các sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), ngăn chặn cầu hàng không tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Điều đó cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa chiến trường chính Tây Bắc-Điện Biên Phủ với các chiến trường khác, đã tạo thế bao vây, tiến công liên tục, đẩy đối phương tới thất bại hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu chiến lược phương Tây nhận xét: Hiệu quả chiến lược nổi bật của trận Điện Biên Phủ là lần đầu tiên từ khi xâm chiếm Việt Nam, Pháp phải rút quân và Việt Minh vẫn làm chủ chiến trường.

Như vậy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã thực hiện đúng sự chỉ đạo chiến lược: Đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; giữ vững thế chủ động, kiên quyết tiến công. Chúng ta đã phát triển nghệ thuật thu hút, giam chân lực lượng cơ động của quân Pháp, phân tán địch trên các chiến trường, giải phóng nhiều vùng rộng lớn và đặc biệt bao vây chặt quân Pháp tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở của đối phương. Chính người Pháp sau này phải thừa nhận: Đối thủ (Việt Minh) yếu hơn về số lượng đã bẻ cong ý chí của đối phương bằng cách dựa vào điểm yếu của đối phương.

Thiếu tướng, GS, TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/chuyen-o-chien-truong/nghe-thuat-phan-tan-dich-tren-cac-chien-truong-774671