Nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp có đang 'lép vế' trước sân khấu không chuyên?

Các sân khấu Chèo chuyên nghiệp tại các thành phố đang có phần kém hấp dẫn công chúng hơn so với những chiếu Chèo không chuyên ở các làng quê. Tuy nhiên, dù có sức sống mạnh mẽ, nhưng sân khấu Chèo không chuyên vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình phối hợp với Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại”. Hội thảo là diễn đàn học thuật để các chuyên gia trong và ngoài nước cùng làm rõ những vấn đề chuyên môn về nghệ thuật trình diễn dân gian từ góc độ khoa học liên ngành.

Chèo chuyên nghiệp thiếu sức hút

Chia sẻ tại hội thảo, PGS-TS. Đinh Quang Trung, Viện trưởng Viện Sân khấu điện ảnh, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đã bày tỏ sự tiếc nuối khi sân khấu Chèo chuyên nghiệp hiện đang thiếu nhiều vở diễn chất lượng tốt. Chính vì phải xem nhiều vở diễn chất lượng trung bình, nên đôi khi sân khấu chèo chuyên nghiệp đã vô tình tạo cho khán giả sự thất vọng và tâm lý không còn tha thiết với Chèo. “Các hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp những năm qua phần nào minh chứng cho luận điểm này, nhiều vở diễn chỉ phát giấy mời, nhưng khán giả rất thưa thớt, thậm chí ngay cả nghệ sĩ tham gia hội diễn cũng không mấy khi xem bạn nghề”, ông Trung cho hay.

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại”.

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại”.

Thực trạng trên cho thấy, với cơ chế, mô hình tổ chức và hoạt động nghệ thuật hiện nay, các đơn vị nghệ thuật chèo công lập rất khó phát huy được vai trò bảo vệ di sản của sân khấu chèo. Đóng góp tham luận tại hội thảo, PGS-TS. Trần Trí Trắc, Phó trưởng ban Lý luận, Phê bình Sân khấu, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng nêu, có một thời các nhà hoạt động sân khấu tiến hành công việc khai thác vốn cổ, cải biên và viết lại, thì Chèo cổ lại không được lưu giữ lại những đặc trưng vốn có. Hầu hết, Chèo đều bị “kịch hóa”, bị chuyển hóa bản sắc độc đáo của mình sang tên gọi mới “kịch Chèo”.

Đội ngũ tiên phong của xu hướng này được ông Trắc chỉ ra, trước hết là những người đạo diễn. Phần lớn trong số họ được đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài, chủ yếu là Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa. Sau khi về nước, họ đã đem kịch nói kế thừa “tinh hoa” dân tộc và đem Chèo cổ kế thừa “tinh hoa” phương Tây lên sân khấu.

Trong bối cảnh nghệ thuật Chèo ngày càng được “Tây hóa”, “hiện đại hóa” như quan điểm nêu trên của ông Trắc, Chèo cổ đang dần có xung hướng mai một, khi chính các nghệ sĩ đang dần đánh mất đi những làn điệu cổ ấy.

Hầu hết các đơn vị nghệ thuật, theo đánh giá của ông Trung, thì “[…] mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc dựng vở, biểu diễn theo kế hoạch và tìm cách để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các bộ, nghệ sĩ. Chưa có đơn vị nào xác định rõ phương hướng, các thức và nghiêm túc bắt tay vào việc bảo vệ di sản nghệ thuật Chèo”.

Tiết mục Ván cờ Tiên do các nghệ nhân làng Khuốc (huyện Đông Hưng, Thái Bình) biểu diễn. Ảnh: BTC

Tiết mục Ván cờ Tiên do các nghệ nhân làng Khuốc (huyện Đông Hưng, Thái Bình) biểu diễn. Ảnh: BTC

Bảo vệ Chèo không chuyên trước nguy cơ mai một

Khác với nghệ sĩ chuyên nghiệp, “diễn viên” trên sân khấu không chuyên tuy không được khán giả biết đến nhiều, nhưng họ lại có được niềm vui, sự cổ vũ qua việc biểu diễn phục vụ bà con địa phương. Nếu ở nhiều sân khấu Chèo chuyên nghiệp, đôi khi diễn ra cảnh nghệ sĩ cũng chẳng buồn xem nhau như đã nêu trên thì trong các hội thi Chèo không chuyên, tinh thần gắn kết cộng đồng là một điểm nhấn khi một phần đông khán giả là bạn bè, bà con, xóm làng của người biểu diễn.

Điều này cho thấy, hình thức câu lạc bộ sân khấu chèo không chỉ là sân chơi giải trí, mà qua đó còn góp phần thúc đẩy, gia tăng sự gắn kết cộng đồng. Ngược lại, tính cộng đồng cũng có những tác động đến sự hình thành, phát triển của các câu lạc bộ.

Tiết mục Lý tưởng, Mẹ Đốp biểu diễn tại làng Khuốc. Ảnh: BTC

Tiết mục Lý tưởng, Mẹ Đốp biểu diễn tại làng Khuốc. Ảnh: BTC

Sân khấu Chèo không chuyên không đòi hỏi người tham gia phải thực sự có năng khiếu, tác phẩm nghệ thuật cũng không đòi hỏi phải đạt chất lượng cao. Đến với sinh hoạt văn hóa này, người chơi có thể cảm nhận được sự thoải mái, không mặc cảm. Đây chính là yếu tố căn bản đề hình thành nên những câu lạc bộ văn nghệ không chuyên.

Qua thực trạng của hai hình thức tổ chức sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên, có thể thấy, nếu như sân khấu chèo chuyên nghiệp đang tồn tại cùng vô số bất cập, như về kịch bản, khán giả yêu thích,… nên khó có thể làm tốt công tác bảo vệ di sản văn hóa; Ngược lại, sân khấu không chuyên lại ngày càng phát huy được tính ưu việt trước yêu cầu bảo vệ di sản văn hóa.

Vì thế, ít nhiều nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp có phần “lép vế” hơn so với Chèo không chuyên. Song, từ góc độ kinh phí hoạt động, các chiếu Chèo ở làng quê vẫn có sự thiệt thòi hơn so với các sân khấu lớn. Mặc dù ít được Nhà nước đầu tư kinh phí, các nghệ nhân không được đào tạo bài bản chỉ ra rằng, Chèo truyền thống sẽ tồn tại vững chắc trong môi trường văn hóa đã sản sinh ra nó.

Câu lạc bộ Dân ca chèo thị xã Đông Triều. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Câu lạc bộ Dân ca chèo thị xã Đông Triều. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Nhưng để tồn tại được lâu dài, Chèo cần có sự truyền thừa qua các thế hệ. Bởi thế hệ nghệ nhân lớn tuổi hiện nay cũng phải đối diện với những vấn đề về tuổi tác, sức khỏe. Vì vậy, giải pháp cần đặt lên hàng đầu là cần tổ chức sưu tầm, lưu trữ làn điệu Chèo hiện đang được nắm giữ bởi những người nghệ nhân lớn tuổi. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí phục dựng lại các trích đoạn, tích Chèo cổ.

Khi xác định rõ đối tượng cần được bảo vệ là những những làn điệu, tích diễn truyền thống đã định hình tương đối, cần tiếp tục đẩy mạnh mô hình các câu lạc bộ, biến câu lạc bộ Chèo thành hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến trong cộng đồng.

Thế hệ tiếp nối những nghệ nhân lớn tuổi chính là thế hệ các em học sinh hiện tại. Nếu chỉ đẩy mạnh mô hình các câu lạc bộ, chưa chắc đã thu hút được thêm nhiều bạn trẻ, mà đối tượng chủ yếu có thể vẫn chỉ tập trung ở những người trung niên hoặc lớn tuổi. Vậy nên, có thể cân nhắc tới việc đưa nghệ thuật Chèo vào môi trường giáo dục thông qua các tiết ngoại khóa với đối tượng là học sinh trung học tại các tỉnh thành khu vực phía Bắc. Đồng thời, mở các lớp ngắn hạn ngoài không gian trường học để đào tạo diễn viên, nhạc công, tác giả, đạo diễn cho các câu lạc bộ chèo không chuyên.

Tiết mục Ván cờ Tiên do các nghệ nhân tại làng Khuốc, xã Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình biểu diễn. Ảnh: Hữu Trưởng

Gắn chiếu Chèo ở các làng quê với sản phẩm du lịch

Hiện nay, phần lớn những người tham gia các câu lạc bộ Chèo không chuyên vì mục đích vui chơi giải trí. Nhưng việc họ coi là giải trí nếu có thể kiếm được thêm thu nhập, hứa hẹn sẽ càng tạo động lực cho họ chuyên tâm hơn trong bảo vệ và phát huy giá trị từ loại hình di sản này.

Đối với những địa phương có tiềm năng du lịch, có thể gắn biểu diễn Chèo dân gian, truyền thống với hoạt động du lịch. Bởi hoạt động du lịch ở nhiều địa phương mới chỉ tập trung khai thác thế mạnh từ các di sản văn hóa vật thể như danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử, mà di sản văn hóa phi vật thể vẫn đang có phần “nhún nhường”.

Biểu diễn rối nước trong đêm diễn Tinh hoa Bắc bộ tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Tinh hoa Bắc bộ

Biểu diễn rối nước trong đêm diễn Tinh hoa Bắc bộ tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Tinh hoa Bắc bộ

Diễn ra thực trạng này là do ngành văn hóa chưa xem trọng tiềm năng từ sân khấu Chèo không chuyên bằng sân khấu Chèo chuyên nghiệp trong các nhà hát. Sự phân cấp trong quản lý hoạt động biểu diễn, sinh hoạt của các câu lạc bộ Chèo không chuyên được giao cho các địa phương. Mà ở mỗi địa phương, cán bộ quản lý văn hóa chưa có nhận thức đầy đủ và đồng đều về vai trò, tiềm năng của các di sản văn hóa tại địa phương mình, cụ thể là Chèo. Cho nên, nếu ưu tiên nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm văn hóa tại địa phương. Khi có am hiểu nhất định về Chèo, họ sẽ đưa ra những định hướng phù hợp nhằm thúc đẩy nghệ nhân.

Cùng với đó, kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan văn hóa là chưa đủ cho việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động biểu diễn Chèo không chuyên, nếu không có sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp. Vì vậy, để doanh nghiệp tự nguyện tham gia tài trợ cho hoạt động bảo vệ và làm du lịch từ nghệ thuật Chèo, địa phương cũng cần có chính sách khuyến khích cụ thể.

Việc bảo tồn và phát huy của một loại hình di sản văn hóa cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng sở hữu di sản, đang chung sống cùng di sản. Đây không phải trách nhiệm của riêng những người thực hành di sản. Đặc biệt, càng không nên có tâm lý “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong cùng một loại hình di sản nhưng được diễn xướng ở các không gian khác nhau, bởi những nghệ sĩ, nghệ nhân khác nhau.

Đoan Túc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nghe-thuat-cheo-chuyen-nghiep-co-dang-lep-ve-truoc-san-khau-khong-chuyen-41866.html