Nghề đậu bạc truyền thống Định Công: 'Níu giữ' để một mai không mai một

Nghề đậu bạc ở làng Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội có từ Thế kỷ VII, thời Tiền Lý, do 3 ông Tổ nghề là Trần Điền - Trần Điện - Trần Hòa truyền lại cho dân làng với những nét đặc trưng riêng biệt không nơi nào có.

Từ những thỏi bạc với bàn tay tài hoa tinh xảo và bộ óc sáng tạo, người thợ đậu bạc ở làng Định Công khéo léo kéo chúng thành các sợi bạc nhỏ, mảnh như sợi chỉ rồi uốn ghép thành các chi tiết khác nhau để tạo nên những sản phẩm đa dạng chinh phục thị hiếu khách hàng. Với sự cầu kỳ riêng biệt, nghề đậu bạc ở làng Định Công từng được biết đến là một trong bốn nghề truyền thống bậc nhất của đất kinh kỳ Thăng Long xưa.

Nhưng cũng như bao làng nghề khác, nghề đậu bạc làng Định Công cũng không tránh khỏi những năm tháng thăng trầm, tưởng như mai một. Bằng sự bền bỉ, kiên trì của những nghệ nhân tài hoa, ít ỏi còn lại, nghề đậu bạc truyền thống nơi đất tổ làng nghề Định Công đã dần được phục hồi, lưu truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau...trở thành một nét độc đáo của đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Thợ kim hoàn tại xưởng bạc Định Công

Thợ kim hoàn tại xưởng bạc Định Công

Nằm trong khuôn viên đình làng Định Công, với không gian thoáng rộng, yên tĩnh là nhà thờ tổ nghề kim hoàn và xưởng đậu bạc Định Công của gia đình nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh - con trai của nghệ nhân Quách Văn Trường - người được xem đặt nền móng cho việc khôi phục lại nghề đậu bạc truyền thống Định Công (Hà Nội). Ngày ngày, khoảng 10 người thợ tài hoa nơi đây vẫn cần mẫn, kiên trì qua khối óc và bàn tay sáng tạo làm ra những sản phẩm đậu bạc tinh xảo.

Anh Lê Đình Sơn và chị Nguyễn Thị Lan là những người đã gắn bó với xưởng đậu bạc nhiều năm qua cho biết, để có được một sản phẩm bạc đậu thủ công ưng ý nhất, chinh phục được khách hàng, những người thợ phải mất nhiều ngày, thậm chí hàng chục ngày công với những thao tác công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao.

“Tôi đang làm một chiếc logo. Công đoạn chuẩn bị sẽ dùng những sợi chỉ to để làm khung đảm bảo sự cứng cáp và những nét chỉ nhỏ ở bên trong để cố định lại khung. Sau đó mình sẽ dùng những sợi chỉ được se từ 2 sợi chỉ nhỏ với nhau để làm thành các hoa văn, họa tiết bên trong, tạo nên một sản phẩm hoàn thiện. Quá trình hoàn thiện 1 sản phẩm phụ thuộc vào tay nghề người thợ. Người thợ có tay nghề cao sẽ làm nhanh hơn, đẹp hơn và ít thời gian hơn, mất 1 khoảng ngày, còn người thợ mới sẽ mất 3-4 ngày”, anh Lê Đình Sơn chia sẻ.

Còn theo chị Nguyễn Thị Lan, một sản phẩm tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ không thể tính bằng thời gian. “Mình đang làm mấy cái châm cài áo có 3 cánh gắn đá nên phải làm từng chi tiết sau đó ghép lại. Khó khăn của người thợ là phải biết căn, chia cho đều nên nhiều sản phẩm không thể tính được thời gian”, chị Lan cho biết.

Người thợ bạc thủ công uốn các chi tiết cánh hoa rất nhỏ thành một bông hoa ghép trên sản phẩm hoa sen

Người thợ bạc thủ công uốn các chi tiết cánh hoa rất nhỏ thành một bông hoa ghép trên sản phẩm hoa sen

Với công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo trong từng chi tiết, không ít lần anh Lê Đình Sơn tưởng như không theo được nghề, bởi có những sản phẩm cứ làm đi làm lại nhưng mãi không được sẽ gây chán nản. Những lúc như vậy anh Tuấn Anh lại chuyển sang những công việc khác dễ làm hơn. “Khi làm được sản phẩm thành công mình lấy lại tinh thần và lại học hỏi tiếp. Do yêu thích công việc tỉ mỉ nên tôi theo học nghề này và quan trọng nữa là phải có niềm đam mê, sự yêu thích và bàn tay khéo léo cùng óc sáng tạo”, anh Sơn chia sẻ.

Để làm ra một sản phẩm đậu bạc truyền thống Định Công tinh xảo, người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản, đó là trơn, đấu, chạm, đậu. Trơn là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn. Đấu là lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối. Chạm là khắc hình vẽ, hoa văn, họa tiết như chạm ám, thúc nổi, hạ cát… lên mặt trang sức hay vàng, bạc. Đậu là kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như sợi tóc, tạo những họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá… gắn vào đồ trang sức. Trong đó, kĩ thuật đậu bạc được coi là công phu nhất, đòi hỏi người thợ phải có bàn tay thật sự khéo léo, tỉ mỉ để “thổi” từng chi tiết vào từng sản phẩm.

Một sản phẩm đậu bạc truyền thống Định Công tinh xảo

Một sản phẩm đậu bạc truyền thống Định Công tinh xảo

Để trở thành một người thợ lành nghề không hề dễ dàng, vừa học vừa thực hành ít nhất trong 2 năm mới có thể làm nên những sản phẩm hoàn chỉnh. Chia sẻ về những khó khăn khi muốn theo nghề, anh Nguyễn Quang Thao, 45 tuổi cho biết, khi mới vào học nghề sẽ tập uốn các sòi, sau khi uốn được sẽ học nấu bạc, cán bạc và se chỉ. Sợi bạc rất mảnh, chỉ từ 0.26-0.28 micro se sẽ cán mỏng ra. “Khi mới bước vào nghề nhiều kỹ thuật chưa làm chủ được, nên phải qua một vài lần làm hỏng mới hiểu ra được nguyên lý, sau đó thao tác chuẩn chỉ hơn mới làm chủ được”, anh Thao tâm sự.

Những người đam mê với nghề, gắn bó với xưởng đậu bạc Định Công cùng chung khát vọng là làm sao giữ, duy trì được nghề. Các sản phẩm kim hoàn làm ra là những sản phẩm thủ công độc đáo, hoàn hảo được thị trường đón nhận. Xa hơn nữa là “truyền lửa” cho các thế hệ kế tiếp, để làng nghề chạm bạc Định Công lưu danh là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long.

Như muốn tiếp thêm động lực cùng những nghệ nhân, chị Mai Hồng Hạnh người con của làng Định Công đã quyết định nghỉ việc ở cơ quan nhà nước đến với xưởng đậu bạc nơi chính “đất tổ làng nghề”:

“Tôi có lợi thế là người làng nên quyết định nghỉ cơ quan nhà nước để ra làm ở xưởng. Làm việc này không phải mục đích có thu nhập cho gia đình ổn định, tôi mong muốn sau này cùng Tuấn Anh có những trao đổi, bàn bạc với nhau để có hướng phát triển cho làng nghề, thực hiện ước mơ vì làng nghề, vì một thứ gì đó để lại để mình thấy sống có ích cho cuộc đời thêm đẹp”, chị Hạnh bộc bạch.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật cho học viên

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật cho học viên

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng, ngoài các dòng đậu bạc phổ biến như nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vòng, trâm cài áo, trâm cài tóc,… thời gian qua, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh không ngừng cải tiến, sáng tạo thêm thêm nhiều dòng sản phẩm lưu niệm. Trong đó, nổi bật là là tranh Đậu bạc Định Công, là những hình ảnh văn hóa gắn với biểu tượng của Hà Nội lên tranh như hình ảnh Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Phố cổ… hay như các loại tranh hoa sen bạc đậu có ý nghĩa an yên, bình thản trong tâm hồn, tranh mục đồng thổi sáo Đậu Bạc,… Tuy nhiên, Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh vẫn còn không ít điều trăn trở.

“Mỗi lần tham gia các cuộc trưng bày và triển lãm, sản phẩm nhận được rất nhiều tín hiệu tích cực của khách hàng, họ rất yêu mến nên dù có khó khăn mình vẫn lựa chọn làm sản phẩm kĩ đạt chất lượng cao, không chạy theo thị trường. Khi sản phẩm có đầu ra tốt lại tính đến bài toán người thợ. Tôi có thể đào tạo miễn phí cho rất nhiều người, nhưng sau một thời gian họ nản, họ bỏ nê tâm huyết của mình bỏ ra luôn trong tình trạng đào tạo 10 người mới được 1 người. Khách hàng tìm đến rất nhiều, đó là cơ hội của làng nghề nhưng mình không đáp ứng được hết lại thấy áy náy vì cơ hội đang đến nhưng không khai thác được để làng nghề vẫn trì trệ”, Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh băn khoăn.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh vẫn còn không ít điều trăn trở

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh vẫn còn không ít điều trăn trở

Nhằm bảo tồn, quảng bá và phát triển hơn nữa các làng nghề trên địa bàn thành phố nói chung, làng nghề đậu bạc Định Công nói riêng, TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết khôi phục làng nghề. Triển khai Nghị quyết của thành phố, năm 2023, UBND quận Hoàng Mai kết hợp với Chi hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công tổ chức lớp dạy nghề cho các bạn trẻ trong quận để giữ nghề truyền thống chạm bạc của làng. 35 học viên của lớp được đào tạo nghề miễn phí, sau khi thành thạo sẽ là nguồn nhân lực chính cho làng nghề đậu bạc 1.500 tuổi này.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai đây là điều khởi sắc, bởi trong nhiều vấn đề hiện nay, nguồn nhân lực kế cận là bài toán chung cho tất cả các làng nghề truyền thống.

“Chính quyền phường Định Công cũng như người dân và các nghệ nhân làng nghề rất đau đáu và mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để duy trì và phục hồi lại làng nghề lưu truyền nghề của ông cha. Đây không chỉ là tinh hoa nghề truyền thống mà còn tạo điều kiện cho con em sinh sống bằng nghề nên để gắn bó được với nghề phải có nguồn đầu vào, đầu ra. Tôi mong muốn khi đã có nhãn hiệu đậu bạc, quận và thành phố tăng cường quảng bá nghề đậu bạc của Định Công, từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức thành làng nghề truyền thống du lịch, làng nghề quảng bá nghề”, bà Phượng mong muốn.

Giới thiệu sản phẩm đậu bạc Định Công

Giới thiệu sản phẩm đậu bạc Định Công

Với những gì thành phố Hà Nội, quận Hoàng Mai đang triển khai và tâm huyết giữ nghề của các nghệ nhân và dân làng nơi đây, tin chắc rằng nghề đậu bạc truyền thống Định Công sẽ được bảo tồn, quảng bá và phát triển. Ở đó, chúng ta không chỉ biết đến đậu bạc là một sản phẩm kim hoàn độc đáo thuần túy mang giá trị kinh tế, truyền thống mà còn là giá trị văn hóa của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn vật.

Kim Thanh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nghe-dau-bac-truyen-thong-dinh-cong-niu-giu-de-mot-mai-khong-mai-mot-post1095150.vov