Ngân hàng quyết liệt xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng

Không chỉ là thực hiện chủ trương của ngành mà bản thân các ngân hàng cho biết, sẽ có biện pháp quyết liệt hơn trong tái cấu, xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng.

Theo chủ trương xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xử lý nợ xấu là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tái cơ cấu. Cơ quan này cho biết, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, các giải pháp xử lý nợ xấu như: Thu hồi nợ từ khách hàng, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) tiếp tục được toàn hệ thống ngân hàng triển khai mạnh mẽ. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Nhà băng này cho biết, năm 2023, đã thu hồi xử lý 7.941 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong đó, có 4.487 tỷ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu, kéo giảm tỷ trọng hạng mục này trong tổng tài sản ngân hàng xuống còn 3%.

Như vậy, trong 7 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, có thể thấy thái độ của Sacombank đối với công tác xử lý nợ xấu là rất khẩn trương, tích cực, từ con số ban đầu 28,1% vào năm 2016, đến nay Sacombank đã kéo giảm mạnh tỷ trọng tài sản tồn đọng trên tổng tài sản chỉ còn lại 3%. Ngoài ra, Sacombank cũng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, tổng số dư dự phòng hiện là 25.099 tỷ đồng, tăng 10,4%, trong đó dự phòng cho vay tăng 34,3%, hoàn tất 100% đối với toàn bộ danh mục nợ bán VAMC.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2023 tổ chức ngày 26/4, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, những khoản nợ xấu, tài sản tồn đang được ngân hàng này quyết liệt xử lý. Cụ thể, khoản nợ 3.500 tỷ của Bamboo Airways đã được bổ sung tài sản đảm bảo là bất động sản, còn dư nợ của ông Trầm Bê có thể được xử lý trong năm nay.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2023 tổ chức ngày 26/4

Tổng giám đốc Sacombank thông tin, dư nợ của Bamboo Airways tại ngân hàng tới 25/4 còn lại 3.583 tỷ và nằm trong nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn). Trước đây, khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Bamboo và tài sản của Tập đoàn FLC. Nhưng sau khi nhóm cổ đông mới vào Bamboo, ngân hàng đã thuyết phục họ đưa thêm tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Theo đó, hiện dư nợ của Bamboo Airways được đảm bảo bằng 100% bất động sản mới, cộng thêm bất động sản cũ và các cổ phiếu trước đây đã thế chấp. “Chắc chắn, khoản vay của Bamboo Airways không thể nào mất vốn. Tài sản đảm bảo mà chúng tôi nhận là tài sản tại TP. Hồ Chí Minh và có giá trị, thanh khoản cao”, bà Diễm nói.

Lãnh đạo Sacombank cũng trả lời những thắc mắc của các cổ đông về một số khoản nợ của Công ty cổ phần đầu Tư LDG sau khi lãnh đạo bị bắt, cùng với tiến độ xử lý nợ của Khu công nghiệp Phong Phú.

Với khoản nợ của Khu Công nghiệp Phong Phú, lãnh đạo Sacombank cho biết, khoản nợ gốc là 5.134 tỷ và lãi dự thu 2.700 tỷ. Tổng vốn tồn đọng khoảng 7.900 tỷ. Sau 18 lần đấu giá, Sacombank đã đấu giá thành công và thu một phần nợ. Tuy nhiên, diện tích tài sản đảm bảo có cả phần chưa đền bù giải tỏa. Do đó, sau khi đấu giá thực trạng khoản nợ thành công, vẫn phải có thời gian để bên mua nợ có thời gian hoàn thành pháp lý. Do đó, với phần nợ còn lại, Sacombank cho biết đã cho đối tác thời hạn 2 năm để hoàn trả.

Nói về Đề án tái cơ cấu, lãnh đạo Sacombank cho biết, vướng mắc duy nhất khiến ngân hàng này chưa “về đích” là do khoản nợ của ông Trầm Bê. Tổng giám đốc Sacombank cho biết, ngân hàng đã có tờ trình Ngân hàng Nhà nước trên 6 tháng. Ngân hàng Nhà nước cơ bản đồng thuận về chủ trương theo phương án Sacombank đưa ra tuy nhiên cơ quan quản lý cũng cần thời gian xem xét lại, để trình Thủ tướng phê duyệt lần cuối.

“Tôi tin rằng, trong năm nay phương án này sẽ được phê duyệt. Từ đó, chúng tôi sẽ đem cổ phiếu của ông Trầm Bê bán đấu giá công khai trên nguyên tắc minh bạch, cũng như đảm bảo khả năng thu hồi nợ cho ngân hàng”, bà Diễm chia sẻ.

Lãnh đạo Sacombank kỳ vọng ngân hàng tái cơ cấu thành công trong 2024

Sau 7 năm tái cơ cấu, Sacombank hiện có vốn chủ sở hữu 45.000 tỷ đồng. So với lúc bắt đầu cơ cấu, tổng tài sản từ 355.000 tỷ lên 674.000 tỷ, tăng 89%. Dư nợ tín dụng từ 222.000 tỷ hiện lên 482.000 tỷ đồng. Tổng tỷ lệ nợ xấu và tài sản tồn động từ 94.000 tỷ trên dư nợ 222.000 tỷ, tức tỷ lệ nợ xấu 42% về chỉ còn 6,9%. Tài sản không sinh lời 113.000 tỷ đồng hiện này còn 70.000 tỷ.

Năm nay, Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10%. Mục tiêu này, theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, là thấp so với các ngân hàng bạn, tuy nhiên, phù hợp với bối cảnh ngân hàng dành nguồn lực tái cấu trúc.

Bên cạnh đó, nhà băng đặt mục tiêu tổng tài sản đến hết năm nay đạt 724.100 tỷ đồng, tăng 10%. Nguồn vốn huy động tăng 10% lên 636.600 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 11% đạt 535.800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.654 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 693.500 tỷ đồng, tổng huy động hơn 606.200 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng hơn 500.400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,1%.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngan-hang-quyet-liet-xu-ly-no-xau-tai-san-ton-dong-317095.html