Ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán 2024

Năm 2023, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,13% dự toán; chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Công tác thu, điều hành chi ngân sách nhà nước đã được thực hiện theo dự toán...

Diễn biến thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước từ năm 2016-2023 (%).

Kinh tế thế giới năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn và thách thức. Chiến sự Nga - Ukraine phức tạp hơn. Nhiều quốc gia tiếp tục thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản gia tăng. Giá năng lượng, nguyên liệu đầu vào vẫn còn ở mức cao; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; hầu hết các nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng. Nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam giảm mạnh, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội trong nước.

Báo cáo cập nhật tình hình thương mại toàn cầu tháng 12/2023 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển đã đưa ra dự báo tổng thương mại toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 30,7 nghìn tỷ USD, giảm khoảng 5,0% (tương đương 2,0 nghìn tỷ USD) so với năm 2022...

Trong năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế; thị trường bất động sản chậm phục hồi, hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân và FDI chậm lại; biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, hạn hán kéo dài, mưa bão, sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều địa phương… nên Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thu theo hướng miễn, giãn, giảm thuế suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh với quy mô lớn. Do đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước năm 2023.

Những diễn biến này cũng tác động tới tình hình kinh tế - xã hội trong nước, đến việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023. Để kịp thời ứng phó với các tác động bất lợi này, Quốc hội, Chính phủ đã cho thực hiện hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ như: tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm tiền cho thuê đất…

Ước tính tổng số giảm thu ngân sách nhà nước do thực hiện chính sách trong năm 2023 khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,13% dự toán năm 2023 (trong đó, ngân sách trung ương đạt 105,9% dự toán; ngân sách địa phương đạt 110,6% dự toán), bằng 96,53% so với ước thực hiện năm 2022 (hình 1). Mức thu này đã đạt tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước khoảng 17,14% GDP (năm 2022 đạt 19,08%, năm 2021 đạt 18,77%, năm 2020 đạt 18,78%).

Trong 8 năm qua, số thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2023 chỉ tốt hơn của năm 2020 và kém hơn của 6 năm còn lại khá nhiều. Số thực hiện so với dự toán của năm 2023 chỉ đạt tỷ lệ cao hơn của năm 2020 và 2017, đạt tỷ lệ thấp hơn của 5 năm còn lại trong giai đoạn 2016-2023; về số thực hiện so với năm trước thì năm 2023 đạt thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2023 (Hình 1).

So với dự toán năm 2023, thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt thành tích tốt nhất về thu từ dầu thô (đạt 147,51% so với dự toán); tiếp đó là thu nội địa (đạt 110,07%); thu từ xuất nhập khẩu chỉ đạt 91,76%). So với số thực hiện năm 2022, thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt thành tích tốt nhất về thu nội địa (đạt 101,70% so với năm 2022); thu từ dầu thô chỉ đạt 79,40%; thu từ xuất nhập khẩu chỉ đạt 76,85%).

Khoản thu từ dầu thô năm 2023 tăng rất mạnh so với dự toán năm 2023, nhưng lại giảm so với thực hiện năm 2022, chủ yếu là do: dự toán năm 2023 lập trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước 8,0 triệu tấn, giá bán 70 USD/thùng; nhưng thực tế trong năm 2023, giá dầu bình quân cả năm đạt khoảng 87 USD/thùng (cao hơn 17 USD/thùng so với giá dự toán), sản lượng thanh toán cả năm ước đạt 8,64 triệu tấn (cao hơn 0,64 triệu tấn so với kế hoạch), ước thực hiện thu từ dầu thô cả năm 2023 đạt 61,96 nghìn tỷ đồng (tăng 19,96 nghìn tỷ đồng, tương đương +47,51%) so với dự toán, nhưng lại giảm 20,6% so với thực hiện năm 2022…

Cơ cấu thu ngân sách nhà nước ước năm 2023 có thay đổi khá nhiều so với thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2023. Đặc biệt, cơ cấu thu ngân sách nhà nước ước năm 2023 có thay đổi khá rõ so với thực hiện năm 2022 và cả so với dự toán 2023, đó là tỷ trọng thu từ nội địa tăng khá rõ để bù cho việc giảm của tỷ trọng thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu (đối với thực hiện năm 2022) và bù cho việc giảm của tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu (đối với dự toán năm 2023).

Để đáp ứng nhu cầu huy động vốn kịp thời cho ngân sách nhà nước (chủ yếu là trả nợ gốc vay của Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công…), Việt Nam còn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ trong nước.

Năm 2023, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 298.476 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 98% kế hoạch điều chỉnh của Bộ Tài chính giao (305.000 tỷ đồng).

Kỳ hạn phát hành bình quân là 12,58 năm (trong khi kỳ hạn bình quân của năm 2022 là 12,67 năm, năm 2021 là 13,51 năm, 2020 là 13,93 năm, 2019 là 13,6 năm; của giai đoạn 2009-2014 là 4,2 năm); kỳ hạn còn lại bình quân danh mục là 9,05 năm; lãi suất phát hành bình quân là 3,21%/năm (trong khi lãi suất bình quân của các năm 2022, 2021, 2020, 2019, 2018, 2017 và giai đoạn 2009-2014 lần lượt là: 3,48%/năm; 2,28%/năm; 2,87%/năm; 4,58%/năm; 4,73%/năm; 5,98%/năm và 11,58%/năm). Tổng khối lượng thanh toán gốc, lãi trái phiếu chính phủ là 184.588 tỷ đồng, trong đó gốc là 100.966 tỷ đồng, lãi là 83.622 tỷ đồng…

Đặc biệt, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được ưu tiên sử dụng cho ngân sách trung ương vay, từ đó giảm chi phí vay hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Theo đó, Kho bạc Nhà nước chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất, chặt chẽ trong toàn hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước và các đơn vị có giao dịch với Kho bạc Nhà nước.

Đồng thời, cuối ngày làm việc, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước từ các địa phương được tập trung về trung ương và gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (không còn số dư tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại vào cuối ngày làm việc). Nhờ đó, tạo thuận lợi cho việc quản lý, đảm bảo thanh khoản của ngân quỹ nhà nước và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành cung tiền trên thị trường tiền tệ.

Tính riêng trong năm 2023, sau khi trừ phần chi cho hoạt động nghiệp vụ và trả lãi cho các đơn vị, tổ chức kinh tế, các quỹ tài chính, trả phí thanh toán cho ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đã nộp vào ngân sách trung ương 6.815 tỷ đồng. Từ năm 2019 – 2023, nhờ triển khai hiệu quả các nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi, đến nay Kho bạc Nhà nước đã đóng góp vào ngân sách trung ương khoảng 23.000 tỷ đồng.

CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023

Cùng với công tác thu, công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2023 đã được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước…

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng (bằng 83,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với năm trước). Trong đó, chi thường xuyên năm 2023 ước đạt 1.058,6 nghìn tỷ đồng (bằng 90,3% dự toán năm và tăng 3,2% so với năm trước); chi đầu tư phát triển đạt 579,8 nghìn tỷ đồng (bằng 79,8% và tăng 33,1%); chi trả nợ lãi 90,1 nghìn tỷ đồng (bằng 87,6% và giảm 7,6%).

Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo dự toán, xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước. Ngân sách các cấp đã chủ động đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc ngân sách nhà nước đảm bảo từ ngày 1/7/2023…

Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024: Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phạm Minh Thụy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ngan-sach-nha-nuoc-nam-2023-va-du-toan-2024.htm