Ngăn ngừa trẻ em trở thành nạn nhân của hoạt động khủng bố

Với tư cách là thành viên của Ủy ban Liên hợp quốc về ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự (CCPCJ) , Indonesia đưa ra 3 cách tiếp cận có thể giúp giải quyết vấn đề trẻ em là nạn nhân của khủng bố.

Ông Rycko Amelza Dahniel, người đứng đầu Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia cho rằng sự tham gia của CCPCJ có thể giúp giải quyết vấn đề trẻ em là nạn nhân của khủng bố. (Nguồn: Antara)

Ông Rycko Amelza Dahniel, người đứng đầu Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia cho rằng sự tham gia của CCPCJ có thể giúp giải quyết vấn đề trẻ em là nạn nhân của khủng bố. (Nguồn: Antara)

Phát biểu tại Phiên họp thứ 33 của CCPCJ tại Vienna (Áo) ngày 14/5, người đứng đầu Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia Rycko Amelza Dahniel đề xuất 3 cách tiếp cận để ngăn ngừa trẻ em trở thành nạn nhân của hoạt động khủng bố.

Ông Rycko Amelza Dahniel giải thích, ba cách tiếp cận bao gồm ngăn ngừa trẻ em trở thành nạn nhân của hành vi bạo lực của các nhóm khủng bố; tiến hành phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em có liên quan đến các nhóm khủng bố và đảm bảo công lý cho trẻ em thông qua cách tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em.

Theo người đứng đầu Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, CCPCJ là một nỗ lực chung toàn cầu nhằm chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là giải quyết vấn đề trẻ em liên quan đến các nhóm khủng bố và vi phạm quyền trẻ em.

Trên thực tế, việc thực hiện quyền trẻ em là một trong những nguyên tắc chính của Kế hoạch hành động quốc gia về ngăn chặn và chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực (RAN PE) ở đất nước vạn đảo.

Về vấn đề này, kể từ năm 2021, chính phủ Indonesia đã hợp tác với Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) để thực hiện Chương trình toàn cầu Tăng cường khả năng phục hồi trước bạo lực và chủ nghĩa cực đoan (STRIVE) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.

Phiên họp CCPCJ tại Vienna năm nay có chủ đề "Thúc đẩy hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật để ngăn chặn và giải quyết tội phạm có tổ chức, tham nhũng, khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện cũng như các hình thức tội phạm khác, trong đó có cả các lĩnh vực dẫn độ, hỗ trợ pháp lý và thu hồi tài sản".

CCPCJ là cơ quan hoạch định chính sách chính của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự với nhiệm vụ cải thiện các biện pháp quốc tế nhằm chống lại tội phạm quốc gia và xuyên quốc gia, cũng như tăng cường hiệu quả và sự công bằng của hệ thống quản lý tư pháp hình sự.

Indonesia được bầu làm thành viên của CCPCJ nhiệm kỳ 2024-2026.

(theo Antara)

Hoàng Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngan-ngua-tre-em-tro-thanh-nan-nhan-cua-hoat-dong-khung-bo-271562.html