Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu: Một nghịch lý không khó lý giải! Rồi sẽ đi về đâu?

Lạ thay, việc tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng lại có thể thực sự làm suy yếu tham vọng công nghiệp quốc phòng của cả châu Âu.

Xung đột Nga-Ukraine thúc đẩy các sáng kiến quốc phòng của châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Xung đột Nga-Ukraine thúc đẩy các sáng kiến quốc phòng của châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Chuyên gia quân sự và quốc phòng Tim Lawrenson, làm việc tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở Anh vừa qua đã có bài viết đăng trên trang web của viện này, nhận định rằng, xung đột Nga-Ukraine đang thúc đẩy các sáng kiến quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, điều này sẽ có ý nghĩa gì đối với các ngành công nghiệp quốc phòng của các quốc gia lục địa này?

Theo ông Lawrenson, xung đột Nga-Ukraine không chỉ làm hồi sinh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà còn thúc đẩy tốc độ các sáng kiến phòng thủ của EU.

Vài ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine (tháng 2), Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra những đề xuất tương đối rụt rè để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của EU, nhưng trong vài tuần sau, các kế hoạch đầy tham vọng hơn đã được thảo luận.

Tuy nhiên, chuyên gia trên cho rằng, cuộc xung đột cũng đặt ra những thách thức về nhu cầu khác đối với các ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu.

Trước xung đột, ngày 15/2, EC công bố “gói quốc phòng”, nêu nhiều ý tưởng để bổ sung các nỗ lực hiện có nhằm thúc đẩy công nghiệp quốc phòng của EU. Trong số đó, có lẽ hấp dẫn nhất là đề xuất về khoản mới trong Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) dành cho việc mua sắm các công nghệ do EDF tài trợ của các quốc gia thành viên EU.

Tốc độ mua sắm "vù vù"

Chuyên gia của IISS nhận định, những động thái từ Nga dường như đã thúc đẩy EU tăng cường đáng kể các nỗ lực của họ. Trước đây, có một số rào cản không thể thay đổi, nhưng sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, rào cản đó đã nhanh chóng được hạ xuống.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến EU phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với sự tham dự của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước tại Cung điện Versailles (Pháp) vào ngày 10-11/3.

Đến giữa tháng 5, khối đưa ra đề xuất với EC về những “sáng kiến cần thiết để củng cố cơ sở công nghiệp-quốc phòng châu Âu”.

Các đề xuất này bao gồm việc tạo ra Chương trình Đầu tư quốc phòng châu Âu (EDIP) - công cụ sẽ trợ cấp cho việc hợp tác mua sắm các sản phẩm được phát triển trong EU.

Tuy nhiên, nhận thấy sự cấp thiết phải hành động, EC cũng đề xuất một công cụ ngắn hạn, có tên gọi Tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua Đạo luật Mua sắm chung (EDIRPA), theo đó, sẽ đồng tài trợ cho việc hợp tác mua sắm thiết bị có xuất xứ từ EU.

Mục đích rõ ràng của EDIRPA, dựa trên các mục tiêu và tiêu chí đủ điều kiện đã nêu, là không khuyến khích các quốc gia thành viên EU giải quyết khoảng cách năng lực ngắn hạn bằng thiết bị mua từ bên ngoài EU. EDIRPA sẽ có ngân sách 500 triệu Euro, được giải ngân trong 2 năm, từ cuối năm 2022 đến năm 2024.

Những dấu hiệu đầu tiên về tham vọng của EC trong việc thiết lập một chương trình nghiên cứu quốc phòng châu Âu đã xuất hiện từ năm 2014.

Dự án thí điểm trị giá 1,4 triệu Euro về nghiên cứu quốc phòng, hoạt động từ năm 2015-2018, nhanh chóng dẫn đến chương trình Hành động chuẩn bị cho Nghiên cứu quốc phòng (PADR) trị giá 90 triệu Euro, kéo dài từ năm 2017-2019.

Dự án này lần lượt được tiếp nối vào năm 2019-2020 bởi Chương trình Phát triển công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIDP). Với ngân sách 500 triệu Euro, EDIDP lớn hơn PADR hơn 5 lần.

Con dao hai lưỡi?

Thế nhưng, ông Lawrenson lại cảnh báo một nghịch lý rằng, việc tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng - được công bố ở nhiều quốc gia thành viên EU sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự vào Ukraine - có thể thực sự làm suy yếu tham vọng công nghiệp quốc phòng của Liên minh này.

Sự gia tăng đột ngột của nguồn tài trợ quốc gia khiến các chính phủ dễ dàng thực hiện một mình vì họ có nhiều tiền hơn để chi tiêu.

Hơn nữa, xung đột ở Ukraine đã buộc nhiều quốc gia thành viên EU phải đánh giá lại mức độ cấp thiết của việc giải quyết các khoảng trống năng lực lâu nay và ưu tiên lấp đầy chúng một cách nhanh chóng, trái ngược với việc phát triển các sản phẩm mới với đối tác châu Âu khác.

Chẳng hạn, Đức và Ba Lan đều đã công bố các hoạt động mua sắm đáng chú ý kể từ khi xung đột xảy ra, phần lớn trong số đó dành cho các thiết bị có nguồn gốc từ bên ngoài EU, bao gồm cả Mỹ và Hàn Quốc.

Điều đáng lo ngại đối với EC là các công cụ mới của EU sẽ quá muộn và mức tài trợ quá nhỏ để có thể thay đổi nghiêm túc suy nghĩ của các chính phủ quốc gia thành viên.

Một vấn đề khác với công cụ mua sắm mới của EU là công cụ dự kiến sẽ bao gồm các quy tắc loại trừ bất kỳ sản phẩm nào phải chịu các hạn chế của nước thứ ba. Điều này đã được thể hiện rõ trong dự thảo quy định cho EDIRPA, được công bố hồi tháng 7/2022.

Chuyên gia Tim Lawrenson giải thích, quy tắc này có nghĩa là bất kỳ sản phẩm nào có công nghệ chịu sự kiểm soát xuất khẩu của nước thứ ba đều có khả năng bị loại trừ.

Với tính chất xuyên quốc gia của các chuỗi cung ứng quốc phòng, đặc biệt là ưu thế của công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ, quy tắc trên có khả năng ảnh hưởng đến một loạt sản phẩm hiện có, nhiều sản phẩm chủ yếu có xuất xứ từ EU.

Việc này có thể khiến các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nhiều nhất nản lòng khi các quy tắc của EDIRPA và EDIP được thương lượng, có khả năng làm phức tạp việc thực hiện cả hai công cụ.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nganh-cong-nghiep-quoc-phong-chau-au-mot-nghich-ly-khong-kho-ly-giai-roi-se-di-ve-dau-203160.html