Ngành sơn và mực in Việt Nam khởi sắc

Trong ngành sơn, doanh nghiệp Việt Nam chiếm 40%-45%, ngành mực in doanh nghiệp Việt Nam chiếm 45%-50% thị phần.

Công ty VEAS, Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, Hiệp hội bao bì Việt Nam, Hội Cao su Nhựa TP.HCM vừa công bố chuỗi Triển lãm quốc tế chuyên ngành sơn phủ, giấy, cao su và nhựa tại Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 6.

Ông Vương Bắc Đẩu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam cho biết, năm 2023 sự giảm sốc ngành bất động sản tác động đến 40 ngành nghề, trong đó có ngành sơn phủ. Nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân ngành sơn phủ phải gánh lỗ, giảm thời gian làm việc hoặc giảm nhân công.

Bước sang năm 2024 các khó khăn về vốn đã được giải quyết, sự minh bạch và thông thoáng trong chính sách, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang được thực thi là những yếu tố tích cực cho nền kinh tế.

Trong đó, ngành sơn và mực in nhận tín hiệu vui. Các DN lớn nhận định ngành sơn và mực in đã vượt đáy suy thoái, nhưng diễn biến kinh tế toàn cầu hiện đang phức tạp, thách thức vẫn còn.

 Các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin tại triển lãm năm 2023. Ảnh: TÚ UYÊN

Các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin tại triển lãm năm 2023. Ảnh: TÚ UYÊN

Không tiết lộ giá trị của ngành năm 2023, ông Đẩu thông tin năm 2022 ngành sơn Việt Nam ước đạt 1,8 tỉ USD giảm 8% so với năm 2021, ngành mực in đạt khoảng 120 triệu USD giảm 5% so với năm 2021.

Việt Nam đang là một trong những nước mà các quốc gia trên thế giới chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang, là điểm đến tiềm năng cho các cơ hội đầu tư của các DN nước ngoài.

“Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam nhìn nhận đó vừa là cơ hội và thách thức đan xen. Mong các DN ngành sơn và mực in Việt có đủ khôn ngoan tỉnh táo để chọn lựa ra giải pháp cho mình”-ông Đẩu chia sẻ.

Mặc dù vậy, ông Đẩu cho rằng rất tự hào ngành mực in Việt Nam tiếp cận công nghệ rất gần với thế giới.

Các nước trong khu vực, ngay cả Trung Quốc rất khó cạnh tranh với DN mực in Việt Nam.

Riêng mực in offset Việt Nam phải nhập khẩu, mảng này DN Việt Nam đang bị cạnh tranh so với DN Trung Quốc và một số nước khác về sản lượng.

Về sơn, sơn trang trí Việt Nam đang chiếm hoàn toàn thị phần.

“Có thể DN sơn và mực in Việt Nam có thuận lợi là người phối chế nguyên liệu nên không gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ thế giới, đi theo xu hướng thế giới rất nhanh”-ông Đẩu nhận xét.

Tuy nhiên, DN Việt Nam gặp thách thức trong mảng sơn gỗ do quy mô, sản lượng của Việt Nam không thể so sánh với nhà sản xuất Trung Quốc và họ đang chuyển công nghệ, sản xuất sang Việt Nam.

“Chúng tôi nhận thấy thách thức nhất vẫn là DN Trung Quốc, DN các nước Thái Lan, Malaysia thì không đáng ngại”-ông Đẩu so sánh.

Nhìn chung trong ngành sơn, DN Việt Nam chiếm 40%-45%, ngành mực in DN Việt Nam chiếm 45%-50% thị phần.

Từ ngày 12 đến 14-6, chuỗi triễn lãm quốc tế bốn ngành công nghiệp sơn phủ, giấy, cao su, nhựa diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.

Năm nay ban tổ chức mở rộng quy mô hơn 30% với gần 10.000 m2 trưng bày, hơn 350 DN đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Việt Nam, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc,…

Chuỗi triển lãm năm nay thu hút nhiều tên tuổi lớn trên thế giới đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, phát triển thị trường, chuyển giao kỹ thuật công nghệ,…Đồng thời giúp các DN Việt, khu vực tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến của thế giới.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-son-va-muc-in-viet-nam-khoi-sac-post790964.html