Ngành Giao thông Vận tải hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng

Sáng ngày 28/12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tham luận tại hội nghị

Theo Bộ GTVT, năm 2023, nổi bật trong việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án (DA) quan trọng quốc gia, trọng điểm là có nhiều DA mới được phê duyệt, khởi công, cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến cao tốc, nhà ga hàng không… Trong đó, Bộ GTVT đã thực hiện rất tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, DA quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 DA, trong đó, có 9 DA đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay gần 730 km, nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc-Nam và Đông-Tây, tạo tiền đề quan trọng để có thể đạt và vượt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Ngành GTVT cũng đã đồng loạt khởi công 12 DA cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài 723,7 km, 3 cao tốc trục Đông-Tây, 2 đường vành đai TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, Chợ Mới-Bắc Kạn, Hòa Liên-Túy Loan…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tham gia phát biểu tham luận. Theo đó, trong năm 2023, tỉnh Đồng Tháp phối hợp tích cực với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA cao tốc, Quốc lộ trên địa bàn. Đối với DA cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đã phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng, cung ứng nguồn vật liệu cát để đầu tư xây dựng hoàn thành, tổ chức lễ khánh thành vào ngày 24/12/2023. Đối với DA Mỹ An - Cao Lãnh, đã phối hợp góp ý điều chỉnh chủ trương đầu tư; Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ; tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phối hợp triển khai khởi công DA vào năm 2024. Đối với DA Cao Lãnh – Lộ Tẻ, đã phối hợp với Ban Quản lý DA Mỹ Thuận thỏa thuận nội dung hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, Ban Quản lý DA Mỹ Thuận đang tổ chức đấu thầu thi công…

Để tiếp tục phát triển mạnh hạ tầng giao thông, ông Phạm Thiện Nghĩa kiến nghị, thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục quan tâm xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ và chủ trương đầu tư đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, tiến trình đầu tư trước năm 2030; Bộ GTVT sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh đầu tư bổ sung hệ thống đường gom dọc thuộc DA cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân; sớm cân đối vốn triển khai thi công DA QL. 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự và tuyến N1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Cùng với đó, tỉnh kiến nghị Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ về việc bổ sung cặp cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) - Bon Tia Chắc Crây (Prey Veng - Campuchia) vào Bản ghi nhớ giữa Chính phủ 3 nước về vận tải đường bộ; nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Thường Phước thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Thường Phước; kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung lõi nút giao Quốc lộ 30 vào DA cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, để bố trí nguồn vốn giải phóng mặt bằng nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân trong vùng lõi nút giao; triển khai giải pháp sử dụng vật liệu thay thế nguồn vật liệu cát đắp nền đường trước tình trạng cát ngày càng khan hiếm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng nhu cầu rất lớn của các công trình giao thông trọng điểm trong khu vực…

NHẬT NAM

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/nganh-giao-thong-van-tai-hoan-thanh-nhieu-chi-tieu-nhiem-vu-quan-trong-119238.aspx