Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại: Người chép sử bằng ảnh

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại được coi như một huyền thoại trong làng nhiếp ảnh kháng chiến. Các bức ảnh của ông là những tác phẩm nghệ thuật, ghi lại dấu mốc đặc biệt của lịch sử dân tộc, trong đó có những bức ảnh vô giá về chiến dịch Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Họp bàn kế hoạch tác chiến tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp Ảnh: Triệu Đại

70 bức ảnh, tương ứng với 70 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại (1920 - 1992) đang được triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 - Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sự kiện bắt đầu từ ngày 3/5/2024, do gia đình cố nghệ sĩ kết hợp với Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân (cơ quan trước đây của ông) tổ chức.

Không chỉ là một buổi triển lãm nghệ thuật, đây còn là dịp để tôn vinh sự nghiệp, tài năng của nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cùng các nhiếp ảnh gia lão làng khác; để cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam cùng nhau tôn vinh và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhiếp ảnh gia Triệu Đại đối với nghệ thuật và văn hóa đất nước. Triển lãm cũng là cơ hội để những người yêu nghệ thuật, yêu nhiếp ảnh có thể hiểu rõ hơn về con người và những tác phẩm trong thời chiến.

Ký ức phía sau những bức ảnh lịch sử

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại

Một buổi sáng tháng Tư rực nắng, trong căn nhà trên con phố Duy Tân (Hà Nội), chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Triệu Minh Chính (sinh năm 1962) - người con trai thứ hai của nhiếp ảnh gia Triệu Đại. Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Triệu Đại cùng câu chuyện phía sau những bức ảnh đó khiến tôi có cảm giác như được sống giữa không khí của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

“Nếu còn sống, thì bố tôi năm nay 104 tuổi”, ông Chính chia sẻ.

Giới nhiếp ảnh kháng chiến không ai không biết đến Triệu Đại. Họ gọi ông là “Người chép sử bằng ảnh”. Triệu Đại là một trong những nhiếp ảnh gia tiêu biểu đã ghi lại những khoảnh khắc đầy ý nghĩa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ khốc liệt. Ông không chỉ là người chụp ảnh, mà còn là người chứng kiến, người đồng hành trong những cuộc chiến, những cột mốc lịch sử. Với tâm hồn nghệ sĩ và trái tim yêu nước, ông đã ghi lại những bức ảnh có một không hai của cuộc chiến tranh, sự hy sinh và niềm tự hào dân tộc trong thời kỳ kháng chiến.

Mỗi bức ảnh của nhiếp ảnh gia Triệu Đại đều chứa đựng cảm xúc, ghi lại khoảnh khắc lịch sử, thể hiện một cách chân thực nhất về cuộc sống và cuộc chiến tại Điện Biên Phủ.

56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, niềm tin, hy vọng, sự kiên trì và tinh thần đoàn kết đã tạo nên những điểm sáng giữa biển lửa chiến trường. Ông Chính tự hào kể, hồi ấy, trong kháng chiến ác liệt, gian khổ, thiếu thốn máy móc, hóa chất, phim, giấy ảnh…, nhưng nhiếp ảnh gia Triệu Đại cùng đồng nghiệp vẫn chụp, in, phóng được nhiều bức ảnh quý. Không ít nghệ sỹ nhiếp ảnh đã hy sinh trên các chiến trường, nhuộm lá quốc kỳ Việt Nam thêm thắm đỏ và để lại những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị sống mãi với thời gian.

Nhìn vào những bức ảnh vô cùng đắt giá mà nhiếp ảnh gia Triệu Đại đã ghi lại về cuộc chiến tranh tàn khốc, có thể cảm nhận được sự hối hả trên mặt trận Điện Biên Phủ. Hình ảnh người lính, những chiến sỹ cầm súng, những phụ nữ mang theo con nhỏ trên vai, những đứa trẻ ngây thơ giữa lửa đạn… đã được nhiếp ảnh gia Triệu Đại ghi lại bằng những cú nhấn máy tinh tế và đầy xúc cảm.

Năm 1953, khi đang làm việc tại Ban Tuyên huấn của Tổng cục Chính trị, nhiếp ảnh gia Triệu Đại được lãnh đạo Tổng cục giao nhiệm vụ chụp ảnh tại Điện Biên Phủ. Không chút ngần ngại, ông sẵn sàng nhận nhiệm vụ ghi lại những khoảnh khắc đầy ý nghĩa trong cuộc đấu tranh của dân tộc và cũng là phóng viên người Việt Nam duy nhất tham gia từ đầu đến cuối chiến dịch.

Phần lớn những bức ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ đều do nhiếp ảnh gia Triệu Đại thực hiện. Ông trực tiếp nhận lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ghi lại từng khoảnh khắc chân thực nhất của cuộc chiến. Những bức ảnh của ông đã làm nổi bật tấm gương về lòng quyết tâm, sự hy sinh của người lính, của những người dân tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước…

Tuy nhiên, không phải tất cả những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Triệu Đại thực hiện đều được công bố vào thời điểm đó. Có những bức ảnh phải đến sau này mới được trưng bày. Qua những bức ảnh, mỗi người dân và thế hệ đi sau càng thêm hiểu, biết ơn, kính trọng và tôn vinh những người anh hùng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì đất nước.

Lắng nghe câu chuyện và những chia sẻ của ông Chính, tôi cảm nhận được tình yêu và niềm tự hào của ông về người cha tài năng của mình. Ký ức tuổi thơ của ông gắn liền với những chiếc máy ảnh, với không gian nghệ thuật nhiếp ảnh… Ông nói, mình được thừa hưởng niềm đam mê của bố, mặc dù hai cha con có những cái nhìn khác biệt về nghệ thuật. Trân quý những bức ảnh vô giá mà cha để lại, ông Chính lưu giữ cẩn thận từng bức ảnh cả trong máy tính và mỗi khi có dịp lại mở ra, khoe với mọi người.

Mỗi bức ảnh của nhiếp ảnh gia Triệu Đại đều chứa đựng cảm xúc, ghi lại khoảnh khắc lịch sử, thể hiện một cách chân thực nhất về cuộc sống và cuộc chiến tại Điện Biên Phủ. Đôi mắt của những người lính trong bức ảnh thể hiện tinh thần dũng cảm, sự quyết tâm và cả sự kiên trì... Nụ cười của những người phụ nữ cho thấy sự bền bỉ, can trường khi đối diện với khó khăn. Sự ngây thơ của những đứa trẻ mang đến hy vọng về một tương lai tươi sáng… Những khoảnh khắc được nhiếp ảnh gia Triệu Đại ghi lại đã trở thành một phần của di sản văn hóa để thế hệ sau biết ơn và nhớ mãi.

Bức ảnh lá cờ quyết chiến quyết thắng phất cao trên nóc hầm De Castries của nhà nhiếp ảnh Triệu Đại đã đi vào lịch sử như một biểu tượng chiến thắng chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam và của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới Ảnh: Triệu Đại

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện…

Nhắc tới trận chiến trên Đồi A1, trận chiến gay go và quyết liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là nơi mà các nhiếp ảnh gia phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, thử thách nhất, giọng ông Chính như nghẹn lại.

“Trong quá trình tác nghiệp, bố tôi không may bị văng mất một miếng sọ, nhưng sau khi được cán bộ y tế điều trị, ông lại tiếp tục đứng lên, xông pha ra chiến trường và ghi lại những hình ảnh ấn tượng, đầy cảm xúc của cuộc chiến...”, ông Chính kể.

Trận Him Lam bị đánh sập hầm, nhiếp ảnh gia Triệu Đại được đồng đội lôi ra để hô hấp nhân tạo. Sau khi tỉnh, ông lại đứng dậy tiếp tục tác nghiệp. Khi ấy, tinh thần của người chiến sỹ và của nhiếp ảnh gia đã hòa vào làm một. Không ngại đối diện với hiểm nguy, với hy sinh, nhiếp ảnh gia Triệu Đại đã vượt qua tất cả để thực hiện nhiệm vụ.

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Triệu Đại ghi được một thực tế tương phản: trên đồi Him Lam, khói đạn chưa tan, đối phương chết la liệt, đối lập với cảnh quân ta thừa thắng xông lên, băng qua xác giặc để tiếp tục truy kích. Hình ảnh anh bộ đội chân đất và đồng đội nối nhau ở phía trước toát lên khí thế mãnh liệt, tinh thần chiến đấu ngoan cường, làm chủ hoàn toàn chiến trường của quân ta. Đây là một trong những bức ảnh chiến đấu tại trận rất thực, rất xuất sắc của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Cũng ở Đồi Him Lam, có một bức ảnh được nhiếp ảnh gia Triệu Đại chụp trực tiếp, nối ghép bằng 2 phim quét ngang. Ông Chính nói, ông từng được nghe cha mình kể lại, ngày đó, máy ảnh còn thô sơ, không thể chụp toàn cảnh khi đứng gần bằng một lần bấm máy. Nhiếp ảnh gia Triệu Đại đã bấm máy 2 lần thu để được toàn cảnh khu vực trận địa, ghép không lệch... Với sự sáng tạo, nhà nhiếp ảnh tài ba đã chớp được khoảnh khắc lịch sử có một không hai.

Bức ảnh tái hiện không gian rộng của trận địa và núi đồi san sát kéo dài, có cả các chiến sĩ phất cờ, các chiến sĩ vận động trong chiến hào và xác lính Pháp nằm bên sườn lô cốt ẩn hiện dưới nhiều đám khói nghi ngút. Đây là một bản trường ca bi tráng, khiến bất cứ người xem ảnh nào cũng phải lặng đi, hoặc run lên bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Nó là lời kết án, thậm chí hơn cả lời kết án, nó là “mặt khắc trên chiếc triện đồng khổng lồ nung đỏ in hằn vào mặt chủ nghĩa thực dân, để nhân loại không quên ủi các ông chủ buôn súng, buôn người xuống nhà mồ”.

Tại khu vực cầu Mường Thanh, nhiếp ảnh gia Triệu Đại đã kịp ghi lại khung cảnh đúng lúc bộ đội ta giương ngọn cờ và vừa chớm tới đầu cầu. Dưới chân cầu vẫn còn ngổn ngang dù trắng của phía quân đội Pháp. Bộ đội ta cấp tập từ chân cầu lên mặt đường, vượt cầu để đánh vào trung tâm.

Cận cảnh đồi Him Lam, thời điểm sau khi 40 khẩu pháo của quân đội ta trút đạn xuống đồn địch, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ Ảnh: Triệu Đại

Đặc biệt, sau 70 năm, bức ảnh bộ đội ta phất cờ trên nóc hầm De Castries vẫn là bức ảnh được nhắc đến nhiều nhất, nó trở thành biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ huy hoàng. Báo chí trong nước và nước ngoài hễ nói tới Điện Biên Phủ là lại đưa bức ảnh này cùng những lời bình luận đầy cảm xúc, bày tỏ sự cảm phục nhân dân Việt Nam anh hùng, cảm phục quân đội Việt Nam thiện chiến, cảm phục tài chiến lược chỉ đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm phục tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là cơ quan đầu não của ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Đây là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy… Từ Sở Chỉ huy này, đi lên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ TP. Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1…

Ông Chính chia sẻ, sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ thân sinh của ông - nhiếp ảnh gia Triệu Đại - quay về làm Trưởng phòng Nhiếp ảnh quân đội tại Cục Tuyên huấn, một bộ phận quan trọng thuộc Tổng cục Chính trị. Đó là thời kỳ Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi sau chiến tranh và nhiếp ảnh có vai trò quan trọng trong việc ghi lại những đổi thay của đời sống xã hội.

Vài năm sau, Phòng Nhiếp ảnh quân đội giải thể. Niềm đam mê nhiếp ảnh đã đưa nhiếp ảnh gia Triệu Đại đến với Báo hình ảnh Quân đội, trực thuộc Báo Quân đội nhân dân (tại địa chỉ số 2 - Lý Nam Đế, Hà Nội). Tại đây, ông đã dành hết tâm huyết, khả năng và tình yêu của mình cho nghề nghiệp, ghi lại những hình ảnh, những câu chuyện đầy ý nghĩa về quân đội, về dân tộc.

Tư liệu lịch sử không chỉ là những dòng chữ trên giấy, mà còn là những bức ảnh “biết nói”. Mỗi giai đoạn, mỗi thời khắc quan trọng của đất nước, của dân tộc đều được các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh, đặc biệt là các nhà nhiếp ảnh kháng chiến ghi lại.

Với những bức ảnh đắt giá về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, năm 2001, nhiếp ảnh gia Triệu Đại đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước. Không chỉ là một nhiếp ảnh gia, Triệu Đại còn là một nghệ sĩ, một người ghi lại lịch sử, để lịch sử sống mãi trong lòng người. Những bức ảnh của ông vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa thể hiện sự kiên định và khát vọng của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do.

Phương Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nghe-si-nhiep-anh-trieu-dai-nguoi-chep-su-bang-anh-d214420.html