Nghệ An: Nỗ lực làm tốt công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc

Nghệ An là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng người lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Hàn Quốc (EPS), với số lượng hiện tại là 13.002 người.

Những năm qua, Nghệ An đã luôn nỗ lực trong công tác thông tin tuyên truyền về chương trình EPS; phối hợp triển khai các bước liên quan trong quy trình thực hiện EPS; tuyên truyền vận động người lao động về nước đúng thời hạn.

Bình quân hằng năm có từ 800 - 1.500 lao động của tỉnh Nghệ An được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc với mức tiền lương từ 1.500 - 2.000 USD/người. Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Nghệ An đã tiếp nhận hơn 6.261 hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn trong năm 2024, tăng cao so với các năm.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An tổ chức Phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động trên địa bàn huyện Tương Dương.

Nguyên nhân là bởi Trung tâm Lao động ngoài nước (LĐNN) đã có công văn gỡ lệnh cấm tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS đối với các địa phương gồm huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên và thị xã Cửa Lò. Do được gỡ lệnh cấm nên gười lao động ở các địa bàn trên đăng ký hồ sơ đi xuất khẩu sang Hàn Quốc khá nhiều.

Chi phí đi Hàn Quốc theo diện EPS là diện ưu đãi, thấp, với mức khoảng 630 USD (tương đương khoảng trên 15 triệu đồng) trong khi thu nhập hằng tháng khá cao thế nên thị trường lao động Hàn Quốc luôn được nhiều người lựa chọn.

Đối với kỳ thi tiếng Hàn trong đợt 1 năm 2024, Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị các huyện, thành, thị, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An tuyên truyền về những trường hợp không được thi tuyển. Đó là những người chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc; nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp theo Visa E9 (lao động EPS) hoặc (và) Visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 5 năm; lao động không bị cấm xuất cảnh tại Việt Nam; không có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Trường hợp người lao động đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS thì phải về nước đúng hạn hợp đồng, trong trường hợp từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn phí xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện trình diện để về nước. Trong trường hợp này người lao động phải xuất trình được các giấy tờ chứng minh.

Tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu rõ về EPS

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã tăng cường thông tin tuyên truyền về EPS trên các cơ quan thông tấn báo chí, trên mạng xã hội, trên loa phóng thanh của các địa phương và tuyên truyền trực tiếp qua các hội nghị tại các huyện, thành, thị. Qua đó, để người dân hiểu rõ hơn về chương trình EPS và vận động người thân, người lao động tuân thủ quy định hợp đồng lao động, không cư trú bất hợp pháp.

Luật Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc được Quốc hội Hàn Quốc thông qua ngày 16/8/2003, quy định Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) có hiệu lực từ ngày 16/8/2004.

Theo quy định của Luật này, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi không tuyển dụng được lao động trong nước sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài với số lượng nhất định; việc giới thiệu, quản lý toàn bộ các vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thực hiện. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ với các nước để phái cử và tiếp nhận lao động đến Hàn Quốc làm việc.

Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ với 16 quốc gia, bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Mông cổ, Sri Lanka, Trung Quốc, Campuchia, Nêpal, Uzbekistan, Pakistan, Bangladesh, Kyrgystan, Mianma, Đông Timo và Lào.

Trung tâm LĐNN được Bộ LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ là cơ quan phái cử lao động, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi tiếng Hàn; tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký dự tuyển, nhập thông tin hồ sơ của người lao động vào hệ thống SPAS của Hàn Quốc để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, xin cấp visa và tổ chức cho người lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc.

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Nghệ An đã tiếp nhận hơn 6.261 hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn trong năm 2024, tăng cao so với các năm.

Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) được Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc giao nhiệm vụ là cơ quan tiếp nhận lao động, có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động, giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn, hỗ trợ thủ tục tiếp nhận và hỗ trợ lao động nhập cảnh.

Người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc phải tham dự và đạt yêu cầu tại kỳ thi tiếng Hàn do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức. Người lao động đạt yêu cầu về tiếng Hàn và đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển về Trung tâm LĐNN. Hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động đạt yêu cầu sẽ được nhập thông tin vào hệ thống mạng của Hàn Quốc để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn. Người lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết sẽ xuất cảnh sang làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. Người lao động nước ngoài được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ và được hưởng những quyền lợi cơ bản bình đẳng như người lao động Hàn Quốc.

Quy trình thực hiện chương trình EPS gồm 9 bước:

Bước 1: Người lao động phải tự học tiếng Hàn để có thể tham dự kỳ thi tiếng Hàn EPS-KLT.

Bước 2: Người lao động tham dự kỳ thi tiếng Hàn do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức. Kế hoạch thi được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người lao động trực tiếp đăng ký tại các Sở LĐ-TB&XH nơi có hộ khẩu thường trú và dự thi tại địa điểm do Trung tâm LĐNN thông báo

Bước 3. Nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển

Những người lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn sẽ được thông báo để khám sức khỏe và nộp hồ sơdự tuyển về cho Trung tâm LĐNN.

- Về hồ sơ dự tuyển: Người lao động có thể tải và in trực tiếp tại trang web: colab.gov.vn hoặc liên hệ mua tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Hồ sơ gồm có: Bìa hồ sơ, đơn đăng ký dự tuyển, bản cam kết, sơ yếu lý lịch theo mẫu của Trung tâm LĐNN; giấy khám sức khỏe theo mẫu của Bộ Y tế.

- Về khám sức khỏe: Người lao động trực tiếp đến các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y Tế về hướng dẫn khám sức khỏe. Hồ sơ khám sức khỏe bao gồm: 1 bản tiếng Việt và 1 bản tiếng Anh.

Sau khi có kết quả sức khỏe người lao động nộp hồ sơ về Trung tâm DVVL. Hồ sơ dự tuyển sẽ được Trung tâm Dịch vụ việc làm chuyển về Trung tâm LĐNN kiểm tra, xử lý, những hồ sơ đạt yêu cầu sẽ được gửi sang Hàn Quốc.

Bước 4: Doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn, ký hợp đồng lao động

Những người lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn để ký hợp đồng lao động sẽ được Trung tâm LĐNN thông báo, bằng các phương thức như sau: Gửi công văn thông báo cho Sở LĐ-TB&XH nơi người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn; gửi thư trực tiếp qua đường bưu điện tới người lao động; đăng tải danh sách những người lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn trên trang thông tin điện tử của Trung tâm LĐNN.

Bước 5: Nộp tiền, ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với Trung tâm LĐNN

Khi nhận thông báo của Trung tâm về việc được lựa chọn để ký hợp đồng lao động, người lao động nộp khoản tiền Việt Nam tương đương với 630 đô la Mỹ (theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH). Số tiền này để chi trả lệ phí xin cấp Visa, tiền mua vé máy bay lượt đi sang Hàn Quốc, chi phí tuyển chọn, xử lý hồ sơ và chi phí đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm LĐNN và thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng này.

Bước 6: Ký quỹ tại Ngân hàng chính sách xã hội

Người lao động thực hiện ký quỹ tại phòng giao dịch hoặc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp với số tiền là 100 triệu đồng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 31/2013/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12/11/2013 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính. Chỉ những người lao động đã thực hiện ký quỹ mới được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

Để doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động không mất nhiều thời gian chờ đợi, có thể dẫn đến việc hủy hợp đồng lao động thì người lao động nên thực hiện ký quỹ trong thời gian 7 ngày kể từ ngày nhận được Hợp đồng ký giữa Trung tâm LĐNN và người lao động. Ngay sau khi hoàn thành việc ký quỹ, người lao động phải Fax Giấy xác nhận ký quỹ cho Trung tâm LĐNN theo số máy 04.37737384 và thông báo bằng điện thoại theo số máy 04.37379058.

Bước 7: Tham dự khóa Bồi dưỡng kiến thức cần thiết và xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc

Người lao động tham dự khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết do Trung tâm LĐNN tổ chức. Chỉ những người lao động đạt yêu cầu qua đợt kiểm tra cuối khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết và được cấp chứng chỉ mới được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, Trung tâm LĐNN sẽ gửi công văn thông báo xuất cảnh cho Sở LĐ-TB&XH và trực tiếp qua đường bưu điện cho người lao động. Trung tâm LĐNN sẽ trực tiếp hướng dẫn các thủ tục, tổ chức đưa người lao động ra sân bay Nội Bài và đón người lao động tại sân bay Incheon, Hàn Quốc.

Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, những người lao động đủ điều kiện sẽ được Trung tâm LĐNN xin cấp Visa nhập cảnh Hàn Quốc tại Đại sức quán Hàn Quốc tại Việt Nam và phối hợp với phía Hàn Quốc bố trí xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.

Trung tâm LĐNN sẽ thông báo lịch xuất cảnh thông qua Sở LĐ-TB&XH và đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của Trung tâm.

Trong ngày tập trung xuất cảnh người lao động phải kiểm tra lại sức khỏe, bao gồm các nội dung: Xét nghiệm máu, chụp XQ phổi, khám thai nếu là lao động nữ (nếu đủ điều kiện mới được xuất cảnh), đồng thời người lao động phải mang theo Giấy xác nhận ký quỹ bản chính để nộp cho Trung tâm LĐNN.

Bước 8: Thực hiện hợp đồng lao động tại Hàn Quốc và về nước đúng hạn khi hết thời hạn hợp đồng lao động

Người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo thời gian trong hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động. Trước khi hết hạn hợp đồng lao động, người lao động phải thông báo kế hoạch về nước của mình với Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc để Trung tâm LĐNN có căn cứ thanh lý hợp đồng và làm các thủ tục tất toán tài khoản ký quỹ cho người lao động.

Bước 9: Thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, tất toán tài khoản ký quỹ.

Nếu người lao động về nước đúng thời hạn, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS mà người lao động đã ký với Trung tâm LĐNN sẽ tự động thanh lý. Trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động về nước, Trung tâm LĐNN sẽ thông báo bằng văn bản cho Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội để có cơ sở hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản ký quỹ cho người lao động.

Nếu người lao động bỏ trốn trước khi về nơi làm việc theo Hợp đồng lao động (bỏ trốn tại sân bay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc, bỏ trốn tại cơ sở đào tạo của Hàn Quốc...) hoặc không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động thì tiền ký quỹ của người lao động (bao gồm cả gốc và lãi) được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc.

Đối với các trường hợp phát sinh khác số tiền ký quỹ của người lao động sẽ xử lý theo các điều khoản được quy định trong hợp đồng giữa Trung tâm LĐNN và người lao động.

Mai Liễu

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghe-an-no-luc-lam-tot-cong-tac-dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-co-thoi-han-tai-han-quoc-169189.html