Ngành hàng xa xỉ châu Âu sa sút do vắng du khách Trung Quốc

Theo Claude Boffa, Giáo sư danh dự về marketing tại Trường Solvay Brussels (Bỉ), xa xỉ là một ngành như bao ngành khác đều bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế, nhưng ít hơn.

Túi xách của hãng Hermes được trưng bày tại cửa hàng ở Hericourt, miền Đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2022 rất thịnh vượng đối với lĩnh vực xa xỉ, nhưng năm 2023 có vẻ khó khăn hơn. Hiệu ứng “hậu COVID” và việc tăng giá là những yếu tố đang làm chậm hoạt động mua sắm trong lĩnh vực này.

Lĩnh vực xa xỉ vẫn hoạt động tốt trong những năm hậu COVID, khi khẩu trang là một phần của trang phục đi chơi, nhưng hiện nay, lĩnh vực này đang có vẻ chậm lại.

Theo Claude Boffa, Giáo sư danh dự về marketing tại Trường Solvay Brussels (Bỉ), xa xỉ là một ngành như bao ngành khác đều bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế, nhưng ít hơn.

Thông thường, khi tình hình kinh tế suy thoái, ngành này có khả năng chống chịu tốt hơn. Khi có những biến động toàn cầu lớn, đồ xa xỉ trở thành một loại giá trị an toàn. Lĩnh vực này đã được hưởng lợi từ hiệu ứng "mua sắm trả thù." "Nhưng chúng ta không thể mua mỗi tháng một chiếc đồng hồ Rolex," ông nói.

Khi được hỏi liệu lạm phát lan rộng và giá năng lượng tăng vọt có thể làm chậm việc mua hàng xa xỉ trong giai đoạn 2022-2023 hay không, Giáo sư Claude Boffa nói rõ: khách hàng xa xỉ thực sự không cảm nhận được sự khác biệt. Ông chủ Louis Vouitton không quan tâm đến giá xăng.

Đối với những người giàu sang thỉnh thoảng muốn hưởng thụ sự xa hoa thì sẽ có những giới hạn. Và đúng là ở Trung Quốc, với cuộc khủng hoảng bất động sản, việc mua sắm hàng xa xỉ đã chậm lại một chút.

Đối với Fabienne Delvigne, người sáng tạo mũ đội cho hoàng gia và gia đình hoàng gia, đại dịch COVID là giai đoạn khá khó khăn. "Không còn lễ cưới, không còn sự kiện nữa, điều đó khiến mọi thứ trở nên phức tạp. Nhưng chúng tôi đã phát triển tốt, bởi người ta ngày càng quan tâm đến chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là giá nguyên liệu thô tăng cao, đã trở nên bất hợp lý. Điều đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của chúng tôi bởi vì rất khó giải thích cho khách hàng. Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ tạm lắng."

Ít khách du lịch Trung Quốc hơn, ít đơn đặt hàng từ Trung Đông hơn

Adrien là nhân viên bán hàng cho một hãng thời trang Italy ở Paris. Theo ông, sự chậm lại của ngành xa xỉ có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là đối với Pháp.

Mùa Hè năm nay không có làn sóng du khách như mong đợi. Đặc biệt là làn sóng du khách Trung Quốc. Đây là nhận định chung đối với nhiều thương hiệu, ngay cả khi một số thương hiệu đang hoạt động tốt. LVMH, Chanel, Dior vẫn là những giá trị an toàn.

Điểm còn lại là nhu cầu yếu từ Trung Đông. “Giá đã tăng khá nhiều đối với chúng tôi và khoảng cách giá giữa Trung Đông, thường cao hơn nhiều so với châu Âu, hiện đang thu hẹp lại và có ít đơn đặt hàng hơn,” ông Adrien cho biết.

Cuối cùng, đối với trường hợp của nước Pháp và Paris nói riêng, một số yếu tố đã làm sa sút danh tiếng quốc tế là nguyên nhân của sự sụt giảm doanh số bán hàng.

“Nước Pháp đã phải chịu một hình ảnh tồi tệ. Bạo loạn và căng thẳng làm chùn bước khách du lịch. Chúng tôi đã thấy sự khác biệt ở Paris," ông Adrien nói thêm.

Thêm vào đó, nhãn hàng Balenciaga đã gây sốc với các chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi và doanh số bán hàng giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của tập đoàn Kering. Tuy nhiên, theo Adrien, đó chỉ là một sự "lướt sóng" và lĩnh vực này, nhờ vào tài năng của các nhà thiết kế, sẽ tiếp tục phát triển tốt.

Năm 2022, toàn bộ lĩnh vực hàng xa xỉ đã đạt mức tăng trưởng ước tính hơn 20% so với năm 2021, với doanh thu 1.384 tỷ euro trên toàn thế giới. Hiệu ứng “mua sắm trả thù” không thể phủ nhận, nhưng sự chậm lại ở châu Âu và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngành./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nganh-hang-xa-xi-chau-au-sa-sut-do-vang-du-khach-trung-quoc/905906.vnp