Nghệ An: Phê bình chủ tịch huyện nếu để dịch dại, cúm gia cầm lây lan

Đó là nhấn mạnh của UBND tỉnh Nghệ An trước diễn biến phức tạp của bệnh dại trên động vật và bệnh cúm gia cầm trong thời gian vừa qua.

Ngày 21/3, thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An cho biết, vừa đã ban hành Chỉ thị 06/CT-UBND, chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh trước diễn biến phức tạp của bệnh dại và bệnh cúm gia cầm thời gian vừa qua.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gia cầm mắc bệnh.

Theo cơ quan chức năng, Nghệ An có tổng đàn vật nuôi lớn với hơn 34 triệu con gia cầm, gần 40.000 con chó. Năm 2023, xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm, 11 ổ bệnh dại làm 7 người tử vong. Chỉ trong tháng 2/2024, đã xảy ra 2 ổ dịch dại tại huyện Quỳ Châu và thị xã Thái Hòa.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, bệnh cúm gia cầm hiệu quả, giảm thiểu tử vong ở người, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai kịp thời các chỉ thị, công văn của Bộ NN&PTNT về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bệnh dại trên động vật và cúm gia cầm.

Đẩy mạnh việc tiêm vaccine trên đàn gia cầm.

Cụ thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại, cúm gia cầm. Làm tốt công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh; kịp thời cảnh báo, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch khi mới phát sinh.

Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý đàn vật nuôi, tiêm phòng vắc-xin; kiểm tra nguồn gốc, điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở tập kết…Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý đàn vật nuôi; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó mèo; tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định. Đối với đàn gia cầm, tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đạt trên 80% tổng đàn.

Các địa phương đang có dịch phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới. Địa phương nào chủ quan, lơ là, không quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, để dịch bệnh xảy ra và lây lan, có người tử vong do chó mắc bệnh dại cắn hoặc người chết do nhiễm virut cúm gia cầm khi đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc-xin thì Chủ tịch UBND cấp huyện bị phê bình.

Phún hóa chất phòng ngừa dịch bệnh.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: "Để phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của bệnh dại thì quản lý và tiêm phòng cho đàn chó, mèo là một giải pháp có tính quan trọng hàng đầu. Để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt ít nhất 80% tổng đàn. Đồng thời, phải tiêm bổ sung cho chó, mèo phát sinh hoặc bị bỏ sót chưa được tiêm, nhất là với những huyện đã có trường hợp người tử vong do bệnh dại".

Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện triển khai kế hoạch chưa đầy đủ, quyết liệt, chưa trích kinh phí để thực hiện chương trình, tình trạng chó thả rông còn nhiều, tỷ lệ tiêm phòng dại chó hàng năm thấp… Nhằm tăng hiệu quả miễn dịch cho đàn vật nuôi, hàng năm, trên địa bàn toàn tỉnh, Nghệ An tổ chức triển khai 2 đợt tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn tỉnh 1 vụ/năm và tiêm phòng bổ sung vào vụ thu từ tháng 9-10 hàng năm để tạo miễn dịch chủ động cho đàn chó.

Ngoài ra, những khó khăn trong việc phòng chống bệnh dại trên địa bàn là việc thống kê, điều tra chưa thực hiện được liên tục, tổng đàn chó biến động thường xuyên. Đặc biệt, hiện tượng chó thả rông còn phổ biến, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ý thức của một số người dân chưa hiểu, chưa chấp hành tốt trong công tác phòng chống dịch bệnh dại.

Trạm cứu hộ trái tim Tập 6: Ngân Hà như chết lặng vì thứ trong túi chồng, Nghĩa cũng sốc không kém gì vợ.

Vũ Đồng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nghe-an-phe-binh-chu-tich-huyen-neu-de-dich-dai-cum-gia-cam-lay-lan-172240321144316508.htm