Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023: Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị

Với chủ đề 'Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị', Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 hướng tới nâng cao nhận thức số để chương trình chuyển đối số quốc gia được đẩy nhanh, đảm bảo 'không ai bị bỏ lại phía sau' trong tiến trình này.

Quyết định số 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia đã quyết định ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Việc tổ chức thường niên Ngày Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trong toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân, nhằm bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, chương trình “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”, thu hút hơn 50 doanh nghiệp tham gia, triển khai nhiều ưu đãi cho người dân.

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, chương trình “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”, thu hút hơn 50 doanh nghiệp tham gia, triển khai nhiều ưu đãi cho người dân.

Các hoạt động của Ngày Chuyển đổi số quốc gia hàng năm giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) hiện tất cả các bộ, ngành, địa phương đều đã chọn Ngày Chuyển đổi số của bộ, tỉnh mình, nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày này.

Chương trình “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động của Tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 hàng năm.

Các hoạt động cụ thể hưởng ứng Tháng tiêu dùng số bao gồm: Chính quyền nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; xây dựng nền tảng số phục vụ người dân; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội; có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.

Tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số; người dân thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.

Tại Hà Nội, với quyết tâm đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nhiều nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế số được Thành ủy đề ra hướng tới mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội khoảng 30%.

Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố đề ra là “Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”. Trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng, đến năm 2030, mục tiêu đặt ra của Hà Nội đến năm 2025 là số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm; mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Tại Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 về việc chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng 2030, Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, triển khai hiệu quả các kế hoạch phát triển hóa đơn điện tử, biên lai điện tử. Thành phố khuyến khích các ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển, cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia-nam-2023-khai-thac-du-lieu-so-de-tao-ra-gia-tri-161375.html