Ngành công nghiệp chip Hàn Quốc tìm cách vượt 'sóng lớn'

Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc như Samsung Electronics đang ở thế khó trước cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vì cả hai nước này đều là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc.

Chip bán dẫn SK hynix. Ảnh: TTXVN phát

Chip bán dẫn SK hynix. Ảnh: TTXVN phát

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc như Samsung Electronics đang ở thế khó trước cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vì cả hai nước này đều là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc.

Nghiêm trọng hơn, ngành chip ở Hàn Quốc còn mắc kẹt trong tình trạng lao dốc kéo dài. Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), xuất khẩu của nước này đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng 7/2023, chủ yếu do nhu cầu đối với chất bán dẫn yếu đi.

Số chuyến hàng đi nước ngoài của Hàn Quốc đã giảm 16,5% so với cùng kỳ xuống còn 50,33 tỷ USD vào tháng trước. Mức giảm phần lớn là do xuất khẩu chất bán dẫn, mặt hàng chủ lực của Hàn Quốc, đã giảm gần 34% do nhu cầu yếu và giá chip giảm.

Trong tháng Bảy, xuất khẩu chip đã giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 7,44 tỷ USD, kéo dài chuỗi sụt giảm doanh số bán chip kể từ tháng 8/2022.

Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), một tổ chức tư vấn của nhà nước, cho biết đà suy giảm của lĩnh vực chip đang chậm lại, báo hiệu rằng ngành chip nước này có thể ghi nhận phục hồi đã được chờ đợi từ lâu vào cuối năm nay.

Theo KDI, doanh số bán chip của nước này vẫn rất quan trọng đối với các số liệu thương mại tổng thể và nền kinh tế rộng lớn hơn. Vì xuất khẩu chất bán dẫn giảm 10% dẫn đến tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc giảm tới 0,78%. Nhưng, giớ chuyên gia cảnh báo rằng các nhà sản xuất chip Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề.

Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách và nhà sản xuất chip đều phải đối phó với sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào xuất khẩu chip nhớ.

Đã có những cuộc thảo luận về đa dạng hóa danh mục đầu tư của Hàn Quốc. Nhưng các chính sách và kế hoạch đầu tư cụ thể vẫn chưa được vạch ra, đặc biệt là khi xem xét những thay đổi trong xu hướng công nghệ liên quan đến chip.

Thứ hai, dữ liệu ngành cho thấy Hàn Quốc đang ghi nhận xu hướng giảm lượng nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Như trong năm 2022, Hàn Quốc đã nhập khẩu lượng hàng hóa này trị giá 16,6 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước. Điều này trái ngược với sự gia tăng nhập khẩu thiết bị sản xuất chip được vận chuyển đến Mỹ, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Vì việc nhập khẩu máy sản xuất chip thường liên quan đến việc mở rộng cơ sở sản xuất, sự sụt giảm trong các số liệu nhập khẩu liên quan được cho là minh chứng của động lực đầu tư yếu.

Thứ ba, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc không muốn đầu tư mạnh để đối phó với tình trạng cạnh tranh toàn cầu đang leo thang. Tình trạng ế ẩm kéo dài là nguyên nhân chính, nhưng còn có những yếu tố khác. Chẳng hạn, Samsung Electronics đang có kế hoạch xây dựng một cụm bán dẫn trị giá 300.000 tỷ won (227 tỷ USD) tại Yongin, tỉnh Gyeonggi vào năm 2042. Nhưng phía công ty cho biết việc đảm bảo nguồn cung điện và nước công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, Hàn Quốc phải xem xét vấn đề lực lượng lao động một cách nghiêm túc hơn. Các nhà sản xuất chip toàn cầu đang ráo riết tuyển dụng các kỹ sư chip bằng cách hứa hẹn mức lương cao. Điều này là vì tình trạng thiếu công nhân lành nghề đã cản trở hoạt động của các cơ sở sản xuất chip mới. Hơn 60 cơ sở sản xuất chất bán dẫn mới đang được xây dựng trên khắp thế giới, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh ngày một gay gắt để đảm bảo tuyển dụng được các kỹ sư chip trong những năm tới.

Giữa bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần giúp phía sản xuất chip xây dựng các cơ sở bán dẫn mới và cải tổ các chính sách giáo dục, đào tạo thêm nhiều kỹ sư theo cách mà ngành công nghiệp chip Hàn Quốc có thể để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu./.

Trần Quang (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nga-nh-cong-nghiep-chip-han-quoc-tim-cach-vuot-song-lon/302489.html