Ngày mới ở Yên Kỳ

Là xã miền núi của huyện Hạ Hòa, địa hình chủ yếu của Yên Kỳ là gò đồi và núi thấp xen kẽ những thung lũng hẹp. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Yên Kỳ không chỉ là nơi đặt trụ sở của khu bộ khu X mà còn là nơi đặt trụ sở các cơ quan lãnh đạo của tỉnh như Tỉnh ủy...

Bia kỷ niệm truyền thống nơi Tỉnh ủy đặt trụ sở làm việc thời kỳ 1948-1954 trên gò Nong Móng (khu 4, xã Yên Kỳ).

(baophutho.vn) - Là xã miền núi của huyện Hạ Hòa, địa hình chủ yếu của Yên Kỳ là gò đồi và núi thấp xen kẽ những thung lũng hẹp. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Yên Kỳ không chỉ là nơi đặt trụ sở của khu bộ khu X mà còn là nơi đặt trụ sở các cơ quan lãnh đạo của tỉnh như Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, các ban, ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh và nhiều cơ quan Trung ương. Đây cũng là nơi dừng chân của lớp văn nghệ sĩ kháng chiến và là địa điểm tổ chức Đại hội văn nghệ toàn quốc đầu tiên…
Kế thừa giá trị lịch sử ấy, những năm qua, cán bộ, nhân dân Yên Kỳ đã không ngừng vượt khó, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương. Với những lợi thế về thổ nhưỡng cùng với tư duy ngày càng nhạy bén, người dân không chỉ cấy lúa, trồng màu đảm bảo an ninh lương thực mà đã mạnh dạn đầu tư, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển cây chè, cây nguyên liệu giấy trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh xuất khẩu lao động, mở rộng ngành nghề dịch vụ, thu hút đầu tư, mở xưởng chế biến gỗ và đưa các xưởng may công nghiệp về làng.Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cuối năm 2019, xã Yên Kỳ mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã trước đây là Cáo Điền, Chính Công và Yên Kỳ. Với diện tích được mở rộng lên tới hơn 28km2 và quy mô dân số hơn 10.000 khẩu, Yên Kỳ có thêm nhiều cơ hội mới, là tiền đề cho tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) và cơ sở hạ tầng. Đồng chí Nguyễn Kim Ngọc- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, sau hơn một năm sáp nhập, địa phương đã kiện toàn bộ máy, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất, đề ra nghị quyết đưa xã phát triển vững mạnh giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch tổng thể xã mới, xây dựng các điểm dân cư mới, điểm kinh tế phức hợp, hoàn thiện hạ tầng giao thông. Đến nay, toàn xã đạt 15/19 tiêu chí xã NTM. Ngoài khu 3 và khu 7 đã đạt khu NTM, xã tập trung nguồn lực, phấn đấu cuối năm 2021 có thêm ba khu (8-9-10) đạt khu NTM.

Sản xuất ván gỗ bóc xuất khẩu - hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Yên Kỳ.
Về phát triển kinh tế, ngoài duy trì ổn định diện tích hơn 300ha lúa cấy hai vụ và hơn 100ha cây rau mầu, Yên Kỳ tập trung chỉ đạo người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng hơn 900ha chè kinh doanh, nâng cao nhãn hiệu tập thể chè xanh Yên Kỳ đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao. Quản lý tốt diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất gắn với phát triển kinh tế rừng- vườn theo hướng gia trại, trang trại. Khai thác hiệu quả gần 200ha diện tích đầm Chính Công và các ao, hồ, đập nhỏ trên địa bàn để phát triển thủy sản.
Ngoài Nhà máy chè Khánh Hòa - một trong những mô hình sản xuất sạch điển hình với sự hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ của Bộ Công thương, trên địa bàn xã hiện có 16 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản; bốn HTX sản xuất và liên hệ tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương. Đặc biệt, từ kinh nghiệm và tiền vốn thu được sau khi đi XKLĐ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc…, nhiều người con Yên Kỳ đã về quê hương mở nhà máy may, đầu tư xây dựng bốn xưởng may công nghiệp tại làng, thu hút và tạo việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập bình quân 5,5-7 triệu đồng/người/tháng… góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn xã tính đến tháng 6/2021 còn 6,88%; hộ cận nghèo 7,88%... Bên cạnh sự ổn định, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền, người dân các địa phương sau sáp nhập đã hòa nhịp với cuộc sống mới. Diện mạo xã mới Yên Kỳ ngày một khang trang, nhất là hạ tầng nông thôn được cải thiện. Bà Nguyễn Thị Chín, người dân khu 6, xã Yên Kỳ chia sẻ: “Sau Đại hội Đảng bộ xã cũng như thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, người dân chúng tôi thêm tin tưởng vào sự phát triển của xã, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện”.Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những dấu vết lịch sử của vùng căn cứ kháng chiến cũng dần đổi thay nhưng tinh thần, ý chí và tình cảm của người dân nơi đây với Đảng, với cách mạng không hề thay đổi. Yên Kỳ hôm nay đang thay da đổi thịt. Bộ mặt của một vùng quê mang “sắc màu” nông thôn mới đang dần hiện hữu.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202110/ngay-moi-o-yen-ky-180084